Cơ cấu lại kỳ hạn huy động

(ĐTTCO) - Từ đầu năm đến nay, biểu lãi suất huy động của các NH liên tục được điều chỉnh. Trong mỗi đợt lãi suất thay đổi, xu hướng tăng giảm không đồng nhất vì các NH cơ cấu lại kỳ hạn huy động vốn.

(ĐTTCO) - Từ đầu năm đến nay, biểu lãi suất huy động của các NH liên tục được điều chỉnh. Trong mỗi đợt lãi suất thay đổi, xu hướng tăng giảm không đồng nhất vì các NH cơ cấu lại kỳ hạn huy động vốn.

Chủ động dịch chuyển nguồn vốn

Năm 2017, NHNN cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành nhằm phấn đấu ổn định lãi suất cho vay như năm 2016. Nếu lãi suất cho vay đứng yên nhưng lãi suất huy động buộc phải tăng lên, nguồn thu từ lãi của NH chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Ngày 29-11, VietCapitalBank điều chỉnh biểu lãi suất huy động giảm 0,05% đối với kỳ hạn 1-5 tháng, giảm 0,1% với các kỳ hạn 13 và 18 tháng. Hiện lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng là 5,3%/năm, kỳ hạn 3 tháng, 5 tháng 5,4%/năm, 13 tháng 7,5%/năm, 18 tháng 7,9%/năm. Sacombank giảm 0,1% đối với kỳ hạn 2 và 3 tháng, lần lượt ở mức 4,9% và 5,2%/năm, nhưng các kỳ hạn dài từ 15-36 tháng được Sacombank điều chỉnh tăng 0,2% lên 7%/năm.

Agribank giảm lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn và tiền gửi thanh toán từ 0,5%/năm xuống 0,3%/năm và điều chỉnh tăng 0,1% đối với kỳ hạn 1 tháng lên 4,3%/năm. PVcombank tăng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng với mức 0,2%/năm, niêm yết ở mức 7,5%/năm. BaoVietBank tăng lãi suất tiết kiệm định kỳ đối với kỳ hạn 11 tháng thêm 0,2% lên mức 6,6%/năm, đồng thời kỳ hạn 12 tháng cũng tăng 0,1% lên 7,2%/năm. VIB điều chỉnh lãi suất hầu hết các kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 11 tháng trở xuống tăng thêm 0,5%, kỳ hạn từ 24-36 tháng tăng thêm 0,8%.

So với các năm trước, năm nay biểu lãi suất của các NHTM chuyển động với tần suất cao hơn. Tuy nhiên, lãi suất không diễn biến theo một xu hướng chung mà được các NH điều chỉnh tăng giảm theo từng thời điểm và từng kỳ hạn khác nhau. Theo TS. Trần Du Lịch, xu hướng này xuất phát từ mục tiêu cơ cấu lại nguồn vốn huy động của các NH. Trước đây, các NH luôn phản ánh về tình trạng vốn huy động ngắn hạn chiếm đến 80-85% tổng vốn huy động, trong khi nhu cầu vay vốn chủ yếu là trung và dài hạn. Do đó, các NH đã kiến nghị NHNN nới tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn để phục vụ nhu cầu của thị trường, và tại Thông tư 36/2014, tỷ lệ này đã được nới từ 40% lên 60%.

Tuy nhiên, theo Thông tư 06, bắt đầu từ năm 2017, các NHTM phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống 50%. Để cân đối lại nguồn vốn và đáp ứng yêu cầu thanh khoản, các NH buộc phải điều chỉnh lãi suất để định hướng đầu vào, giảm lãi suất các kỳ hạn ngắn và tăng lãi suất các kỳ hạn trên 6 tháng để tiền gửi dịch chuyển sang kỳ hạn dài. Động thái này của các NH cũng đã bước đầu thể hiện hiệu quả vì theo NHNN, hiện nay trên thị trường, các mức lãi suất ngắn hạn đã có đường cong và hệ thống các TCTD đã huy động được các nguồn vốn dài hạn hơn.

