Cơ hội bay cao và bay xa

(ĐTTCO) - Ngày 15-2, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đã trao chứng nhận đạt năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) của Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA) cho Cục Hàng không Việt Nam. Đây là cơ sở để Việt Nam thiết lập đường bay thẳng tới Hoa Kỳ, mở ra những cơ hội mới.

Mức an toàn cao nhất 
Hiện nay, trang web uy tín đánh giá mức độ an toàn và chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không trên toàn thế giới là Airlineratings.com, đã đánh giá 3 hãng hàng không của Việt Nam đều đạt mức an toàn cao nhất. Theo đó, Airlineratings đánh giá các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific đạt mức an toàn 7/7 sao - mức cao nhất trong bảng xếp hạng.
Các tiêu chí đưa ra đánh giá dựa trên chứng nhận IOSA của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA, được xếp 3 sao): 10 năm liên tục không xảy ra tai nạn tàu bay (1 sao); hãng hàng không không bị liệt vào danh sách cấm bay châu Âu (1 sao); nhà chức trách quốc gia khai thác đáp ứng các yêu cầu của ICAO (1 sao); nhà chức trách hàng không quốc gia khai thác được FAA xếp loại 1 về tuân thủ các quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO - 1 sao).
Đồng thời, Airlineratings đưa vào các tiêu chí riêng như không xảy ra tai nạn làm thương vong hành khách hoặc phi hành đoàn trong vòng 10 năm vừa qua. Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific đáp ứng tất cả các tiêu chí trong thang đánh giá này, nằm cùng bảng xếp hạng với Singapore Airlines, British Airways, American Airlines, Emirates…
Cơ hội bay cao và bay xa ảnh 1
Rõ ràng đây là nỗ lực lớn của Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không trong nước, tích cực hoàn thiện hệ thống giám sát an toàn hàng không trên 8 yếu tố trọng yếu của ICAO, như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn hàng không; cơ cấu tổ chức hệ thống giám sát an toàn hàng không; công tác huấn luyện, đào tạo đội ngũ giám sát viên an toàn; công tác phê chuẩn, cấp phép; công tác giám sát sau phê chuẩn, cấp phép; chế tài...
8 yếu tố trọng yếu này được FAA đánh giá là đảm bảo an toàn. Cùng với đó, 14 khuyến cáo của FAA đưa ra trong các lĩnh vực còn lại đều là các khuyến cáo có thể khắc phục sớm và không mang tính hệ thống. 
Ông Geoffrey Thomas, Giám đốc Airline Ratings, cho biết từ lâu Vietnam Airlines đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Đây là hãng hàng không có đội tàu bay Airbus và Boeing hiện đại, đã và đang hoạt động rất an toàn và hiệu quả.
Trong những năm qua, Vietnam Airlines đặc biệt thành công trong việc xây dựng và vận hành hệ thống quản lý an toàn dựa vào dữ liệu an toàn để dự báo, xác định các nguy cơ, từ đó xử lý, phòng ngừa rủi ro kịp thời. 
Vươn lên nhờ môi trường cạnh tranh
Tờ Finacial Times (FT) của Anh, đã có bài viết đánh giá tích cực về thị trường hàng không Việt Nam. Tờ báo cho biết với đường bờ biển dài bằng bờ biển phía đông Hoa Kỳ, Việt Nam luôn có những thách thức đối với du khách: khoảng cách giữa thủ đô Hà Nội và trung tâm thương mại TPHCM là 1.150km, một chuyến đi có thể mất 38 giờ nếu đi tàu và thậm chí dài hơn nếu bằng xe khách.
Nhưng sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và tầng lớp trung lưu đang phát triển, đã tạo ra một môi trường lý tưởng cho sự phát triển của ngành hàng không theo những cách mà ít ai có thể mong đợi từ một quốc gia đang phát triển.
Trước đây, khách du lịch nước ngoài đã hạ xếp hạng hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, vốn đã thống trị cả thị trường trong nước và quốc tế, do ít sự cạnh tranh. Và sau đó, Vietnam Airlines không phù hợp với hầu hết khách du lịch trong nước.
Song từ năm 2007, Vietnam Airlines đã thành lập một liên doanh với Qantas của Australia để ra thêm thương hiệu Jetstar Pacific, một hãng hàng không giá rẻ chủ yếu bay các tuyến nội địa, nhưng thành công rất hạn chế. 
