Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có hàng trăm doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng cho các tập đoàn lớn trên thế giới nhưng số đông các doanh nghiệp còn lại vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn về vốn, năng lực sản xuất...
Nhiều chuyên gia cho rằng cần "làm nhanh, làm mạnh" hơn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao năng lực, kết nối giữa các doanh nghiệp nhằm thích ứng đứt gẫy chuỗi cung ứng trước tác động của dịch COVID-19 và các xung đột chính trị.
Khó chen chân vào chuỗi
Theo số liệu báo cáo từ Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), hiện mới chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất cho các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Ngoài ngành xe máy, Việt Nam đã nội địa hóa được với tỷ lệ cao, các ngành điện tử, ôtô, vẫn chưa nội địa hóa được bao nhiêu.
Đơn cử như ngành điện tử, Việt Nam vẫn đang nhập khẩu hầu hết linh kiện với 90%, linh kiện cơ bản tới 97%, linh kiện chuyên dụng 92%, linh kiện cơ khí 82%, linh kiện cao su 87%... Với ngành ôtô, do sản lượng thấp chỉ vài trăm nghìn xe/năm, nên Việt Nam có rất ít doanh nghiệp cung ứng linh kiện cấp 1 cho đối tác nước ngoài với hơn 60 doanh nghiệp; cung ứng cấp 2 có khoảng 145 doanh nghiệp. Nhập khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành này đang chiếm tới hơn 70% linh kiện.
Chỉ ra nguyên nhân, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho hay liên kết với doanh nghiệp quốc tế là con đường nhanh nhất để doanh nghiệp nội địa tham gia cung ứng toàn cầu, nhưng sợi dây liên kết này là rất hạn chế và yếu, nhất là khi đại dịch COVID-19 nổ ra, cùng với đó là xung đột chính trị trên thế giới khiến cho việc liên kết càng trở nên khó khăn hơn.
Thực tế, các đơn vị quốc tế, tư vấn hỗ trợ liên kết doanh nghiệp cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam phải có đủ năng lực. Trong khi đó, cả chất lượng, giá cả, thời gian giao hàng của doanh nghiệp Việt đều chưa đáp ứng được.
Bà Bình nói: "Doanh nghiệp phải đảm bảo giá cạnh tranh, minh bạch, linh hoạt, thời gian giao hàng đáp ứng yêu cầu và có khả năng quản lý chuỗi cung ứng. Nhưng ngay cả khi chúng ta đáp ứng chất lượng, cạnh tranh về giá vẫn là vấn đề khó nhất với doanh nghiệp Việt Nam bởi đang cao hơn ít nhất 20% so với giá các nhà cung ứng hiện có của họ."
Với các tập đoàn sản xuất lớn, khi vào Việt Nam, các tập đoàn này đều đưa theo, hoặc đã có nhà cung ứng trên toàn cầu. Những nhà cung ứng này có kinh nghiệm, đã khấu hao thiết bị máy móc và có mạng lưới sản xuất tiên tiến với chi phí thấp, sản lượng lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp nội địa quản trị yếu, sản xuất chưa tinh gọn dẫn tới khả năng cạnh tranh về giá rất thấp.
Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cũng cho rằng, nhiều năm qua, hàng loạt hạn chế, yếu kém đến từ cơ chế, chính sách quản lý cũng như từ phía bản thân doanh nghiệp đã khiến ngành công nghiệp cơ khí phát triển dậm chân tại chỗ, chưa đáp ứng được yêu cầu quốc tế. Khi dịch bệnh xảy ra, nguồn cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, sự liên kết giữa các nghiệp lỏng lẻo khiến các doanh nghiệp dễ dàng bị "bẻ gãy" và rời khỏi thị trường.
Ngay tại thị trường trong nước, ngành cơ khí cũng khó cạnh tranh được với nước ngoài. Có rất nhiều dự án lớn về xây dựng, giao thông, các công trình thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ôtô, xe máy… vẫn chủ yếu sử dụng sản phẩm cơ khí nhập ngoại hoặc do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đảm nhiệm.
