Kỳ niệm 70 năm Ngân hàng Việt Nam (6-5-1951 - 6-5-2021)

Con đường thứ 5 - Khi bí mật được..

(ĐTTCO) - Từ năm 1965 đến 1975, có một con đường tiền tệ chi viện cho chiến trường miền Nam, mà quyết toán cuối cùng lên đến con số gần 700 triệu USD và tuyệt đối bí mật. 

Cán bộ tham gia vào con đường huyền thoại này hoạt động đơn tuyến và tài liệu liên quan đến con đường này mãi đến năm 2009 mới được “giải mật” vì nhiều lý do đặc biệt.

Kỳ niệm 70 năm Ngân hàng Việt Nam (6-5-1951 - 6-5-2021) - Con đường thứ 5 - Bài 2: Khi bí mật được... giải mật ảnh 1Ông Lê Văn Châu (giữa) trao đổi với phóng viên Báo SGGP.  Ảnh: QUANG PHÚC

Quỹ tiền tuyệt mật

Cuộc kháng chiến dài lâu, tiền để mua sắm vũ khí, vật tư y tế và nuôi quân… là cả một câu chuyện lớn. Thời đó, hậu phương miền Bắc không ngừng chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam. Ngày ngày, lớp lớp thanh niên dũng lược “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trong khi các đoàn tàu không số ngang dọc Biển Đông cùng… một con đường vô hình mà hữu dụng - con đường tiền tệ. 

Trong những tài liệu mà ngân hàng cung cấp, tôi nhìn thấy bí số B.29 xuất hiện trong những năm tháng ác liệt nhất, khi mà kẻ thù quyết tâm đánh phá miền Bắc. Lúc đó, việc chi viện cho tiền tuyến lớn vốn đã cách trở nay càng khó khăn bội phần. 

B.29 là gì? Theo tài liệu, năm 1965, từ đề xuất của đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, phụ trách vấn đề chi viện miền Nam, Bộ Chính trị quyết định thành lập “Quỹ Ngoại tệ đặc biệt” với phiên hiệu B.29. B.29 tồn tại và hoạt động như một “ngân hàng ngoại hối đặc biệt” phục vụ riêng việc chi viện cho chiến trường bằng ngoại tệ, gồm các loại tiền: USD, tiền Sài Gòn, tiền riel Campuchia, tiền kip Lào và tiền baht Thái Lan. 

Tôi không thể hình dung giữa một nơi rộng lớn như trụ sở Ngân hàng Nhà nước, người ra vào tấp nập, làm sao có một tổ chức hoạt động công khai nhưng lại tuyệt mật không ai biết như thế? Thành lập và đi vào hoạt động suốt 10 năm, B.29 cũng chỉ có hơn chục cán bộ và dù có cơ sở ngay trong trụ sở ngân hàng, mọi hoạt động vẫn công khai bình thường, nhưng đảm bảo tuyệt đối bí mật và an toàn. Vì B.29 chịu sự chỉ đạo đơn tuyến như nguyên tắc của hoạt động tình báo, bởi vậy có thể nói đây là tổ chức tình báo kinh tế đầu tiên của Việt Nam. Tiền của B.29 khi chuyển về Hà Nội được cất giữ nghiêm ngặt tại tầng hầm bê tông của ngân hàng, do B.29 quản lý và vận chuyển vào chiến trường miền Nam theo nhiều con đường khác nhau. Kho chứa tiền bí mật này được cán bộ B.29 gọi vui với nhau là “buồng hạnh phúc”.

Tôi đã tìm gặp ông Lê Văn Châu (85 tuổi, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) tại nhà riêng. Ông khẳng định rằng: “Điều cốt tử đối với cán bộ và những hoạt động của B.29 ở miền Bắc là phải tuyệt đối bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác và hơn nữa phải theo dõi, giám sát được lộ trình của dòng tiền chi viện cho tiền phương”.

Theo những gì mà ông Lê Văn Châu kể thì tài sản ngoại tệ thuộc B.29 là dành riêng cho miền Nam nên được điều hành một cách hoàn toàn độc lập, không liên quan gì đến vốn ngoại tệ công khai của Nhà nước tại miền Bắc. Vốn của B.29 được gửi tại Vietcombank. Đến lượt mình, Vietcombank lại gửi vốn đó ở nước ngoài, tại các ngân hàng đại lý quốc tế lớn đáng tin cậy. Như vậy, B.29 được coi như “khách hàng tiền gửi đặc biệt” và “ngân hàng đại lý đặc biệt” trong quan hệ với Vietcombank.

