Có nên mua vàng tích trữ trong bối cảnh lạm phát như hiện nay không?

(ĐTTCO) - Thị trường vàng toàn cầu vừa chứng kiến dòng tiền lớn đổ vào vàng thông qua các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) trong bối cảnh lạm phát đang leo thang ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Lạm phát là một trong những nhân tố chính thúc đẩy giá vàng tăng. (Ảnh minh họa: Kitco News)
Lạm phát là một trong những nhân tố chính thúc đẩy giá vàng tăng. (Ảnh minh họa: Kitco News)

Kitco News cho biết, thị trường vàng thế giới lần đầu tiên chứng kiến dòng vốn vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) sau 4 tháng.

Trong bối cảnh lạm phát của Mỹ chạm mức cao nhất trong 31 năm đã khiến các nhà đầu tư đang tìm kiếm một biện pháp phòng ngừa lạm phát vào thị trường vàng vào tháng trước. Tuy nhiên, đà tăng đã không kéo dài vì giá đã không thể giữ trên mức 1.800 USD (tương đương 50 triệu đồng/lượng), theo dữ liệu mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới.

Báo cáo thị trường mới nhất WGC cho hay, thị trường vàng toàn cầu đã chứng kiến dòng tiền đổ vào tổng cộng 13,6 tấn trong tháng 11 vừa qua. Đây là tháng đầu tiên dòng vốn vào thị trường ETF vàng kể từ tháng 7/2021.

Đồng USD mạnh lên đã kìm hãm đà tăng giá của vàng. (Ảnh minh họa: KT)
Đồng USD mạnh lên đã kìm hãm đà tăng giá của vàng. (Ảnh minh họa: KT)
 
Các chuyên gia phân tích của WGC đánh giá, hiện giá vàng vẫn thấp hơn 2% so với cùng kỳ. Tốc độ và hướng đi của lạm phát kết hợp với thông tin về COVID-19, sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ là các nhân tố chính ảnh hưởng đến giá vàng từ nay đến năm 2022. Giá vàng sẽ tăng mạnh một khi các yếu tố bất định xuất hiện buộc nhà đầu tư phải lao vào vàng để bảo vệ tài sản.

Theo nhận định của Ngân hàng đầu tư TD Securities, triển vọng với giá vàng năm 2022 đầy hứa hẹn. Nửa đầu năm sau đà tăng mới của kim loại quý sẽ vào sóng.

Các chuyên gia phân tích của TD Securities dự báo, giá vàng có thể sẽ tăng lên mức 1.900 USD/ounce trong 6 tháng đầu năm tới khi thị trường tập trung vào tăng trưởng kinh tế, lạm phát và rủi ro chính trị.

Chuyên gia phân tích thị trường Bart Melek của ngân hàng TD cho biết: Rủi ro chính trị liên quan đến cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ, lực cản tài khóa của nền kinh tế số 1 thế giới, các ngân hàng trung ương mua vàng khá ổn định và tốc độ phục hồi của Mỹ cũng như toàn cầu chậm hơn đáng kể là những yếu tố bổ sung có thể khiến nhà đầu tư quan tâm trở lại với vàng.

Theo dự đoán của chuyên gia Bart Melek, những động lực này sẽ giúp giá vàng chinh phục vùng 1.900 USD/ounce trong nửa đầu năm 2022.

Hiện giá vàng thế giới dao động quanh mức 1.787 USD/oz (tương đương 49,95 triệu đồng/lượng), thấp hơn giá vàng SJC trong nước khoảng 11,45 triệu đồng/lượng.

Theo báo cáo vừa công bố của Tổng cục Thống kê, 11 tháng qua, giá vàng trong nước tăng cùng nhịp với giá vàng thế giới. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 11/2021 tăng 2,65% so với tháng trước; tăng 0,75% so với tháng 12/2020 và giảm 0,09% so với cùng kỳ năm 2020. Tính bình quân 11 tháng năm 2021, giá vàng đã tăng 9,39%.

Các tin khác