Để trở thành nhà cung cấp cho tập đoàn đa quốc gia, ngoài vấn đề giá, doanh nghiệp trong nước còn đối mặt với những khó khăn về nâng cao năng lực để giảm chi phí và tiến lên bước cao hơn trong chuỗi cung ứng, khó tăng quy mô sản xuất, chi phí mặt bằng sản xuất cao và thiếu các công đoạn gia công để có cụm linh kiện hoàn chỉnh. Với tập đoàn đa quốc gia, do dung lượng thị trường nhỏ, không ổn định nên bản thân họ cũng chưa có động lực để tìm kiếm các nhà cung cấp nội địa…, ông Long chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh và đối ngoại, Công ty Toyota Motor Vietnam nhận định, Việt Nam đang yếu ở ngành công nghiệp nguyên vật liệu (thép, nhựa), trình độ kỹ thuật sản xuất chưa cao, quy mô thị trường nhỏ... những yếu tố này khiến chi phí sản xuất linh kiện tăng cao. Điều này là rào cản để liên kết chuỗi cung ứng.
Sớm đưa chính sách vào cuộc sống
Để liên kết thành công, yếu tố năng lực, giá cả của bên bán hàng và nhu cầu bên mua phải "ăn khớp," cùng đó là sự hỗ trợ kết nối từ Chính phủ, các tổ chức là rất quan trọng.
Theo VASI, để nâng cao năng lực doanh nghiệp Việt Nam, cần có các chính sách hỗ trợ giảm chi phí, tiếp cận tín dụng tốt hơn, lãi vay ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất. Cùng đó là các giải pháp về đào tạo, nâng cao quản trị.... Có nhiều doanh nghiệp đã cung ứng cấp 1 cho sản xuất xe máy, nhưng muốn đầu tư mới để cung ứng cho ôtô vẫn đang gặp cản trở về vốn lớn, tài sản thế chấp không còn sau 2 năm chống đỡ với dịch COVID-19...
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Đào Phan Long cho hay thị trường là yếu tố rất quan trọng. Nếu doanh nghiệp đầu tư, liệu dung lượng thị trường có đảm bảo đủ. Ngành xe máy đã bão hòa, ngành điện tử và ô tô thì khó khăn do đầu tư lớn và đòi hỏi công nghệ cao. Do vậy, ít doanh nghiệp dám tiên phong đầu tư, mở rộng sản xuất.
Ông Long cho rằng, các bộ, ngành cần sớm đưa các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và khuyến khích các công ty đa quốc gia, công ty FDI thực hiện nội địa hóa thông qua các chính sách khuyến khích về thuế, lao động, nghiên cứu phát triển.... Các bộ, ngành tạo thuận lợi đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, liên kết giữa doanh nghiệp công nghiệp chế tạo Việt Nam với công ty nước ngoài...
Ông Nguyễn Văn Đoàn, đại diện Công ty cơ khí chính xác SKD Việt Nam cho biết hiện đã là doanh nghiệp cung ứng linh phụ kiện cấp 3 cho Samsung, liên kết sản xuất với doanh nghiệp Nhật Bản. Dịch bệnh cùng với những căng thẳng chính trị trên thế giới khiến cho việc kết nối, tìm kiếm nguyên liệu gặp khó khăn. Trong khi tài chính, kinh nghiệm quản lý của doanh nghiệp còn yếu nên doanh nghiệp rất mong được hỗ trợ để tăng cường hợp tác, mở rộng sản xuất vươn lên thành nhà cung ứng cấp cao hơn.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, dù còn khó khăn nhưng cơ hội cho ngành công nghiệp chế tạo trong thời gian tới là rất nhiều. Trước hết, thị trường cho máy móc thiết bị của Việt Nam rất lớn, đến giai đoạn năm 2030 khoảng hơn 300 tỷ USD. Trong đó, giá trị máy móc thiết bị cho các công trình công nghiệp như nhiệt điện, thủy điện, hóa chất, khai thác, chế biến khoáng sản khoảng 120 tỷ USD; thiết bị và vật tư cho xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc khoảng 20 tỷ USD; hệ thống tàu điện ngầm khoảng 10 tỷ USD; công nghiệp ôtô khoảng 130 tỷ USD...
Để doanh nghiệp trong nước tham gia được vào "miếng bánh" này, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp nhất thiết phải có "trợ lực" của nhà nước thông qua hệ thống chính sách đồng bộ và ổn định để doanh nghiệp phát triển bền vững. Cộng đồng doanh nghiệp trải qua thời gian dịch bệnh, nên "sức khỏe" chưa thực sự bình phục, do đó cần hơn các chính sách thiết thực, thông thoáng cho doanh nghiệp tiếp cận.
Bộ Công Thương cho biết để hỗ trợ doanh nghiệp, trong năm nay và những năm tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam. Hiện nay, các trung tâm này đang tích cực hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam như Toyota, Mitsubishi, Canon nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn này...