Lo sợ về đại dịch khiến người Trung Quốc không chi tiền du lịch, không muốn chi tiêu và hình thành những thói quen mới mà người ta cho rằng sẽ thay đổi bộ mặt tiêu dùng vĩnh viễn không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn cầu. Tình trạng này còn tồi tệ hơn ở các nước đang oằn mình chống đại dịch Covid-19.
Dựa vào các số liệu, từ đánh bạc tới vận tải hàng không, Bloomberg cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang đứng trước một sự phục hồi nhưng nó chậm và dễ bị thất bại như những gì mà đợt bùng phát dịch bệnh ở Bắc Kinh, Trung Quốc vài tuần trước đã phản ánh.
Nhu cầu toàn cầu với hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc cũng nhiều khả năng sẽ sụt giảm mạnh trong năm nay. Hiện tại, phần lớn thế giới vẫn đang phải oằn mình chống Covid-19. Hành vi của người tiêu dùng của người Trung Quốc cũng gây ra những thiệt hại nặng nề, không chỉ ở quốc gia này, mà còn là nền kinh tế toàn cầu.
Theo Viện toàn cầu McKinsey, trong giai đoạn 2010-2017, Trung Quốc đóng góp 1/3 tăng trưởng tiêu dùng toàn cầu. Trong 10 năm tới, sự tăng trưởng tiêu dùng của Trung Quốc dự kiến bằng với Mỹ và Tây Âu cộng lại.
Dữ liệu doanh số bán lẻ dự kiến được công bố tuần này cho thấy sự tăng trưởng trong tháng 6. Tuy nhiên, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm nay còn lâu mới bằng cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, sự hồi sinh trong tiêu dùng sẽ còn kéo dài để trở lại mốc trước dịch. Thay đổi hành vi tiêu dùng là sự bất lợi cho các ngành dịch vụ cũng như căng thẳng trong thị trường lao động và thu nhập bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, không phải tất cả bức tranh đều là màu tối. Trong khi doanh số bán xe sụt giảm, doanh số bán nhà đã tăng vào đầu tháng 6 so với năm ngoái.
Dẫu vậy, một dữ liệu được các nhà phân tích khá chú ý chính là hoạt động kinh doanh của các sòng bài tại Macau, Las Vegas của Trung Quốc. Trong quá khứ, những số liệu này phản ánh một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, dữ liệu năm nay cho thấy hành trình phục hồi từ đại dịch còn lâu mới kết thúc.
Việc Trung Quốc đóng cửa biên giới khiến doanh thu của các sòng bạc này giảm hơn 90% trong 3 tháng liên tiếp. Trong khi đó, chúng mất tới 15 triệu USD chi phí duy trì hàng ngày. Những thiệt hại trở nên rất lớn.
Bên cạnh đó, các dữ liệu về đi lại tiếp tục cho thấy một bức tranh không mấy tươi sáng. Số liệu với đường bộ và đường sắt cao tốc cho thấy số người đi lại ít hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Người ta ít đi lại, cả du lịch lẫn đi công tác.
Lượng người đi du lịch trong ngày lễ hồi tháng 6 đã giảm một nửa so với năm 2019, điều cho thấy đông đảo người dân Trung Quốc vẫn chọn cách ở nhà. Lượng khách đi tàu điện ngầm ở Bắc Kinh và Thượng Hải vẫn ở dưới mức bình thường.
Thị trường xa xỉ cũng đang hứng chịu những thiệt hại nặng nề. Bên cạnh gián đoạn logictic do đại dịch, người mua Trung Quốc sụt giảm khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng. Theo ước tính, sức mua của người Trung Quốc chiếm 1/3 ngành công nghiệp toàn cầu. Tầng lớp trung lưu đang lên khiến Trung Quốc là thị trường quan trọng với hàng xa xỉ.
Mua bán trực tiếp cũng đang dần được chuyển sang các hình thức trực tuyến với giao hàng tận nhà. Đây được coi là điểm sáng nhất khi các con số khác đều đang chậm lại.
Những gì đang diễn ra ở Trung Quốc là ví dụ điển hình cho khả năng phục hồi của kinh tế thời kỳ hậu Covid-19. Hiện tại, nhiều người vẫn đặt cược vào khả năng kinh tế phục hồi theo hình chữ V khi đại dịch được kiểm soát. Tuy nhiên, niềm tin sẽ chưa thể trở lại khi con người chưa tìm ra vắc xin chống virus corona.