Con tàu Eximbank vẫn đang chao đảo

(ĐTTCO)-Đã từng nằm trong nhóm NHTMCP hàng đầu, song hoạt động của Eximbank ngày càng gây thất vọng khi liên tục tuột dốc. Diễn biến này gắn liền với sự chia rẽ nội bộ, tranh chấp chiếc ghế quyền lực và cho đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Ảnh: LONG THANH
Ảnh: LONG THANH
Cuộc chiến giành ghế nóng
Ngày 26-11 vừa qua, Eximbank thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 12-12 và dự kiến tổ chức họp bất thường vào ngày 5-3-2020. Mặc dù đưa ra thời điểm dự kiến, nhưng việc NH này có thể tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) hay không vẫn còn là một dấu hỏi. Bởi trong năm nay Eximbank không ít lần dời đổi tổ chức ngày đại hội. 
Đầu tiên NH tổ chức ĐHCĐ vào cuối tháng 4-2019 nhưng bất thành và thời gian tổ chức được dời sang tháng 5. Tuy nhiên, 3 ngày trước đại hội, NH này lại thông báo hoãn vì lý do không chuẩn bị kịp và dời sang tháng 6. Ngày 21-6, ĐHCĐ lần 2 chỉ có chưa đầy 40% cổ đông bỏ phiếu đồng ý thông qua quy chế tiến hành đại hội, nên phải hoãn một lần nữa.
Sau 2 lần tổ chức bất thành, đầu tháng 11, Eximbank thông báo không tổ chức ĐHCĐ năm 2019 nữa và sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên 2020, dự kiến vào ngày 22-4-2020. Không lâu sau đó, NH lại thay đổi, sẽ tổ chức họp đại hội bất thường sớm hơn vào đầu tháng 3-2020.
Thực ra Eximbank tổ chức ĐHCĐ bất thành cũng đã trở thành chuyện quen thuộc trong giới NH. Vì diễn biến tương tự đã diễn ra suốt từ năm 2015 đến nay, điều này gắn liền với sự chia rẽ nội bộ và tranh chấp chiếc ghế quyền lực.
Cụ thể, năm 2015 là thời điểm hội đồng quản trị (HĐQT) cũ của Eximbank hết nhiệm kỳ và phải bầu lại toàn bộ thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ mới 2015-2020. Nhưng đến gần thời điểm đại hội, NH chưa nhận được văn bản chấp thuận của NHNN thông qua danh sách thành viên HĐQT, Ban kiểm soát (BKS) cho nhiệm kỳ mới, phải gia hạn thời gian tổ chức.
Năm 2016, tranh chấp vị trí trong HĐQT bắt đầu nổ ra khi 2 nhóm cổ đông lớn có tỷ lệ biểu quyết trên 10% yêu cầu HĐQT bổ sung tăng thêm thành viên nhưng không tìm được sự đồng thuận. 
Sau đó, cuộc chiến giành ghế quyền lực tại Eximbank kéo dài và đỉnh điểm là vào năm nay. Tháng 3-2019, HĐQT Eximbank ban hành nghị quyết bầu bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên HĐQT, làm Chủ tịch HĐQT.
Song ông Lê Minh Quốc, nguyên Chủ tịch HĐQT Eximbank, đã khởi kiện và yêu cầu Tòa án nhân dân TPHCM áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng nghị quyết bầu bà Tú làm Chủ tịch HĐQT.
Đến ngày 22-5, HĐQT Eximbank lại ban hành nghị quyết bầu ông Cao Xuân Ninh, thành viên HĐQT, giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 - 2020). Tháng 7-2019, ông Ninh gửi đơn từ chức vì lý do cổ đông, nhóm cổ đông có quá nhiều bất đồng khó dung hòa dẫn đến các tranh chấp nội bộ gây khó khăn rất lớn trong quản trị, điều hành, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và hoạt động của NH. 
Trong ĐHCĐ bất thường dự kiến tổ chức vào đầu tháng 3-2020, Eximbank sẽ lại tiếp tục câu chuyện nhiều năm qua là bầu bổ sung một thành viên HĐQT vào nhiệm kỳ VI (2015-2020). Đó là câu chuyện của NH, còn trong mắt nhà đầu tư, các vụ lùm xùm tranh chấp ghế nóng đã đưa Eximbank trở thành tâm điểm chú ý và bàn tán.
Và việc ai sẽ ngồi vào chiếc ghế quyền lực của Eximbank một cách vững chắc trong tương lai cũng là một đề tài gây tò mò, vì mỗi lần bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo, Eximbank đều cho biết thực hiện đúng trình tự thủ tục và tuân thủ quy định của pháp luật, nhưng 2 lần công bố ghế chủ tịch HĐQT đều vướng các lùm xùm sau đó.

