Thực ra Singapore không có kỳ thi tuyển vào đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) như ở nước ta, mà dùng kết quả của học sinh tốt nghiệp kỳ thi A-Level (tương đương Trung học phổ thông - THPT) hay O-Level (học hết lớp 10 - tạm hiểu là tương đương tốt nghiệp Phổ thông Cơ sở để tiện hình dung) để xét chọn “nhân tài” vào ĐH-CĐ.
Các sĩ tử tại một kỳ thi ĐH. |
Lẽ đương nhiên, học sinh Việt Nam muốn trở thành sinh viên ở Singapore phải đạt trình độ tiếng Anh nhất định với một điểm số nào đó qua các kỳ thi trắc nghiệm TOEFL hay IELTS. Nhưng nếu bỏ yêu cầu về ngôn ngữ này sang một bên, chúng ta có quyền thắc mắc: Tại sao các trường ĐH ở Singapore có thể xét tuyển sinh viên Việt Nam dựa trên bằng tốt nghiệp THPT không cần tổ chức thi tuyển, trong khi ĐH của ta thì không?
Có thể ai đó cho rằng dù hệ thống giáo dục ở ta vẫn còn nhiều bất cập, nhưng bằng tốt nghiệp THPT của Việt Nam vẫn được các nước phát triển như Singapore công nhận. Như vậy có thể thua kém về mặt này hay mặt khác với bạn bè đồng trang lứa ở Singapore hay các nước khác, nhưng nói cho công bằng, với bằng tốt nghiệp THPT trong tay, học sinh Việt Nam vẫn được trang bị những kiến thức nền tảng đủ sức và nếu biết ngoại ngữ có thể đủ khả năng học tiếp ở nước ngoài bằng học bổng hay du học tự túc.
Vấn đề là ở chỗ: có hay chăng sự khác biệt giữa bằng tốt nghiệp THPT giữa các vùng miền ở một đất nước gần 90 triệu dân và liệu các trường ĐH lớn của Singapore trong chiến lược thu hút nhân tài của họ chỉ quan tâm đến học sinh Việt Nam tốt nghiệp từ các trường chuyên lớp chọn có tiếng ở Việt Nam như Amsterdam (Hà Nội), Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) hay Trần Đại Nghĩa, Lê Hồng Phong (TPHCM)…?
Không chỉ các trường tư mà ngay cả 3 trường ĐH lớn có uy tín ở Singapore là ĐH Quốc gia Singapore (NUS), ĐH Công nghệ Nanyang (NTU) và ĐH Quản lý Singapore (SMU) vẫn chấp nhận bằng tốt nghiệp THPT của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam như một trong các điều kiện căn bản để xét tuyển sinh viên hàng năm. Trên trang web của mình, NTU còn chấp nhận cả “Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời” viết bằng tiếng Việt hẳn hoi. |
Nếu câu trả lời là không, thì các kỳ thi tốt nghiệp THPT ở nước ta nên thực hiện một cách nghiêm túc, không có tiêu cực hay gian lận như sao chép, quay cóp, ném “phao” ở một số địa phương. Như vậy đề xuất của Ban soạn thảo đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo” của Bộ Giáo dục - Đào tạo trong việc xóa bỏ kỳ thi tuyển sinh vào ĐH là đáng hoan nghênh. Trong chiều hướng đó, giờ đây nguồn lực của toàn xã hội sẽ tập trung vào một mối, thay vì tốn kém chi phí và thời gian cho 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ như trước đây.
Tuy vậy, nếu việc bãi bỏ kỳ thi tuyển sinh vào ĐH-CĐ có thể thực hiện bằng một quyết định, thì việc thiết kế và xây dựng lại chương trình đào tạo 12 năm bậc phổ thông của Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ là dấu hỏi lớn. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của toàn cầu, nền giáo dục không thể không tham khảo nội dung chương trình đào tạo của các nước khác.
Thí dụ như học sinh Singapore phải học ít nhất 6 môn, trong đó không thể thiếu toán, khoa học (lý-hóa-sinh) và ngôn ngữ mới có thể lấy được bằng A - Level. Trước đó 2 năm, các em phải trải qua kỳ thi O-Level với những nội dung tương tự, chưa kể kỳ thi tốt nghiệp tiểu học (PSLE) sau khi học xong lớp 6 với những tiêu chí sàng lọc rất khắt khe.
Cuối cùng, không thể không nhắc đến thách thức cho các trường ĐH-CĐ một khi phải tổ chức tuyển sinh theo hướng dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Rồi đây, các trường ĐH-CĐ phải xây dựng các tiêu chí tuyển sinh của mình như trắc nghiệm tâm lý về định hướng, động cơ và đạo đức nghề nghiệp trong ngành y; khả năng giao tiếp xã hội và phục vụ cộng đồng trong các ngành nhân văn, hay một số kỹ năng đặc biệt đối với các trường chuyên về nghệ thuật hay kiến trúc…
Bởi mục tiêu lớn nhất của các trường ĐH-CĐ nói riêng và cả hệ thống giáo dục của chúng ta nói chung vẫn là cho ra lò những con người có nhân cách, có kỹ năng làm việc để có thể tự nuôi sống bản thân, đóng góp cho gia đình, xã hội và làm những việc có ý nghĩa cho quê hương đất nước.