Ngày 11/5, giá xăng dầu trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng lần thứ 9 trong hơn 4 tháng đầu năm. Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 1.491 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 1.554 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 28.950 đồng/lít và xăng RON 95 là 29.980 đồng/lít.
Hiện, giá bán lẻ xăng RON 95 đã tiến sát mốc 30.000 đồng/lít, mức cao nhất từ trước đến nay. Trước đó, giữa tháng 3, giá xăng trong nước xác lập kỷ lục với mức giá là 29.820 đồng/lít với xăng RON 95 và 28.980 đồng/lít với xăng E5 RON 92.
Thực tế, sau kỳ điều chỉnh lần này, giá bán lẻ nhiều mặt hàng xăng đã vượt 30.000 đồng/lít. Đơn cử, ở vùng II (địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu - PV) xăng RON 95 lên mức 30.570 đồng/lít; xăng RON 95 V (xăng cao cấp) lên mức 31.190 đồng/lít; E5 RON 92 lên 29.520 đồng/lít...
Vì sao giá xăng tăng lên sát 30.000 đồng/lít?
Theo lý giải của cơ quan điều hành, kỳ tăng mạnh ngày 11/5 do chịu ảnh hưởng của sự biến động lớn của thị trường xăng dầu thế giới. Việc EU đưa ra đề xuất cấm vận đối với các sản phẩm xăng dầu từ Nga và OPEC+ không tăng sản lượng so với kế hoạch như đề xuất của EU đã gây lo ngại về nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
"Bên cạnh đó, nhu cầu dầu thô tăng sau khi Mỹ công bố kế hoạch mua 60 triệu thùng để bổ sung cho kho dự trữ khẩn cấp. Các yếu tố trên đã đẩy giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm tăng cao so với tuần trước", liên Bộ Công Thương - Tài Chính cho hay.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11/5 và kỳ điều hành ngày 4/5 là 136,968 USD/thùng xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92), tăng 8,29% so với kỳ trước; xăng RON 95 tăng 8,26% so với kỳ trước; còn dầu diesel tăng 5,01%.
Nhà điều hành tính toán việc giảm mức trích lập quỹ bình ổn giá đối với xăng RON 95, xăng E5 RON 92 và diesel, đồng thời thực hiện chi quỹ đối với dầu hỏa và dầu mazut để giá xăng dầu trong nước có mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.
"Việc điều hành giá như trên nhằm giảm áp lực cho quỹ bình ổn và có dư địa để điều hành giá cho các kỳ tiếp theo, bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường. Hơn nữa, tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý", liên Bộ thông tin.
Giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, giá xăng vẫn tăng cao
Theo Nghị quyết 18, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép giảm 700-2.000 đồng/lít từ ngày 1/4. Tuy nhiên, trải qua 5 kỳ điều chỉnh sau khi áp dụng mức giảm thuế, giá xăng dầu trong nước vẫn tăng cao.
Cụ thể, từ ngày 1/4 đến nay, giá xăng đã có 2 lần giảm và 3 lần tăng, đưa giá xăng quay về mức tương đương thời điểm cao kỷ lục giữa tháng 3.
Hiện, trong công thức tính giá cơ sở, các loại thuế phí vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong việc cấu thành giá xăng. Cơ cấu giá xăng RON 95 phải “cõng” 4 sắc thuế gồm thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, VAT 10% theo giá bán và thuế bảo vệ môi trường giảm 50% còn 2.000 đồng/lít.
Mỗi lít xăng cũng phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức (300 đồng/lít), mức trích lập quỹ bình ổn (300 đồng/lít) và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Thời gian qua, liên Bộ cũng đã sử dụng quỹ bình ổn giá theo hướng linh hoạt, giúp cho mặt hàng xăng dầu trong nước tăng thấp hơn đà tăng của thế giới.
Tuy nhiên, hướng giải pháp này không mấy khả quan trong trường hợp giá dầu thô tăng cao và dư địa quỹ bình ổn xăng dầu không còn nhiều, các doanh nghiệp lớn âm quỹ. Trong đó, Petrolimex âm 53 tỷ đồng (đến ngày 11/5), PVOil âm 1.065 tỷ đồng (tính đến 21/4)...