Sự tuột dốc một thương hiệu lớn
Bắt đầu từ khi xảy ra tranh chấp vị trí thuyền trưởng lãnh đạo NH, cả con tàu Eximbank cũng chao đảo theo. Tuy nhiên, sự tuột dốc tại Eximbank không chỉ xuất phát từ thời điểm 2015 mà từ năm 2012, sau khi Eximbank “tấn công” vào Sacombank bằng cách âm thầm mua cổ phiếu khi giá xuống thấp, nắm trên 51% vốn cổ phần NH này và yêu cầu bầu lại toàn bộ HĐQT và BKS của Sacombank.
Sau hàng loạt xáo trộn, các đợt thâu tóm và tin đồn sáp nhập với Sacombank, Eximbank đã bắt đầu xu hướng suy giảm. NH liên tiếp không hoàn thành được trong nhiều kế hoạch đề ra cho năm 2013 và thất bại hàng loạt chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2014.
Theo đó, từ một NH nổi tiếng với quy mô tài sản khủng và nằm trong nhóm câu lạc bộ ngàn tỷ (năm 2011 lập đỉnh với lãi thuần 5.304 tỷ đồng, lãi ròng sau thuế 3.039 tỷ đồng), Eximbank đã rơi khỏi nhóm 5 NHTMCP lớn nhất.
Năm 2015, tổng tài sản của nhà băng này giảm 22,5% do các khoản tiền gửi của các tổ chức tín dụng (TCTD) khác vào Eximbank đã giảm mạnh, chỉ còn 7.933 tỷ đồng, so với con số 41.043 tỷ đồng năm trước đó. Eximbank cũng thu hồi lại các khoản tiền gửi tại các TCTD khác, từ 39.463 tỷ đồng năm 2014, xuống 7.833 tỷ đồng năm 2015.
Năm 2016, NH trình cổ đông kế hoạch tổng tài sản đạt 142.500 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2015, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 720 tỷ đồng. Sau đó, Eximbank đã điều chỉnh giảm các chỉ tiêu tổng tài sản, huy động vốn, dư nợ tín dụng và kế hoạch lợi nhuận chỉ còn 400 tỷ đồng. Song cả năm đó, Eximbank đạt 390 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. 
3 năm hoạt động dưới thời Chủ tịch Lê Minh Quốc, kết quả kinh doanh mảng tín dụng trở nên kém khả quan. Lợi nhuận thuần trước trích lập dự phòng rủi ro tín dụng vượt qua mốc ngàn tỷ, cụ thể giai đoạn 2016 - 2018 lần lượt đạt 1.480 tỷ đồng, 1.622 tỷ đồng và 1.551 tỷ đồng.
Tuy nhiên trong năm 2017, lợi nhuận chủ yếu đến từ thương vụ thoái toàn bộ vốn tại Sacombank. Nếu trừ đi khoản này, lợi nhuận trước thuế sau dự phòng rủi ro năm 2017 chỉ hơn 19 tỷ đồng. Đầu năm 2018, lãnh đạo NH cho biết, năm 2017 là năm đầu tiên sau 3-4 năm qua Eximbank trở lại với lợi nhuận đạt trên ngàn tỷ đồng, nên trong thời gian tới nhiệm vụ chính của ban lãnh đạo Eximbank là gia tăng thị phần của NH. 
Song nói và làm không thể đi đôi với nhau khi đầu năm 2018 xảy ra vụ bốc hơi tiền gửi của bà Chu Thị Bình và một vụ việc khác xảy ra tại Nghệ An gây chấn động thị trường. Cả năm, Eximbank phải trích lập dự phòng đến 390 tỷ đồng cho vụ việc này. Cộng với khoản trích bổ sung dự phòng trái phiếu 514 tỷ đồng, nhà băng đã lỗ nặng trong quý IV-2018. Theo đó, sau dự phòng, lợi nhuận rơi khỏi mốc ngàn tỷ, chỉ còn 827 tỷ đồng, đạt 51,7% kế hoạch lợi nhuận 2018.
9 tháng qua, tên tuổi của Eximbank cũng chìm lắng so với sự sôi nổi của ngành NH, trừ những thông tin lùm xùm về tranh chấp ghế nóng nói trên. Theo đó, hoạt động cũng chưa khởi sắc hơn. Báo cáo tài chính hợp nhất quý III-2019 cho thấy, dù giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro 69% xuống còn 100 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Eximbank vẫn tăng trưởng âm (2,9%) so với cùng kỳ, chỉ đạt 1.103 tỷ đồng.
Về hoạt động, lợi nhuận thấp do tổng thu nhập hoạt động trong 9 tháng của Eximbank chỉ đạt 3.225 tỷ đồng, giảm 2,61% so với cùng kỳ, trong khi đó chi phí hoạt động của Eximbank vẫn tăng 9,2% lên 2.023 tỷ đồng. Điều này đẩy lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 17,5%, chỉ đạt 1.202 tỷ đồng. 

Các tin khác