Hướng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực công nghệ cao là một trong những mục tiêu quan trọng từ năm 2015 đến 2020. Trong 2 tháng đầu năm 2015, nhiều địa phương trên cả nước đã công bố kết quả thu hút FDI, trong đó các lĩnh vực công nghệ cao hiện đang tạo ra một sức hấp dẫn nhất định khi dòng vốn đổ vào ngày càng tăng.
Tại TPHCM, tính đến ngày 15-2, thống kê cho thấy đã có 20 dự án FDI có vốn tăng thêm 84,5 triệu USD, tăng 7 dự án so với cùng kỳ năm 2014; có 41 dự án cấp mới với số vốn đăng ký gần 422 triệu USD. Theo đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro), năm 2015 nhiều doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với doanh nghiệp Việt Nam.
Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết tổng vốn đầu tư trong 2 tháng đầu năm 2015 ước đạt 82,6 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ; lũy kế đến nay có 71 dự án được cấp phép còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt 4,25 tỷ USD, trong đó vốn trong nước 886,9 triệu USD, vốn FDI 3,36 tỷ USD.
Ngày 27-2 vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức “Ngày hội đầu tư”, trao giấy chứng nhận cho 9 nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng ký 2.600 tỷ đồng. Theo lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh này sẽ tập trung thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường: Lĩnh vực công nghệ hỗ trợ về cơ khí chế tạo, điện, điện tử, hóa chất và các ngành dịch vụ du lịch chất lượng cao gắn với lợi thế của tỉnh.
Còn theo Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Bình Dương, 2 tháng đầu năm 2015, Bình Dương đã thu hút gần 180 triệu USD vốn FDI. Trong đó có 20 dự án được cấp chứng nhận đầu tư mới với vốn đăng ký gần 68,6 triệu USD và 16 dự án bổ sung vốn với tổng vốn tăng thêm hơn 111,2 triệu USD.
Tính chung đến nay Bình Dương đã thu hút 2.412 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 20,66 tỷ USD; trong đó có 1.404 dự án đầu tư trong các khu công nghiệp tập trung với tổng vốn đăng ký gần 12,53 tỷ USD và 1.008 dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 8,1 tỷ USD.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch-Đầu tư), trong 2 tháng đầu năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 1,19 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 13 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 65 dự án đầu tư đăng ký mới và 40 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm 952 triệu USD.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản cũng thu hút mạnh với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 111,43 triệu USD. Kế tiếp là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa với 17 dự án đầu tư mới và 4 dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 71,22 triệu USD. Trong 2 tháng đầu năm đã có 28 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
BritishVirginIslands dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 351,39 triệu USD. Hàn Quốc đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 222,11 triệu USD. Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 169,83 triệu USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 23 tỉnh/thành, trong đó TPHCM là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất. Hải Phòng đứng thứ 2 và Bình Dương đứng thứ 3.
Tập trung thu hút vốn FDI vào công nghệ cao được xem là một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng trong Đề án thu hút FDI đến năm 2020 mà Việt Nam đang hướng tới với quyết tâm nâng cao chất lượng dòng vốn FDI. Thực tế cho thấy những năm trở lại đây, dòng chảy FDI vào Việt Nam khá sôi động, đa dạng hướng vào lĩnh vực công nghệ cao. Tiên phong cho hoạt động này phải kể đến các nhà đầu tư Nhật Bản, với sự góp mặt của những tập đoàn lớn như Sanyo, Matsushita, Sony, Fujitsu, Toshiba, Panasonic, Nidec…
Các tập đoàn này đã xây dựng nhà máy sản xuất với công nghệ hiện đại và đang tiếp tục rót thêm vốn để mở rộng quy mô đầu tư. Ngoài các nhà đầu tư Nhật Bản, các nhà đầu tư Hoa Kỳ và các nước châu Âu cũng tham gia tích cực vào lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam. Các tập đoàn công nghệ như Intel, IBM (Hoa Kỳ), Cap Gemini và Accenture (Pháp) đã có dự án sản xuất quy mô hoặc đang tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Khu công nghệ cao TPHCM đến nay đã thu hút nhiều dự án lớn như: dự án 1 tỷ USD của Tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới Intel Corp và nhiều dự án sản xuất khác từ các tập đoàn công nghệ đa quốc gia như Nidec (Nhật Bản), Datalogic Scanning (Italia), Sonion (Đan Mạch)…
Kết quả thu hút vốn FDI của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng thời gian qua rất đáng khích lệ, dù nền kinh tế thế giới đang vật lộn trong cơn khủng hoảng. Quan sát cho thấy, để khơi thông dòng chảy FDI vào Việt Nam mạnh mẽ hơn, không những Chính phủ mà từng địa phương đều rất cố gắng “cảm thông” với doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường đầu tư, chất lượng hạ tầng giao thông, nới rộng chính sách ưu đãi (đất đai, thuế), cải cách căn cơ thủ tục hành chính...