Công khai, minh bạch trong thoái vốn

(ĐTTCO) - Dự thảo nghị định về chuyển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thành CTCP thay các quy định hiện hành đã được Bộ Tài chính hoàn tất trình Chính phủ để ký ban hành. ĐTTC đã trao đổi với ông ĐẶNG QUYẾT TIẾN (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, về một số nội dung của dự thảo nghị định này .

(ĐTTCO) - Dự thảo nghị định về chuyển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thành CTCP thay các quy định hiện hành đã được Bộ Tài chính hoàn tất trình Chính phủ để ký ban hành. ĐTTC đã trao đổi với ông ĐẶNG QUYẾT TIẾN (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, về một số nội dung của dự thảo nghị định này .

PHÓNG VIÊN: - Xin ông cho biết những điểm mới quan trọng trong dự thảo nghị định này? 

Công khai, minh bạch trong thoái vốn ảnh 1

Ông ĐẶNG QUYẾT TIẾN: - Dự thảo quy định rõ tiêu chí của cổ đông chiến lược (phải có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần phải có lãi và không có lỗ lũy kế…). Những yêu cầu này được công khai, minh bạch và đó là điều nhà đầu tư mong muốn.

Tiếp đến là về vấn đề đất đai, DN sau cổ phần hóa chuyển sang thuê đất trả tiền hàng năm, tránh lợi dụng việc trả tiền 1 năm thời điểm giá thấp, 10 năm nữa giá cao và DN chuyển đổi mục đích. Về nguyên tắc, nghị định về cổ phần hóa không can thiệp vấn đề quản lý đất đai, nhưng Luật Đất đai quy định khi DN chuyển đổi mục đích phải đấu giá, xác định lại giá, nên trong dự thảo chúng tôi quy định theo hướng thuê đất trả tiền hàng năm và cứ 5 năm 1 lần Nhà nước điều chỉnh lại giá đất.

Tính đúng giá trị đất sẽ tránh việc nhà đầu tư tham gia quá trình cổ phần hóa chủ yếu mua quyền sử dụng đất để chuyển đổi mục đích sau đó.

 Bên cạnh đó, dự thảo không quy định cứng mức chi phí dành cho việc cổ phần hóa khác, dẫn đến khi vượt mức này lại phải xin - cho… Theo đó, khoản chi này phải rõ ràng và sẽ tính vào chi phí cổ phần hóa. Ngoài ra, đã ưu đãi cho người lao động (được mua 60% tính theo mệnh giá, không phải căn cứ vào giá thị trường) là Nhà nước bỏ tiền ra mua.

- Dự thảo lần này có ngăn ngừa được tình trạng sở hữu chéo trong các DN, và việc đấu giá liệu có khiến giá cổ phiếu bị đẩy lên cao khiến nhà đầu tư chiến lược khó tham gia, thưa ông?

- Trong Khoản 4, Điều 6 chúng tôi có nêu những tổ chức, cá nhân không được mua cổ phần phát hành lần đầu, gồm thành viên ban chỉ đạo cổ phần hóa; công ty con, công ty liên kết trong tập đoàn, tổng công ty, tổ hợp công ty mẹ - con… Quy định này để tránh vấn đề sở hữu chéo và nội gián thông tin. 

Chính phủ đã yêu cầu bán cổ phần với khối lượng lớn phải đảm bảo an toàn, không làm xáo trộn thị trường, do đó bán phải có lộ trình, có sự thăm dò. Bên cạnh đó, việc bán vốn nhà nước tại DN phải tiến hành minh bạch theo 3 bước đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh và bán thỏa thuận. Trong đó phải minh bạch từ việc thuê tư vấn, xác định lại giá trị DN mà Nhà nước định bán vốn.

Chúng tôi cũng đã khảo sát nhiều nhà đầu tư chiến lược và họ cho biết không quan trọng về giá mà chủ yếu là họ vào DN và được gì từ DN. Từ đó, chúng tôi quy định đấu giá luôn, không cần phải thỏa thuận. Quy định này nhằm tránh việc khi thỏa thuận xảy ra trường hợp ban lãnh đạo DN lại muốn DN A, không phải DN B, dẫn đến việc xây dựng tiêu chí phục vụ DN A.

