Cơ sở tôn giáo sẽ phải nộp tiền thuế đất

(ĐTTCO) - Thông tin trên được ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TB-MT) đưa ra tại hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Nghị quyết 18/NQ-TW/2022 và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Đất đai năm 2013” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Bộ TN-MT và Ngân hàng Thế giới tổ chức sáng 30-8 tại Hà Nội.
Theo ông Phấn, đây là lần đầu tiên áp dụng chế tài đối với đất đai thuộc các cơ sở tôn giáo và cũng là một trong 8 nội dung mới và đáng chú ý trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này.
Theo đó, trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này bổ sung quy định phân định rõ diện tích xây dựng cơ sở thờ tự của các cơ sở tôn giáo với diện tích đất đai còn lại (đất thường, đất kinh doanh). Bên cạnh đó, diện tích đấy dùng để xây dựng thờ tự cũng sẽ bị áp trần diện tích (quy định diện tích tối đa được phép xây dựng là bao nhiêu) thay vì để “tự ý” xây dựng tràn lan như nhiều năm qua.  
Đối với diện tích đất không thuộc xây dựng cơ sở thờ tự, hoặc đất dùng để kinh doanh thì cơ sở tôn giáo bắt buộc phải đóng thuế đất cho Nhà nước. 
Cơ sở tôn giáo sẽ phải nộp tiền thuế đất ảnh 1 Các chuyên gia đề xuất, cần xây dựng cơ sở dữ liệu số, đưa thông tin giá và thuế đất vào cơ sở dữ liệu đất đai, cập nhật hằng năm cho từng thửa đất. Phân định đất tôn giáo và đất kinh doanh du lịch tâm linh. Bổ sung quy định về tái điều chỉnh đất đai với sự đồng thuận của người sử dụng đất. Cho thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với doanh nghiệp.
Giải thích về điều này, ông Mai Văn Phấn cho rằng việc bổ sung quy định này là phù hợp với thực tiễn, tránh trường hợp sử dụng đất sai mục đích, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.
Hiện nay, theo Khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai 2013 định nghĩa về đất cơ sở tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chúc tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được nhà nước cho phép hoạt động.
Còn theo Khoản 5 Điều 54, cơ sở tôn giáo khi được Nhà nước giao đất thì không phải trả tiền sử dụng đất.
 Đưa giá đất sát với thị trường
Tại hội thảo, GS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã khuyến nghị những chính sách kinh tế trong sửa đổi Luật Đất đai 2013. Cụ thể, GS, TS Hoàng Văn Cường cho rằng, cần lập bảng giá đất phù hợp với giá trị thị trường của đất đai và cần được cập nhật hằng năm. Phải có quy định về việc đăng ký và cập nhật giá đất hằng năm, quy định quyền ưu tiên mua của nhà nước đối với đất chuyển nhượng giá thấp.
Về vấn đề chống đầu cơ và điều tiết giá trị gia tăng từ đất, GS Hoàng Văn Cường đề xuất, đối với đất riêng lẻ cần đánh thuế lũy tiến trên phần diện tích hoặc giá trị đất chiếm giữ vượt trên mức bình quân chung. Nợ thuế vượt quá 50% giá trị thửa đất thì thu hồi đất do vi phạm pháp nghĩa vụ tài chính đất đai. Sửa đổi quy định về kế hoạch sử dụng đất để thu hồi đất vùng phụ cận các dự án đầu tư cải tạo chỉnh trang đô thị, các dự án phát triển kinh tế làm gia tăng giá trị đất liền kề.
Đối với cơ chế điều tiết giá trị gia tăng dự án đấu thầu sử dụng đất, theo GS Hoàng Văn Cường, giá đất khi đấu thầu dự án là mức giá cam kết thấp nhất dựa trên đơn giá dự tính và diện tích đất thương phẩm sau khi dự án hoàn thành. Khi dự án hoàn thành cần định giá lại mức giá của các loại đất thương phẩm.

Các tin khác