Và cho đến khi Vietjet gia nhập thị trường, điều này bắt đầu thay đổi. Vietjet là hãng hàng không đầu tiên thuộc sở hữu tư nhân khi được thành lập năm 2007, kể từ đó đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Hãng đã từ chỗ chỉ có một máy bay phản lực và hai tuyến nội địa vào năm 2011, đến nay đã có 40 máy bay phản lực (và thêm 182 máy bay theo đơn đặt hàng), với mạng lưới 36 tuyến tại Việt Nam và 17 tuyến quốc tế, bao gồm Thái Lan, Singapore và Trung Quốc.
Hãng đang nhắm mục tiêu 45 tuyến nội địa vào năm 2019 và 36 tuyến quốc tế vào năm 2018. Cạnh tranh trực tiếp với Vietnam Airlines và Jetstar, Vietjet đã chiếm 43% thị phần du lịch hàng không nội địa. Thành công của nó nằm ở đội tàu hiện đại (trung bình 3,3 năm tuổi), tiếp thị thông thái, giá vé thấp và chi phí thấp - chi phí đơn vị thuộc hàng thấp nhất thế giới.
Theo phân tích của FT, ngoài sự gia tăng khách du lịch địa phương, số lượng khách du lịch nước ngoài cũng đang tăng mạnh. Sự đột biến này không chỉ mang lại lợi ích cho các hãng hàng không, mà ngay cả ACV (Tổng CTCP Cảng hàng không Việt Nam) cũng hưởng lợi lớn, nơi điều hành tất cả các sân bay của đất nước. ACV kiếm tiền từ việc tính một loạt khoản phí (như an ninh sân bay, hành khách, hạ cánh và cất cánh) và cho thuê mặt bằng bán lẻ trong các sân bay.
Ông Dương Trí Thành,  Tổng Giám đốc Vietnam Airlines:
Việc FAA phê chuẩn CAT 1 đối với Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) là một quyết định quan trọng đối với ngành HKVN. Vietnam Airlines đã chờ đợi rất lâu để có được cơ hội mở đường bay thẳng đến Hoa Kỳ, một thị trường được đánh giá rất tiềm năng. Từ năm 2001, Vietnam Airlines đã mở văn phòng đại diện tại Hoa Kỳ, và từ đó đến nay chúng tôi liên tục nỗ lực chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật và thương mại cho việc mở đường bay tới Hoa Kỳ. 
Tuy nhiên, việc mở đường bay thương mại tới Hoa Kỳ chưa thể thực hiện ngay được, do chưa có loại máy bay nào bay thẳng mà chở đủ tải khách và hàng từ Việt Nam tới Hoa Kỳ. Nếu phương án khai thác có một điểm dừng, chi phí và thời gian bay tăng lên nhiều, tính cạnh tranh của sản phẩm chưa đủ cao.  Qua trao đổi với các nhà sản xuất máy bay, dự kiến đến năm 2022 mới có thể có loại máy bay đáp ứng về mặt kỹ thuật để bay thẳng và đủ tải tới Hoa Kỳ. Trong thời gian chờ đợi, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục mở rộng nối chuyến và liên danh với các hãng hàng không Mỹ. Hiện Vietnam Airlines đang có các chuyến bay liên danh (codeshare) với Delta Airlines, từ Việt Nam tới các sân bay ở Nhật Bản, qua châu Âu đến 15 điểm ở Hoa Kỳ. Khi Cục HKVN đạt CAT 1 của FAA, Delta Airlines có thể thực hiện các chuyến bay liên danh trên máy bay của Vietnam Airlines.
Ông Tô Việt Thắng,  Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air:
Việc đạt được điều kiện cần để có thể bay thẳng tới Mỹ là cơ hội cho các hãng HKVN, tạo tiền đề để phát triển và xây dựng những tên tuổi hàng không lớn của Việt Nam trên bản đồ hàng không thế giới. Vietjet đã chuẩn bị kế hoạch mở rộng đội tàu với một lượng máy bay thân rộng, nhằm phục vụ kế hoạch bay thẳng tới các thành phố của Mỹ. Hãng cũng có kế hoạch sẽ mở đường bay tới các thành phố có đông cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Mỹ như California, phục vụ nhu cầu lớn du lịch và giao thương của khách...
Đến nay, mặc dù chưa có đường bay thẳng tới Mỹ, Vietjet cũng liên tục ký kết hợp tác liên danh với các hãng hàng không lớn trên thế giới như Qatar Airways, Japan Airlines để thực hiện các chuyến bay liên danh tới các điểm đến xa hơn khắp thế giới, trong đó có cả thị trường Mỹ. 
Lợi thế của Vietjet hiện là thành viên của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế IATA, và có chứng chỉ "An toàn hàng không quốc tế IOSA", các chỉ số an toàn, khai thác của Vietjet thuộc nhóm các hãng hàng không dẫn đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nên nhà chức trách hàng không Mỹ sẽ cấp phép thuận lợi cho việc bay tới Mỹ... Lợi thế nữa của Vietjet còn là đội tàu bay trẻ, hiện đại. Chúng tôi đang cân nhắc kế hoạch mở rộng đội tàu với các tàu bay thân rộng để phù hợp cho đường bay tới Mỹ.
Bích Quyên (ghi)

Các tin khác