Phát biểu tại cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế-xã hội quý IV và năm 2020 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chiều 27/12, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, năm 2020 được coi là thành công trong việc kiểm soát lạm phát. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2020 tăng 0,10% so với tháng trước, tăng 0,19% so với cùng kỳ năm trước. CPI quý IV/2020 tăng 0,22% so với quý trước và tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân năm 2020, CPI tăng 3,23% so với năm 2019; trong đó: CPI khu vực thành thị tăng 2,91%, khu vực nông thôn tăng 3,53% so với năm 2019. Lạm phát cơ bản năm 2020 tăng 2,31% so với năm 2019.
Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất
Giải thích một số yếu tố gây tăng giá trong năm 2020, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết tháng 1 và tháng 2 là tháng Tết nên nhu cầu mua sắm tăng cao, giá các mặt hàng lương thực bình quân năm 2020 tăng 4,51% so với năm trước góp phần làm cho CPI chung tăng 0,17%. Giá gạo năm 2020 tăng 5,14% so với năm trước do giá gạo xuất khẩu tăng cùng với nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng.
Đáng chú ý, về cuối năm, tháng 12 có 7/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ chính tăng giá, 3 nhóm hàng giảm giá và 1 nhóm hàng giá ổn định so với tháng 11; trong đó nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, tăng 2,45% so với tháng trước đó. Bà Ngọc cho biết nguyên nhân do giá xăng dầu điều chỉnh tăng vào ngày 26/11, 11/12 và ngày 26/12, khiến giá xăng E5 tăng 1.630 đồng/lít, giá xăng A95 tăng 1.770 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 1.540 đồng/lít.
Bên cạnh đó, nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép cũng có mức giá tăng 0,15% do thời tiết rét đậm, rét hại tại các tỉnh phía Bắc nên nhu cầu mua sắm quần áo rét, giầy dép tăng làm cho giá các mặt hàng này nhích nhẹ.
“Ngoài ra, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức giá giảm nhiều nhất 0,41% nguyên nhân chủ yếu ở giá thịt lợn, giá thịt gia cầm, giá thủy sản tươi sống, giá rau xanh do nguồn cung nhiều. Tiếp theo, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,1% do các công ty du lịch đưa ra các chương trình kích cầu du lịch nội địa làm cho giá dịch vụ du lịch trọn gói giảm. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,03% so với tháng trước do thời tiết lạnh ở các tỉnh phía Bắc và dịu mát ở các tỉnh miền Nam nên nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt giảm,’ bà Ngọc chỉ ra.
Giá gạo xuất khẩu liên tục tăng
Trong tháng 12, mặc dù nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,41%, song chỉ số giá gạo lại tăng 0,64% và góp phần làm CPI chung tăng 0,02% so với tháng trước (cụ thể chỉ số giá gạo khu vực thành thị tăng 0,38%, khu vực nông thôn tăng 0,83%)’
Về điều này, bà Ngọc lý giải giá gạo lên do nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước tăng vì lo ngại dịch COVID-19 có thể kéo dài. Theo đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của các nước như Thái Lan và Ấn Độ. Cụ thể, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 500 USD/tấn, đây là mức cao nhất từ tháng 12/2011. Ngoài ra, nhu cầu dự trữ gạo dịp cuối năm, Tết Nguyên đán tại thị trường nội địa cũng khiến giá gạo tẻ ngon, gạo neo thang.
Song ở chiều ngược lại, giá một số mặt hàng lương thực khác giảm do đang trong mùa thu hoạch, như giá khoai lang giảm 2,03%, giá ngô giảm 0,25%, giá sắn giảm 0,89% so với tháng trước. Ngoài ra, giá thịt lợn cũng giảm 1,65% do nguồn cung tăng.
“Ước tính tổng số lợn của cả nước tháng 12 đã tăng khoảng 17% so với năm 2019, nhờ đó sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm đạt 3,47 triệu tấn, tăng 4,4%,” bà Ngọc nói.
Đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát
Với mức chỉ số giá tiêu dùng cả năm tăng 3,23%, mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ CPI bình quân năm 2019 dưới 4% của Quốc hội đề ra, đã thực hiện được.
Nhìn khái quát cả năm, bà Ngọc chỉ ra một số các yếu tố tác động đến CPI, cụ thể là mặt hàng gạo có mức giá tăng cao 5,14% so với năm trước, chịu sự tác động từ giá gạo xuất khẩu tăng cùng với nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng. Thêm vào đó, giá các mặt hàng thực phẩm leo thang 12,28%, do giá thực phẩm tươi sống tăng cao thời điểm Tết Nguyên đán, nhất là mặt hàng thịt lợn lên tới 57,23% so với năm 2019. Ngoài ra, diễn biến mưa bão, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung trong tháng 10 và tháng 11 cũng tác động làm cho diện tích rau màu ngập nặng, nhiều ao, hồ, chuồng trại bị hư hỏng, cuốn trôi,...
Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, bà Ngọc cũng cho biết một số tố yếu góp phần kiềm chế CPI trong năm, như giá xăng dầu, giá gas trong nước giảm mạnh theo giá thế giới từ tháng Hai đến tháng Năm. Cụ thể, giá xăng dầu trong nước bình quân giảm 23,03% so với năm trước và giá gas giảm 0,95%, giá dầu hỏa giảm 31,21%.
Ngoài ra, nhu cầu du lịch giảm trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến giá du lịch trọn gói giảm đến 6,24% so với năm trước.
“Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các ngành và các cấp đã tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh và ổn định thị trường, đảm bảo đời sống của nhân dân,” bà Ngọc nói.
Theo diễn biến trên, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) năm 2020 chỉ tăng 2,31% so với năm 2019.
“Như vậy, bình quân lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu và giá dịch vụ giáo dục tăng. Bên cạnh đó, lạm phát cơ bản so cùng kỳ giảm dần từ mức 3,25% trong tháng Một về mức 0,99% trong tháng 12, đã phản ánh kết quả của điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả trong năm 2020 của Ngân hàng nhà nước,” bà Ngọc chỉ ra.