Chính vì thế, dự thảo mới công khai tiêu chí chọn nhà đầu tư và giá là giá đấu. Còn để nhà đầu tư tham gia việc điều hành DN, Quyết định 58 của Thủ tướng Chính phủ (về tiêu chí DNNN) đã nêu rõ có những DN mà Nhà nước cần nắm giữ, vẫn tham gia thì cần cổ đông chiến lược. Những DN mà Nhà nước không cần nắm giữ sẽ bán hết, không cần cổ đông chiến lược. Việc công khai danh mục để nhà đầu tư có thể lựa chọn.

 - Tuy nhiên, nhà đầu tư lớn cho rằng họ rất quan tâm đến vấn đề giá, nếu giá quá cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng tham gia của họ, thưa ông?

- Cổ đông chiến lược cũng là nhà đầu tư. Nếu thị trường quá nóng, giá cổ phiếu bị đẩy lên cao cần phải xem xét DN có thực sự được như vậy không. Ở thị trường Việt Nam, sự đột biến tại DN đều phải dựa trên hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Cổ đông chiến lược khi mua là mua với khối lượng lớn và ở lại lâu dài với DN, nên việc tìm hiểu là cả quá trình và khác với việc chỉ mua đi, bán lại như nhà đầu cơ. Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài muốn vào Việt Nam rõ ràng phải tìm hiểu DN. Vì thế quy định cho phép nhà đầu tư chiến lược có thể xuống DN nhằm giúp họ có điều kiện tìm hiểu tình hình quản trị, bộ máy, hoạt động của DN…

- Trong quá trình cổ phần hóa DNNN thời gian qua, rất nhiều văn bản liên quan có sự sửa đổi, bổ sung. Vậy theo ông đâu là những lỗ hổng của tiến trình này thời gian qua?

- Cổ phần hóa DNNN là quá trình liên tục và các nghị định luôn được điều chỉnh để phù hợp thực tế, từ thí điểm làm theo thị trường, đến nay tìm cách mới, phù hợp DN lớn. Vừa qua, việc bán vốn tại các DN lớn chưa được nhiều nên phải đổi mới cách bán sao cho hiệu quả. Việc công khai danh mục, công khai minh bạch, trách nhiệm người đứng đầu… đều đã được nhấn mạnh. Trong đó vấn đề kỷ cương, kỷ luật trong cổ phần hóa sẽ được nâng cao hơn trong thời gian tới.

Hiện nay Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đang tiến hành kiểm toán, kiểm tra việc tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015. Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát, cảnh báo, trong khi các bộ chủ quản, chủ sở hữu có trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Tới đây, các kết quả kiểm toán, kiểm tra được công bố công khai sẽ biết lỗ hổng trong tái cơ cấu, cổ phần hóa nằm ở đâu.

- Việc định hướng thoái vốn nhà nước như thế nào để không ảnh hưởng đến thị trường và giá cả khi lượng hàng ra quá lớn, thưa ông?

- Việc bán cổ phần tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), có ý kiến cho rằng nên đưa ra bán hết, nhưng bán như vậy thị trường khó hấp thụ, thậm chí không khéo thị trường còn quay lưng với các sản phẩm khác. Hay Sabeco, Habeco cũng xác định bán có lộ trình, không thể cùng lúc tung hết hàng ra bởi khả năng hấp thụ của thị trường còn hạn chế.

Thực tế việc bán cổ phần tại Vinamilk đã bị ế do khống chế mỗi nhà đầu tư chỉ được mua 2,7%. Nếu chúng ta không khống chế có thể nhà đầu tư sẽ mua hết ngay. Tuy nhiên đây là bán thử nghiệm nên cần phải tiến hành từng bước. Khi công bố bán, giá cổ phiếu Vinamilk giảm nhưng giá chào bán của Chính phủ vẫn thành công dù cao hơn thị trường đang giao dịch.

Năm 2017, cổ phần Nhà nước nắm giữ tại Vinamilk có thể bán hết nhưng qua việc bán thử nghiệm năm 2016 có thể rút ra được nhiều kinh nghiệm. Chẳng hạn, với việc dự thảo nghị định đưa ra quy định bán theo phương pháp dựng sổ sẽ tạo điều kiện để chúng ta thăm dò nhu cầu thị trường mua ra sao. Nếu số lượng đặt mua cao hơn bán sẽ bán hết, còn nếu cầu thấp hơn cung chúng ta giảm tỷ lệ bán đi. Việc này hoàn toàn tuân theo thị trường và các nước cũng làm vậy.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác