Hiện tượng này làm dấy lên lo ngại của giới đầu tư về tình trạng các CTCK “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, khi họ vừa tư vấn NĐT mua vào, nhưng bản thân CTCK lại bán ra để chốt lãi.
TTCK xuống, CTCK vẫn lãi
Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý I-2018 vừa được CTCK TPHCM (HSC) công bố, lãi sau thuế của HSC đạt 324,6 tỷ đồng, tăng gần 250% so với cùng kỳ năm 2017. Kết quả kinh doanh này có sự đóng góp rất lớn từ mảng tự doanh (185 tỷ đồng) nhờ hoạt động chốt lãi, phần lớn danh mục tự doanh đã mua vào trong năm 2017.
Đây là nguyên nhân khiến giá trị sổ sách các tài sản tài chính của HSC từ đầu năm 2018 đạt hơn 600 tỷ đồng, nhưng đến cuối quý I-2018 đã giảm xuống còn 65 tỷ đồng. Các khoản đầu tư này bao gồm HPG, VIC, VNM, MSN, VCB, MBB, STB, FPT, ROS, NVL, HNG, HAG, GTN.
Kết quả kinh doanh (KQKD) quý I-2018 của CTCK Sài Gòn (SSI) cũng ghi nhận những con số ấn tượng, với doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 1.072 tỷ đồng và 479,2 tỷ đồng (tương đương mức tăng 95% và 46% so với cùng kỳ). Đáng chú ý, các mảng kinh doanh đều có kết quả tích cực, đã đóng góp lớn vào thành công của SSI. Cụ thể, doanh thu toàn khối dịch vụ chứng khoán đạt 570,2 tỷ đồng, tăng 146% và chiếm 53,2% doanh thu. Kế đến là mảng hoạt động đầu tư chứng khoán chiếm 27% tỷ trọng doanh thu.
Cho dù đầu tư bằng cách nào, CTCK vẫn có lợi thế hơn NĐT vì họ đang quản lý tài khoản của NĐT nên biết được mua vào hay bán ra. Do đó NĐT cần trang bị cho mình kiến thức vững chắc khi đầu tư trên TTCK, để tránh lệ thuộc vào bộ phân môi giới của các CTCK, nhất là trong giai đoạn thị trường bull trap như hiện tại. TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia ngân hàng |
Chỉ số này chỉ mới điều chỉnh mạnh trong tháng 4, đầu tháng 5, và trước đó là đợt điều chỉnh khá mạnh trong quý I, nhưng cũng không thể ngăn được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động của CTCK trong quý II. Vì vậy, trừ khi TTCK điều chỉnh sâu như cách đây 10 năm, sau khi VN Index lập đỉnh 1.170 điểm, còn đợt điều chỉnh gần đây của TTCK cũng khó lòng tác động đến hoạt động kinh doanh của CTCK.
Trên thực tế, nếu thanh khoản của TTCK vẫn duy trì ở mức 6.000-7.000 tỷ đồng/phiên, CTCK vẫn có thu nhập khủng, bất chấp việc thị trường có biến động tăng/giảm ra sao. Đặc biệt, từ quý III-2017, các CTCK có thêm nguồn thu mới nhờ sản phẩm phái sinh, và đây là công cụ để NĐT có thể sử dụng nhằm quản trị rủi ro hoạt động tốt hơn. Phái sinh sẽ tránh cho NĐT rơi vào tình trạng thị trường xuống sẽ cầm chắc thua lỗ.
Bởi lẽ, nếu dự báo thị trường xuống, NĐT có thể tiến hành bán (short) phái sinh, rồi sau đó mua lại với giá thấp để kiếm lời. Nhưng phái sinh là sản phẩm mới, không phải NĐT nào cũng hiểu và sẵn sàng sử dụng, nên phần rủi ro vẫn thuộc về NĐT. Về mặt này, rõ ràng CTCK có nhiều lợi thế vì phải nắm vững kiến thức, nghiệp vụ để huấn luyện cho khách hàng, cũng đồng nghĩa với việc các CTCK biết cách sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Mâu thuẫn lợi ích
Mâu thuẫn lợi ích
Có thể nói, HSC hay SSI không phải là CTCK duy nhất có sự cải thiện tích cực hoạt động tự doanh. Đầu năm 2018, khi CTCK VNdirect (VND) công bố BCTC hợp nhất quý IV-2017, NĐT có thể thấy được trong danh mục tự doanh CTCK này nắm giữ lượng cổ phiếu (CP) rất lớn, bao gồm: 17,5 triệu CP của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), 500.000 CP của CTCP May Việt Tiến (VGG) và 1,6 triệu CP của CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG).
Theo BCTC quý I, lợi nhuận sau thuế của VND đạt 138,7 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ, trong đó có đóng góp không nhỏ từ hoạt động tự doanh. Rõ ràng, TTCK khởi sắc là cơ hội thuận lợi để CTCK gia tăng thu nhập, nhưng việc quay trở lại tự doanh CP và sử dụng phái sinh để tự doanh lại là câu chuyện khác.
Để thị trường vận động lành mạnh phải có sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Với bất cứ hình thức đầu tư nào, NĐT hay CTCK cũng chịu áp lực rủi ro thua lỗ. Tuy nhiên, quan trọng nhất là tạo sân chơi lành mạnh cho CTCK và NĐT. TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia ngân hàng |
Mới đây, trong một cuộc trao đổi với cổ đông tại Đại hội cổ đông thường niên 2018, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SSI, cho biết công ty xem việc sử dụng phái sinh như một công cụ để hỗ trợ NĐT hơn là việc kinh doanh phái sinh, vì điều này sẽ đẩy CTCK và khách hàng ở vào thế đối đầu với nhau.
Nhưng nhiều cổ đông cho rằng đó chỉ là cách lý giải của người đứng đầu SSI, bởi nhiều CTCK lớn cho biết nhờ có phái sinh họ gia tăng được thu nhập cho mình và điều này tốt cho cổ đông của công ty. Thậm chí, trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều NĐT lên tiếng tẩy chay các CTCK thắng lớn trong mảng tự doanh, kêu gọi mọi người chuyển tài khoản sang các CTCK không có nghiệp vụ tự doanh.
Theo một NĐT có thâm niên trên TTCK, các CTCK hiện quản lý tài khoản của hàng ngàn NĐT. Do đó, mọi động thái mua/bán của NĐT đều nằm trong tầm ngắm của các CTCK. Từ đó nảy sinh tình trạng các CTCK soi vào các giao dịch của NĐT để phân tích xu hướng của thị trường, đưa ra các quyết định đầu tư có lợi nhất cho bộ phận tự doanh. Tuy nhiên, một trong những yếu tố khiến NĐT lo ngại nhất chính là hiện tượng CTCK khuyến nghị NĐT mua vào CP nhưng bản thân họ lại bán ra CP để chốt lời.
Theo NĐT này, đối với TTCK minh bạch, hoạt động tự doanh và môi giới cùng vận hành song song là hết sức bình thường. Tuy nhiên, với thị trường kém minh bạch sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Chẳng hạn, bộ phận tự doanh sẽ mua vào mã CP nào đó, sau đó bộ phận môi giới sẽ gửi các khuyến nghị NĐT mua vào (lúc này NĐT sẽ mua với giá cao hơn). Song cũng có trường hợp CTCK thấy giá cao, thay vì khuyến cáo NĐT bán ra, họ lại âm thầm bán trước để chốt lãi. Thậm chí, có CTCK còn khuyến nghị NĐT mua vào để đẩy rủi ro về phía NĐT.
Trên trang cá nhân của mình, một chuyên gia chứng khoán đặt vấn đề tại sao CTCK bán gần hết CP trong danh mục tự doanh, trong khi bộ phận phân tích lại liên tục khuyến nghị mua vào. Đây là vấn đề nhạy cảm, vì ngay cả các cơ quan quản lý cũng khó kiểm soát được tình trạng này. Trong khi đó, bản thân các CTCK cũng nhận thấy sự bất cập này khi giải thích rằng, bộ phận tự doanh và bộ phận phân tích hoạt động độc lập với nhau, nên không có tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Lẽ dĩ nhiên, giải thích này khó lòng nhận được sự cảm thông từ phía NĐT, nhất là trong bối cảnh TTCK đang trong giai đoạn điều chỉnh mạnh như hiện tại. Trước đó, khi VN Index tái lập thành công mốc 1ịch sử 1.170 điểm, nhiều CTCK vẫn khuyến cáo NĐT mua vào, với dự báo cho rằng VN Index có khả năng chinh phục những mốc điểm số cao hơn như 1.200 điểm, thậm chí là 1.300 điểm.