NH hưởng lợi

Từ quý II-2016 đến nay, mặt bằng lãi suất khá thấp và lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm theo yêu cầu của Chính phủ và NHNN. Tuy nhiên, thu nhập lãi thuần của nhiều NH vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Vietcombank, lũy kế 9 tháng thu nhập lãi thuần đạt 13.645 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm trước. Chênh lệch lãi suất (NIM) 9 tháng năm 2015 của NH ở mức 2,67% và cả năm 2015 là 2,62%, nhưng 9 tháng năm 2016, NIM đã tăng 2,76%. Vietcombank cho biết số lượng các khoản cho vay trung và dài hạn với lãi suất trên 10%/năm nhỏ, vì vậy hệ số NIM của NH không chịu ảnh hưởng nhiều trước yêu cầu giảm lãi suất dài hạn xuống 10%/năm của NHNN. Lợi suất gộp từ cho vay trong 9 tháng thực tế chỉ giảm 0,04% so với 6 tháng đầu năm. Hơn nữa, nhờ lãi suất huy động giảm 0,3-0,5% trong quý IV nên chi phí huy động chung giảm xuống. Tại VietinBank, lãi thuần 9 tháng đạt 17.203 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập lãi thuần 9 tháng của BIDV đạt 16.707 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2015 chỉ đạt 13.719 tỷ đồng.

Một chuyên gia tài chính nhận định, sở dĩ thu nhập từ lãi của các NH vẫn tăng trưởng tốt trong bối cảnh phải giảm lãi suất cho vay do NH đã có sự điều chỉnh tăng giảm lãi suất huy động từng kỳ hạn khá nhịp nhàng theo nhu cầu vốn của thị trường. Một NHTM thừa nhận quyết định cơ cấu lại vốn huy động đã giúp các NH tự cứu lấy mình. Khi vốn dư thừa, NH giảm lãi suất để giảm chi phí. Khi nguồn vốn huy động giảm, lãi suất tăng lên để thu hút trở lại. Điều này cũng được áp dụng đối với các kỳ hạn huy động, từ đó NH có thể cân đối chi phí, đảm bảo được kế hoạch cả năm.

Song nhiều ý kiến cho rằng lợi ích này sẽ khó duy trì trong thời gian tới. Hiện các điều kiện để giảm lãi suất huy động đang bớt thuận lợi hơn. Tuần trước, NHNN chỉ phát hành tín phiếu thành công 1 lần duy nhất đối với loại kỳ hạn 14 ngày với tổng giá trị đạt 100 tỷ đồng, mức thấp kỷ lục kể từ thời điểm phát hành tín phiếu đầu tiên trong năm nay với lãi suất thấp, ở mức 1,5%/năm. Trong khi đó, lãi suất liên NH có xu hướng tăng mạnh và đạt mức cao nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây, lãi suất kỳ hạn qua đêm tăng 1,45%, đạt mức 3,04%/năm; kỳ hạn 1 tuần tăng 1,49%, lên mức 3,18%/năm; kỳ hạn 2 tuần tăng 1,34% đạt mức 3,42%/năm. Dự báo lãi suất liên NH trong các tuần tới có thể sẽ duy trì ở mức tương đối cao, dao động từ 3-4%/năm.

Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 11-2016 đã đạt mức 15,8%, trong khi tăng trưởng huy động chỉ 15,2%. Điều này cho thấy thanh khoản hệ thống NH bớt dư thừa hơn so với quý III. Đồng thời, CPI tăng nhanh trở lại kể từ tháng 10, lãi suất của USD gần như chắc chắn tăng vào cuối tháng 12 và lãi suất trái phiếu chính phủ tăng khoảng 0,5% ở các kỳ hạn, nên việc cắt giảm lãi suất huy động sẽ khó thực hiện được.

Các tin khác