Theo yêu cầu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên lao động phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng đối tượng, an toàn, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Công nhân may tại tỉnh Quảng Trị trở lại làm việc sau dịch Covid-19. Ảnh theo Tổng LĐLĐ Việt Nam
Công đoàn cơ sở, cấp trên cơ sở cần tổ chức linh hoạt, đa dạng các hình thức chăm lo, hỗ trợ tết; tập trung chăm lo, hỗ trợ đoàn viên lao động tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và căn cứ vào cấp độ dịch của từng địa phương, đơn vị theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ.
Về nguồn lực để tổ chức thực hiện kế hoạch này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, các cấp công đoàn sẽ thực hiện xã hội hóa huy động các nguồn lực.
LĐLĐ TP Hà Nội và Công đoàn các khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội trao hỗ trợ cho người lao động. Ảnh theo Báo Lao Động
Tuy nhiên, công đoàn cơ sở cân đối nguồn thu, chi trong năm và sử dụng tối đa nguồn tích lũy của đơn vị xây dựng dự toán để đảm bảo kế hoạch chăm lo tết cho đoàn viên, người lao động. Các công đoàn cấp trên cân đối nguồn thu, chi trong năm và sử dụng một phần tài chính công đoàn tích lũy hiện có để hỗ trợ công đoàn cấp dưới thực hiện chăm lo cho đoàn viên, người lao động.
“Người lao động có đóng BHXH tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn; cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn được chăm lo, thăm hỏi từ nguồn tài chính công đoàn với mức: 300.000 đồng/người” – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết. Tổng nguồn kinh phí dự kiến chi cho hoạt động này là 2.400 tỷ đồng để hỗ trợ khoảng 8 triệu người lao động.
Đối với đoàn viên, người lao động tại đơn vị hành chính và sự nghiệp công lập thì công đoàn cơ sở chủ động cân đối nguồn tài chính để chăm lo, thăm hỏi.