Ảnh minh họa: P.LONG
Cần tách bạch, tạo sân chơi công bằng
Cách đây vài năm, khi TTCK giao dịch trong tình trạng ảm đạm, đã xuất hiện hiện tượng thoái lui của hàng loạt CTCK với tự doanh do thua lỗ nặng. Khi đó, các CTCK bỏ tự doanh, hoặc tách bạch hoạt động sang một đơn vị độc lập kiểu như công ty quản lý quỹ, và lý giải rằng việc này nhằm đảm bảo lợi ích cho khách hàng, cho chính cả CTCK, đồng thời phù hợp với xu hướng phát triển khi CTCK chỉ làm dịch vụ.
Vì thế, ở thời điểm hiện tại, khi một số CTCK có quy mô lớn bắt đầu quay lại hoạt động tự doanh, không loại trừ các CTCK khác cũng sẽ có hoạt động tương tự. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu các CTCK đã chuẩn bị gì nhằm giảm thiểu những rủi ro cho hoạt động của chính mình, cũng như tránh những xung đột cho khách hàng. Có thể thấy những tuyên bố kiểu nói không hay hạn chế với tự doanh giống như lời nói gió bay, nghĩa là tự CTCK mâu thuẫn với chiến lược của chính mình. Cần nhắc lại rằng, nếu không có sự chuẩn bị kỹ và các bước đi phù hợp, mảng tự doanh của các CTCK có khả năng “quay về mo” như đã từng xảy ra.
Thực tế, sự hưng phấn của TTCK trong năm 2017 khiến một số CTCK đẩy mạnh tự doanh, phải đặt ra câu hỏi về sự vội vã trong hoạt động và tiềm ẩn những hệ quả khó lường. Tự doanh đã giúp một số CTCK lãi khủng, nhưng vấn đề là hoạt động tự doanh của CTCK cũng sẽ phụ thuộc rất lớn vào biến động của thị trường, và điều này không CTCK nào có thể dự báo hay kiểm soát.
Điều đáng lo ngại, không chỉ mâu thuẫn và tạo ra sức ép với chính mình, hoạt động tự doanh cũng tiềm ẩn những xung đột về mặt lợi ích với NĐT, mà thực tế dù không xảy ra vẫn có thể xuất hiện những nghi kỵ. Để xóa bỏ nghi ngại này, các CTCK cần minh bạch những khoản đầu tư của mình để tránh rủi ro NĐT, và xa hơn hết giữ được thương hiệu CTCK có trách nhiệm.
Diễn biến phổ biến hiện nay của TTCK là trong những phiên giảm mạnh, NĐT thường rơi vào tình trạng phải giải chấp (margin call) để trả nợ cho CTCK. Trong trường hợp CTCK không có hoạt động tự doanh, hiện tượng margin call được đánh giá như đảm bảo rủi ro cho hoạt động của họ. Thế nhưng, nếu có tự doanh, không loại trừ những suy đoán theo kiểu CTCK ép NĐT phải bán ra giá thấp, sau đó ra tay gom CP với giá rẻ. Không chỉ có áp lực từ tự doanh, khi thị trường diễn biến không đủ thuận lợi để có thể đảm bảo lợi ích cho tất cả, liệu các CTCK có đặt lợi ích của khách hàng lên trên lợi ích của mình.
Đơn cử như những đợt suy giảm vừa qua, rất hiếm CTCK nào khuyến nghị một cách rõ nét về xu hướng của thị trường và đề xuất bán. Hệ quả, có NĐT bán tức cũng có người mua, có người thoát được ở đỉnh, cũng sẽ có người “bắt dao rơi” và thua lỗ. Vấn đề là các giao dịch vẫn diễn ra và CTCK là bên có lợi nhất.