Làn sóng F0
Ngày 16-4, phát biểu tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành theo dõi sát và có biện pháp phù hợp trước những rủi ro tiềm ẩn đối với nền kinh tế, như dấu hiệu tăng nóng của TTCK và giá đất tăng bất thường ở một số địa phương.
Ngay sau phát biểu của Thủ tướng, TTCK giảm mạnh trước làn sóng bán tháo của nhà đầu tư (NĐT). Sau phiên này, TTCK đi ngang trong phần lớn thời gian còn lại của tháng 4.
Tại phiên bế mạc kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16-6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đỉnh Huệ tiếp tục có phát biểu cảnh báo về tình trạng bong bóng của TTCK. Cảnh báo của Chủ tịch Quốc hội cũng khiến TTCK nhanh chóng bị tác động.
Tuy nhiên, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bất ngờ bùng phát vào thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5, đã kéo theo làn sóng NĐT mới gia nhập TTCK, hay còn gọi là NĐT F0.
Theo số liệu vừa công bố từ Trung tâm Lưu ký CK (VSD), số lượng tài khoản do NĐT trong nước mở mới tháng 5 tăng vọt lên mức 113.674 tài khoản, cao nhất trong lịch sử thị trường.
Trước đó, kỷ lục lịch sử được ghi nhận trong tháng 3 với 113.314 tài khoản trong nước. Lũy kế 5 tháng đầu năm, NĐT trong nước mở mới 480.490 tài khoản CK, vượt 20% số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 là 393.659 tài khoản.
Sự xuất hiện của NĐT F0 được cho là một trong những nguyên nhân khiến hệ thống giao dịch của sàn HoSE thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải do tiền đổ vào quá lớn.
Theo giới phân tích, dịch bệnh cùng với việc thực hiện giãn cách xã hội khiến TTCK trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhất. Đơn giản bởi người dân chỉ cần ngồi nhà giao dịch, thay vì phải trực tiếp lên sàn như cách đây vài năm. Đặc biệt, TTCK không kén khách hàng, chỉ cần có vài chục triệu đồng là có thể giao dịch.
Cảnh báo rủi ro
Khi khối ngoại vẫn trong trạng thái bán ròng, NĐT F0 chính là luồng gió mới tiếp sức cho chuỗi tăng của VN Index. Chỉ số này liên tục chinh phục các mốc điểm lịch sử 1.300 rồi 1.400 điểm.
Chuỗi tăng nóng của TTCK trong thời gian vừa qua khiến chỉ số giá trên thu nhập (P/E) hiện lên đến 19,1x, tương đương P/E thời điểm 2017-2018.
Mới đây, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cảnh báo với quy mô thị trường và tỷ lệ cho vay ký quỹ (margin) như hiện nay, các công ty chứng khoán (CTCK) cần hết sức thận trọng.
Làn sóng Covid-19 bùng phát cuối tháng 4 đã kéo theo làn sóng NĐT mới gia nhập TTCK. Ảnh: LĐ
Theo quy định, CTCK không được sử dụng margin quá 2 lần vốn chủ, nên nhiều CTCK đã chạm ngưỡng và lên kế hoạch tăng vốn. Các CTCK cần cẩn trọng trong giai đoạn này và ảnh hưởng đầu tiên đến chính doanh nghiệp và kế đến là NĐT.
Sử dụng margin giống như chơi dao 2 lưỡi, khi thị trường lên nó ổn, khi xuống sẽ gây ra hiệu ứng không tốt. Khi margin chạm ngưỡng và dự báo tiếp tục tăng, UBCKNN sẽ tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát để đảm bảo việc cho vay marign đúng luật, an toàn cho CTCK và bền vững cho dòng tiền trên thị trường.
Theo ông Sơn, TTCK không tách rời, riêng biệt mà đồng hành cùng sự phát triển chung của kinh tế, với sự quyết liệt của Chính phủ trong xử lý dịch bệnh, việc tiêm vaccine đạt tỷ lệ cao sẽ giúp triển vọng TTCK năm nay và năm sau phát triển.
Tuy nhiên, TTCK luôn có 2 mặt thuận lợi và rủi ro, NĐT cần hết sức cẩn trọng. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, trong 6 tháng cuối năm, UBCKNN sẽ thực hiện quyết liệt để bảo vệ CTCK, NĐT và cả thị trường. Với bối cảnh hiện nay còn biến động dịch bệnh, dù kiểm soát tốt nhưng vẫn cẩn trọng để giữ cho thị trường hoạt động bền vững.
Thị trường sẽ tự điều chỉnh
Thị trường sẽ tự điều chỉnh
Sự xuất hiện của NĐT F0 được cho là một trong những nguyên nhân khiến hệ thống giao dịch của sàn HoSE thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải do tiền đổ vào quá lớn. |
Theo ông Phạm Vũ Thăng Long, đại diện CTCK TPHCM (HSC), P/E của TTCK đang ở mức cao nhưng so với các nước khác trong khu vực vẫn còn thấp. Đơn cử, Hàn Quốc hiện 21,1x, hay Thái Lan là 29,5x. P/E có giảm không dựa vào kết quả kinh doanh quý III và IV.
Trong khi đó, quý III sẽ khó khăn hơn cho nền kinh tế vĩ mô vì có mức nền bắt đầu cao từ quý III năm ngoái. Khi đáy vĩ mô vào quý II năm ngoái kèm theo tác động của dịch bệnh với quy mô ca nhiễm tăng cao, nhiều tỉnh, thành phải giãn cách xã hội, nên triển vọng sẽ khó khăn trong quý III.
Hy vọng quý IV bắt đầu mở cửa trở lại các đường bay quốc tế sẽ hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt khối ngành dịch vụ tăng trở lại.
Ông Tô Giang Nam, đại diện Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank Capital), cho rằng TTCK liên quan nhiều đến dòng tiền và dòng tiền margin tại các CTCK đã gấp 2 lần vốn chủ, nên việc bổ sung vốn margin sẽ chững lại.
Bên cạnh đó dịch bệnh Covid-19 thời gian tới dần được kiểm soát với việc tiêm chủng được mở rộng, một số nước nới lỏng quy định giãn cách và trong nước một số ngành hoạt động trở lại và tiền sẽ trở lại sản xuất, kinh doanh.
Về dài hạn, khi thị trường tiếp cận lộ trình nâng hạng, dòng tiền nước ngoài quay trở lại, sau khi tạo nền điều chỉnh sẽ có bước tăng trưởng bền vững hơn trong thời gian tới.
“Tuy nhiên, một số ngành, nhóm cổ phiếu tăng nóng vượt quá giá trị kỳ vọng, nên ngắn hạn sẽ có sự điều chỉnh cổ phiếu về mặt bằng giá trị thực" - ông Nam nói.
Theo một chuyên gia CK, thay vì tìm cách “ghìm cương”, cơ quan quản lý cần mạnh tay giúp TTCK minh bạch hơn, hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm trong công bố thông tin, giao dịch nội gián hay làm giá cổ phiếu. Trong bối cảnh TTCK đang lệ thuộc NĐT F0, việc bảo vệ họ thông qua làm trong sạch TTCK chính là hoạt động cần thiết nhất lúc này.