Mọi nguồn thu của B.29 cũng nằm ngoài ngân sách Nhà nước. B.29 hạch toán theo chế độ kế toán riêng, mọi hoạt động thu, chi đều có báo cáo định kỳ đơn tuyến cho cấp trên, trực tiếp là Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị từ năm 1967 (khi Phó Thủ tướng Phạm Hùng vào Nam lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam). Cách hạch toán của B.29 cũng rất đặc biệt: Dùng USD làm đơn vị tiền tệ để hạch toán cân đối tổng hợp chung theo phương pháp kế toán kép. Việc đóng gói tiền để vận chuyển vào Nam do C100 - đơn vị vận tải của Đoàn 559 Bộ Quốc phòng, chịu trách nhiệm.

Đặc phái viên và “bùa hộ mệnh”

Tiền từ những tổ chức quốc tế ủng hộ được vận chuyển về B.29 tại Hà Nội thường được công khai như: đường sắt liên vận quốc tế, các hãng hàng không quốc tế như Trung Quốc, Liên Xô, Pháp, CHDC Đức, Tây Đức, Thụy Sĩ, Thụy Điển... và những cán bộ chuyển ngân hoạt động như những “khách VIP” đi công tác, với lộ trình đều tuyệt mật theo nguyên tắc đơn tuyến.

Cụ thể, những cán bộ của B.29 ở nước ngoài vận chuyển tiền từ nước ngoài về Hà Nội luôn có hộ chiếu đỏ (hộ chiếu ngoại giao). Thời điểm đó, ông Lê Văn Châu là đặc phái viên của B.29 với danh nghĩa là Tùy viên Kinh tế Bộ Ngoại giao tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Ông Châu nhớ lại: “Anh em thường gọi vui với nhau, hộ chiếu như bùa hộ mệnh rồi xách cặp diplomat (một loại cặp da cao cấp - PV), ngồi ở phòng VIP với tư thế nhà ngoại giao trước khi ra máy bay”. Thời đó, cặp diplomat không sẵn như bây giờ, chỉ cán bộ làm công tác ngoại giao mới dùng và mỗi chuyến vận chuyển tiền như vậy, trong cặp vài triệu USD tiền giấy là chuyện thường. Trong cuộc trò chuyện với ông Lê Văn Châu, cụm từ “đặc phái viên B.29” được nhắc đến nhiều lần. 

Ngoài ông Lê Văn Châu, chúng tôi gặp ông Lê Hoàng (97 tuổi, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nguyên Phó Tổng giám đốc - Chủ tịch Vietcombank) hoạt động trong danh nghĩa thường trú của Vietcombank tại Paris. Tiếp tôi tại nhà riêng ở phố Phương Mai (Hà Nội), ông xúc động nhắc về B.29. Thời ấy, ông Lê Hoàng phụ trách nhận nguồn viện trợ từ các nước Bắc Âu, trong vai một người làm nghiệp vụ thanh toán ngân hàng của Vietcombank. Ở tuổi xưa nay hiếm, những ký ức và nghiệp vụ năm đó ít nhiều đã nửa nhớ nửa quên trong ông, nhưng ông vẫn nhắc mãi một điều cốt tử cán bộ B.29 đều nằm lòng: “Bí mật tuyệt đối, nhanh chóng và an toàn chi viện cho chiến trường miền Nam”.

