CPI tháng 6-2022 tăng mức cao nhất trong vòng 6 năm qua

(ĐTTCO) - Giá xăng dầu tăng cao là một trong những tác nhân chính đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2022 tăng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây (2016 – 2022).
Số liệu báo cáo tình hình kinh tế -xã hội 6 tháng đầu năm 2022 do Tổng cục Thống kê (TCTK, Bộ KH-ĐT) vừa công bố cho thấy, lạm phát 6 tháng đầu năm 2022 ở mức 2,44%. 
Đáng chú ý, chỉ số CPI tháng 6-2022 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng CPI cao nhất của tháng trong vòng 6 năm trở lại đây (2016 – 2022).
Theo TCTK lý giải, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 6-2022 tăng cao đột biến. Việc lạm phát cơ bản thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,44%) đã cho thấy, biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
CPI tháng 6-2022 tăng mức cao nhất trong vòng 6 năm qua ảnh 1 Giá xăng dầu đã khiến CPI tháng 6-2022 tăng ở mức cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Ảnh minh họa.
Quay trở lại với diễn biến giá cả hàng hóa tháng 6-2022, theo TCTK, so với tháng trước, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Trong đó, nhóm hàng hóa có mức tăng cao nhất là giao thông, với 3,62%, làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm. Các đợt điều chỉnh giá xăng dầu theo giá nhiên liệu thế giới vào ngày 1-6-2022, 13-6-2022 và 21-6-2022 đã làm cho giá xăng tăng 8,23%,giá dầu diezen tăng 8,5%, tác động trực tiếp đến CPI nhóm hàng này.
Trong nhóm hàng này, do ảnh hưởng của giá xăng tăng, nên giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 4,98% so với tháng trước. Trong đó, giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 13,38%, đường bộ tăng 3,02%, taxi tăng 2,91%, đường sắt tăng 2,67% và xe buýt tăng 1,69%.
Đặc biệt, giá xe ô tô mới, giá xe máy tăng lần lượt 0,62%, 0,86%, và nguyên nhân là do thiếu nguồn cung linh kiện bán dẫn khi Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid-19” khiến nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng, thậm chí đóng cửa.
Trong khi đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,8%, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,52%, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,35%, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,31%, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,17%...
Cùng đứng trong nhóm tăng giá, nhưng nhóm giáo dục chỉ tăng 0,07%, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%.
Như vậy, xét về tổng thể, lạm phát 6 tháng đầu năm nay duy trì ở mức 2,44% không là quá cao. Tuy nhiên, xu hướng của năm nay khi giá cả thị trường sẽ diễn biến khó lường, nhất là khi giá xăng dầu, lương thực thế giới, giá các loại nguyên liệu đầu vào… đang tiếp tục tăng cao, do ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine đã khiến áp lực lạm phát được cho sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, áp lực lạm phát đang “bủa vây” nền kinh tế Việt Nam, gây khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, cho đời sống của người dân. Nhiều dự báo cho biết, lạm phát năm nay sẽ xoay quanh ngưỡng 4%, thậm chí có thể ở mức cao hơn. Đây chính là một rủi ro lớn mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong những tháng cuối năm nay.

Các tin khác