Về việc có giảm thêm giá xăng dầu trong thời gian tới, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết liên bộ Tài chính - Công Thương đang tiến hành xem xét, rà soát.
"Bên cạnh đó, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Quốc hội, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục nghiên cứu và rà soát xem giảm được thêm thuế nào để phù hợp với tình hình chung, tránh thẩm lậu xăng dầu, tạo điều kiện nhất cho người dân", ông Hải nói.
Giá xăng trong nước đã lên sát mốc 30.000 đồng/lít dù đã giảm 2.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường. Ảnh:Hoàng Hà. |
Có nên giảm thêm thuế, phí xăng dầu?
Trước nguy cơ giá xăng, dầu trong nước liên tục tăng mạnh có thể kéo theo hệ lụy tăng giá hàng hóa, ảnh hưởng mục tiêu kiểm soát lạm phát, các chuyên gia cho rằng chính sách điều hành cần phải linh hoạt, chủ động hơn.
Ở góc độ vĩ mô, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng thị trường xăng dầu thế giới vẫn còn nhiều bất ổn như áp lực lạm phát thế giới tăng, cuộc chiến ở Ukraine có khả năng kéo dài với những biện pháp trừng phạt và đối phó thì giá dầu vẫn có khả năng tăng cao.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ cần triển khai nhanh hơn gói tài khóa và tiền tệ, giúp cho doanh nghiệp có sự hỗ trợ lãi suất. Đồng thời cần có các giải pháp linh hoạt trong việc điều tiết các mặt hàng chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng nhưng hiện nay xăng phải chịu 10% thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá, rượu bia. Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) |
Về thuế, phí xăng dầu, ông Việt cho rằng có thể nghiên cứu tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt bởi điều này sẽ thể hiện tính linh hoạt hơn so với mức giảm cố định 2.000 đồng/lít xăng và phản ánh đúng sự biến động giá cả của thị trường xăng dầu thế giới.
"Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng nhưng hiện nay xăng phải chịu 10% thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá, rượu bia. Khi giá xăng dầu tăng cao sẽ gây tác động đến tâm lý, chi tiêu của người dân, gây áp lực lớn đến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và khó kiềm chế lạm phát...", ông nói.
Trong khi đó, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng giá xăng dầu đã được giảm 50% thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1/4. Nếu giảm nữa, chắc chắn không thể được bởi việc này cần được Quốc hội thông qua.
"Hơn nữa, về thuế nhập khẩu, hiện nay thuế nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam từ ASEAN chỉ khoảng 5% và đến năm sau sẽ về 0%. Do đó, việc giảm thuế này là không cần thiết", ông nói.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt, theo ông, hiện chỉ có xăng phải chịu 10% thuế tiêu thụ đặc biệt còn dầu thì không áp dụng. Vấn đề hiện nay là giảm giá xăng để làm gì?
"Hiện, thuế xăng, dầu của Việt Nam đang thấp hơn so với các nước trong khu vực, do đó nếu giảm giá xăng dầu quá thấp sẽ kéo theo tình trạng buôn lậu phát triển. Thực tế, ngay trong tháng 4-5 vừa qua, có một số vụ buôn lậu xăng dầu bị phát hiện ở phía biên giới Tây Nam", ông nói.
Liên quan tới mặt hàng xăng dầu, mới đây Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng động cơ. Theo đề xuất này, thuế nhập khẩu ưu đãi với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì sẽ giảm từ mức 20% xuống 12%.
Tuy nhiên, việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi này được đánh giá là không giúp nhiều cho việc giảm giá xăng. Bởi các doanh nghiệp đầu mối chủ yếu từ nguồn của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dung Quất và nhập khẩu từ Hàn Quốc và khu vực ASEAN (áp dụng thuế suất FTA). Còn xăng nhập khẩu theo thuế suất MFN chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Tại Lào, ngày 9/5, nhằm ngăn vật giá leo thang do sự tăng giá liên tục của nhiên liệu, Quốc hội nước này đã thông qua nghị quyết giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, dầu, theo TTXVN.
Theo nghị quyết, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel giảm từ 21% xuống 11%, đối với xăng giảm từ 31% xuống 16%. Đây chỉ là biện pháp tạm thời có hiệu lực trong 3 tháng và có thể bị bãi bỏ nếu tình hình thị trường thế giới thay đổi.