Khi tôi hỏi, ông có sợ bị lộ thân phận trong những năm tháng hoạt động ở nước ngoài không, ông khoát tay: “Khi chuyển tiền về, tôi xách cặp diplomat ra sân bay từ Paris về Mátxcơva bằng hộ chiếu đỏ, từ Mátxcơva về Hà Nội thì đi bằng máy bay của nước bạn nên đảm bảo an toàn”. Thời đó, “đặc phái viên” xách từ 2-3 triệu USD trong cặp diplomat là chuyện thường. Ông Lê Hoàng kể tiếp: “Có lần tôi trực tiếp nhận điện mật từ Phó Thủ tướng Phạm Hùng, cần tiếp viện 5 triệu USD tiền giấy. Tôi tìm cách thu gom và vận chuyển bằng mọi cách, trong vòng một ngày, tiền đã về Hà Nội. Chiến trường cần tiếp viện, nhưng cũng có lúc gặp trục trặc phải chậm một hoặc vài ngày, lực lượng bộ đội ta có khi phải nhịn ăn hoặc chi tiêu ở mức thấp nhất, nhưng điều này chỉ thỉnh thoảng xảy đến. Vì các đặc phái viên ở nước ngoài đã thiết lập những đường dây và đầu mối rất chắc chắn”.

Và để phối hợp thật chính xác mọi tác nghiệp nhận, “chế biến” và chuyển tiền giữa các đặc phái viên B.29 ở nước ngoài, phải có một đầu mối trung tâm. Tại Bắc Kinh, ông Lê Văn Châu là “trung tâm của 3 trung tâm”, ông là đầu mối liên hệ giữa “Anh Bảo” (bí danh Ngân hàng Po Sang Bank Hồng Công), Ngân hàng Trung Quốc ở Quảng Châu và B.29 ở Hà Nội. Cụ thể, ông có nhiệm vụ nắm bắt, điều phối nguồn viện trợ ngoại tệ, tham gia đàm phán và tiếp nhận viện trợ từ các nước bạn, đồng thời quan hệ với “Anh Bảo”, giúp ta “chế biến” tiền mặt USD và các biệt tệ là tiền Z Sài Gòn, riel Campuchia, kip Lào và baht Thái Lan. 
Để đảm bảo bí mật và thông suốt, những thông tin được chuyển bằng mật mã qua hệ thống cơ yếu của ngành ngoại giao và quốc phòng. Ông Lê Văn Châu nhớ lại: “Lúc đó, tôi thông thạo tiếng Trung, tiếng Anh, nói được tiếng Pháp và biết dùng mật mã nữa. Vì đâu chỉ có nghiệp vụ ngân hàng buộc mình phải học ngoại ngữ, mà việc học mật mã để đảm bảo bí mật tuyệt đối khi liên lạc với trong nước”.

Có lẽ vì có quá nhiều bí mật đặc biệt liên quan đến yếu tố ngoại giao, tài chính quốc tế nên những câu chuyện trên đây mới được “giải mật” từ năm 2009… 

“Bùa hộ mệnh” là hộ chiếu đỏ và các con đường ngoại giao để nhận và vận chuyển tiền, nhưng công việc của đặc phái viên B.29 chưa dừng lại ở đó. Đối với các nguồn viện trợ quốc tế tại các nước Âu Mỹ, bằng rất nhiều loại bản tệ khác nhau như: bảng Anh, franc Pháp, franc Thụy Sĩ, lire Italy, couronne Đan Mạch... thì việc “chế biến” ra USD được giao cho đại diện Vietcombank ở Paris tiến hành ngay tại Pháp và Thụy Sĩ, rồi bằng “giao thông ngoại giao” đưa qua đường Mátxcơva về Hà Nội.

Tuy nhiên, nhiệm vụ này cũng không dễ dàng gì với ông Lê Hoàng, vì tại các nước Âu Mỹ, tiền mặt chỉ để chi tiêu lặt vặt, ai chuyển đổi hàng triệu USD lập tức bị để ý. “Chúng ta giải quyết bằng cách nhờ sứ quán của các nước xã hội chủ nghĩa tiêu giúp. Đằng nào họ cũng phải trả lương, mua sắm những thứ sinh hoạt cần thiết trên thị trường. Sau đó, bạn trả bằng cách chuyển khoản vào tài khoản của Vietcombank. Đó là một trong những cách để hình thành tài khoản ngoại tệ của chúng ta ở nước ngoài. Cũng theo lệnh của B.29, ta lại chuyển khoản để chi trả cho những “khách hàng” của chúng ta ở miền Nam và Campuchia. Số USD còn lại, tôi phải chuyển từ Paris về Mátxcơva theo con đường ngoại giao”, ông Lê Hoàng kể lại.

____

Bài tới: Đơn vị mang bí số N.2683

Các tin khác