Ngày 27-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành Công điện 478/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện, đẩy mạnh công tác sắp xếp, CPH, thoái vốn và cơ cấu lại DNNN. Có công điện này bởi Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để đẩy mạnh công tác sắp xếp, CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, nhưng mọi việc vẫn chậm và tiếp tục không đạt kế hoạch.
Sợ rủi ro, DN ẩn mình
Sợ rủi ro, DN ẩn mình
Mấy năm gần đây, hệ thống các cơ chế chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và CPH DNNN liên tục được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện. Qua đó nhiều vướng mắc được tháo gỡ.
Riêng trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã ban hành 30 nghị định, 3 nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 quyết định, các bộ đã ban hành 19 thông tư. Thế nhưng, theo số liệu của Bộ Tài chính cho tới cuối tháng 5, số DN CPH mới đạt 31% kế hoạch.
Việc liên tục có quy định mới khiến DN đứng trước nhiều rủi ro. “Cơ chế chính sách thay đổi nhiều quá. Quá trình thực hiện CPH Tổng Công ty Phát điện 3 EVNGENCO3 phải trải qua 3 đời nghị định. Đang làm theo nghị định cũ, nghị định mới ra, thủ tục làm lại từ đầu, vì thế vòng thời gian thực hiện bị kéo dài. Rõ ràng tính ổn định của quy định chưa cao, thay đổi nhiều nhưng không nét, thiếu rõ ràng, nên DN rất sợ làm là bị sai” - ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết.
Quy định nhiều, sửa đổi bổ sung liên tục nhưng vẫn thiếu rõ ràng, khiến đa phần DN trong diện CPH ẩn mình trong trạng thái không dám làm vì sợ bị sai. Không chỉ EVN, hầu như các DN trong diện CPH đều có tâm trạng này. Bên cạnh đó, gần đây Nhà nước đang siết chặt kỷ cương trong quản lý kinh tế, nhiều cán bộ lợi dụng CPH để chiếm đoạt tài sản nhà nước bị pháp luật xử lý.
Vì vậy, những người quản lý và đại diện chủ sở hữu DNNN thường có tâm lý thận trọng hơn trong CPH để đảm bảo an toàn.
Chia sẻ về tâm trạng lo làm bị sai, ông Nam nói: “Khó nhất là xác định giá đất khi định giá DN. Quy định là tính theo giá thị trường, nhưng giá thị trường luôn biến động thời gian sau thường tăng hơn trước. Vậy lấy giá ở thời điểm nào? Đây là vấn đề cực kỳ khó, thậm chí khiến DN sợ”. Trong khi đó, các DN trong diện CPH thoái vốn ở giai đoạn này có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai.
Chia sẻ về tâm trạng lo làm bị sai, ông Nam nói: “Khó nhất là xác định giá đất khi định giá DN. Quy định là tính theo giá thị trường, nhưng giá thị trường luôn biến động thời gian sau thường tăng hơn trước. Vậy lấy giá ở thời điểm nào? Đây là vấn đề cực kỳ khó, thậm chí khiến DN sợ”. Trong khi đó, các DN trong diện CPH thoái vốn ở giai đoạn này có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai.
Lãnh đạo Tổng Công ty Lâm nghiệp và Tổng công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba), cũng lo lắng khi quy định thường xuyên sửa đổi nhưng vẫn thiếu đồng bộ, thiếu hướng dẫn cụ thể. Nhất là các vấn đề liên quan đến định giá quyền sử dụng đất, giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển, có nhiều cách hiểu khác nhau gây rủi ro cho DN.
Rủi ro “bị sai” rất lớn
Rủi ro “bị sai” rất lớn
Quyết định chọn phương án định giá nào cũng là rủi ro “bị sai”. Hiện nay có 5 phương pháp xác định giá trị DN. Mỗi phương pháp có một kết quả. Thậm chí cùng một phương pháp cũng có thể có kết quả khác. Đơn cử, xác định giá một tổ máy nhưng thị trường không có tổ máy này, theo quy định thì xác định theo công suất tương đương hoặc công suất thiết kế. Vậy thế nào là công suất tương đương hay công suất thiết kế? Khi thanh tra kiểm tra vào chắc chắn sẽ không đồng ý.
Lãnh đạo Vinataba cũng lúng túng không biết làm thế nào là đúng: “Luật DN 2020 cho phép chào bán cổ phần vốn góp cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện chào bán. Nhưng tỷ lệ tương ứng được hiểu theo cách nào là đúng? Cùng điều kiện chào bán là những điều kiện gì?”.
Thực tế cho thấy, việc nghiên cứu, xây dựng ban hành, sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều quan điểm khác nhau giữa các cơ quan, đơn vị liên quan (như việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị văn hóa lịch sử…).
Không chỉ DN, chính quyền địa phương cũng lúng túng do gặp vướng mắc trong việc thống nhất cách xác định mức giá và phương thức tính tiền thuê đất 1 năm hay nhiều năm. Vấn đề này cho đến nay vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Quốc hội, khi thảo luận tại Quốc hội tuần qua, đã dành toàn bộ phát biểu của mình để nói về CPH và thoái vốn. Vị đại biểu này cho rằng nếu không có giải pháp đủ mạnh và phù hợp, năm sau và những năm sau nữa các báo cáo về kết quả CPH, thoái vốn DNNN sẽ vẫn thế và khó đạt được kết quả như mong muốn.
Để CPH, thoái vốn được thực hiện suôn sẻ, DN không còn bất an khi thực hiện, chính sách pháp luật cần được hoàn thiện và đồng bộ. Cần kịp thời sửa các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai… và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Quy định xác định giá trị quyền sử dụng đất cần được đổi mới. Nhiều ý kiến cho rằng nên không tính giá trị đất vào giá trị DN khi thực hiện CPH, thoái vốn. Việc xác định giá trị DN theo hướng giao tổ chức tư vấn xác định theo theo quy định của pháp luật giá và thẩm định giá.
- Kế hoạch giai đoạn 2017-2020 được Chính phủ phê duyệt CPH 128 DN. Nhưng đến cuối tháng 5-2022 mới CPH 40 DN, đạt 30,7% kế hoạch. - Số liệu của Bộ Tài chính cho biết đến cuối tháng 5-2022 đã thoái vốn tại 110 đơn vị, thu về gần 13.654 tỷ đồng (đạt 31% về số lượng và hơn 11% về giá trị so với kế hoạch), không đảm bảo kế hoạch thu NSNN. - Theo yêu cầu của Quốc hội, năm 2020 số thu từ CPH nộp vào NSNN 45.000 tỷ đồng, nhưng chỉ nộp được 16.700 tỷ đồng. Năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ thu từ CPH 40.000 tỷ đồng, nhưng hết năm thu chưa đầy 2.000 tỷ đồng. |