Ngay trước phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khai mạc ngày 8-5), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã gửi báo cáo đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình và chính sách ứng phó về kinh tế trước đại dịch Covid-19, cũng như các kịch bản tăng trưởng và giải pháp trong thời gian tới.
Một số tổ chức quốc tế mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (trong đó Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo thấp nhất, ở mức 2,7%); còn ở trong nước, đến nay, Chính phủ chưa đưa ra kịch bản cụ thể đối với tăng trưởng kinh tế năm 2020 cũng như việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra các kịch bản cho nền kinh tế được xây dựng dựa trên những dự báo về dịch Covid-19 sẽ kéo dài tới hết quý 2 và hết quý 3-2020 với dự báo tăng trưởng GDP giảm tương ứng còn 5,3% và khoảng 5%.
Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV đưa ra 3 kịch bản theo hướng Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh từ quý 2-2020 (kịch bản cơ sở), thế giới kiểm soát được đại dịch vào quý 3-2020 (kịch bản tích cực) và thế giới không được kiểm soát đến hết quý 3 (kịch bản tiêu cực). Trong các tình huống đó, GDP Việt Nam năm 2020 giảm tương ứng còn 4,81 - 5,01%, 5,4 - 5,6% và 4,07 - 4,42%.
Ban Kinh tế Trung ương cũng đưa ra dự báo theo 3 kịch bản (lạc quan, trung tính, bi quan), với dự báo GDP Việt Nam tương ứng khoảng 5,25% - 3,9% và 2,9%.
Bản báo cáo nhận định, nền kinh tế Việt Nam dù thuộc kịch bản nào thì khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% và một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2020 cũng là thách thức rất lớn.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch, duy trì tăng trưởng, Ủy ban Kinh tế cho rằng trong tổ chức thực hiện các gói hỗ trợ sản xuất, cần ban hành ngay các hướng dẫn, tiêu chí để có cơ sở rà soát, xác định đúng đối tượng hưởng lợi của gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, nhất là các đối tượng khó xác định như lao động tự do.
Bên cạnh đó là giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế đất; giãn, hoãn tiến độ nộp các khoản thuế, bảo hiểm xã hội, phí, lệ phí; miễn, giảm các khoản phải nộp theo thẩm quyền và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 đối với những biện pháp giảm thuế, phí và thu ngân sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp, khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 còn có thể kéo dài, cần phân bổ và sử dụng nguồn lực một cách hợp lý để kích thích, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, cần cân đối lại các khoản chi ngân sách, thực hiện đúng nguyên tắc “trường hợp giảm thu phải giảm chi tương ứng”. Trong trường hợp cần thiết phải đề nghị Quốc hội cho phép tăng bội chi so với mức 3,44% GDP đã được Quốc hội dự toán, đàm phán, tiếp cận một số khoản vay có chi phí thấp từ các tổ chức quốc tế để góp phần giảm áp lực vay trong nước.