Cù lao Tân Triều mùa bưởi Tết

(ĐTTCO) - Những ngày cuối năm 2022, chúng tôi về thăm Làng du lịch sinh thái Tân Triều thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai), khi các nhà vườn đang rộn ràng vào vụ thu hái. Cùng với niềm vui được mùa bưởi tết, bà con nông dân đang nỗ lực xây dựng thương hiệu bưởi Tân Triều gắn với du lịch sinh thái, hướng tới phát triển bền vững nghề trồng bưởi trên vùng đất cù lao.
Cù lao Tân Triều mùa bưởi Tết

Ngọt lành bưởi cù lao

Từ trung tâm TP Biên Hòa chạy xe máy chừng 10km, chúng tôi đến làng bưởi Tân Triều. Dọc hai bên đường nhiều ngôi nhà cao tầng mọc san sát, được bao quanh bởi hàng trăm hécta bưởi. Trong đó, nhiều vườn trồng bưởi cách đây 15-20 năm, thân cây to, cành khỏe khoắn, trái chín sum suê, nối tiếp nhau dệt một màu xanh ngát. Dưới những khu vườn, bà con nông dân đang miệt mài với công việc phát cỏ, dọn vườn, kéo hệ thống nước tưới cho từng cây. Thoảng trong hương bưởi nồng nàn, chúng tôi cảm giác có nụ cười hồn hậu của những người nông dân chân chất và niềm vui được mùa bưởi tết đang lan tỏa từng góc vườn.

Được sự giới thiệu của cán bộ Hội Nông dân xã Tân Bình, chúng tôi vào thăm khu vườn rộng 3.200m2, với 85 gốc bưởi đường lá cam được trồng 10 năm nay của gia đình anh Trương Ngọc Nhàn (45 tuổi, ở ấp Tân Triều). Vịn tay vào cành bưởi nặng trĩu, trái to đẹp, da căng bóng, anh Nhàn chia sẻ, vụ chính vào đúng dịp tết và để bưởi ra trái đúng hẹn cho năng suất cao, gia đình đã đầu tư 50 triệu đồng mua phân bón 3 đợt, tưới nước 2 lần/tuần bằng hệ thống tự động, tạo dinh dưỡng, giữ ẩm cho đất, giúp cây bưởi sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh. “So với năm trước, giá bưởi có xuống đôi chút, hiện ở mức 700.000 đồng/thùng 12 trái (bưởi loại 1), nhưng sẽ nhích dần lên từ 23 Tết Âm lịch trở đi, giá có thể lên tới 1.000.000 đồng/thùng 12 trái, trừ chi phí, vụ tết này, gia đình thu về khoảng 300 triệu đồng”, anh Nhàn cho hay.

Cách đó không xa là vườn bưởi da xanh 5.400m2 của gia đình anh Nguyễn Minh Hải cũng đang bước vào vụ. Đồng hồ chỉ 11 giờ trưa, mồ hôi ướt đẫm bộ đồ lao động, nhưng anh Hải vẫn miệt mài bẻ nhánh khô, trái héo để làm sạch khu vườn. Hái những trái bưởi chín xuống mời khách, anh Hải cho hay, trước đây, vườn bưởi được cắt tỉa nhánh, cành thường xuyên để cho ra trái vào rằm tháng 7 và dịp tết, nhưng năm nay, anh để bưởi ra trái tự do, bán lai rai cho thu nhập quanh năm. Anh Hải giải thích thêm: “Cù lao Tân Triều được phù sa sông Đồng Nai bồi lắng, màu mỡ, quanh năm không lo thiếu nước tưới, thuận lợi cho việc trồng bưởi và đặc trưng nhất vẫn là bưởi đường lá cam. Bưởi Tân Triều có vị ngọt thanh, vỏ mỏng, múi tróc dễ lột và mùi vị đặc trưng so với bưởi được trồng ở các vùng miền khác”.

Không chỉ anh Hải, anh Nhàn mà ở Tân Triều có nhiều người có “của ăn của để” nhờ trồng bưởi như: hộ ông Trần Văn Châu (4.500m2), Huỳnh Văn Để (5.000m2), Nguyễn Tấn Lành (6.500m2), Nguyễn Minh Hoàng (10.000m2) cho thu nhập mỗi năm cả tỷ đồng/hộ. Hàng chục năm qua, những người nông dân này đổ bao mồ hôi, công sức xuống những khu vườn để có một vùng chuyên canh bưởi đặc sản nức tiếng thơm ngon trên vùng đất cù lao Tân Triều.

Để hương bưởi bay xa

Đi dọc con đường bê tông được tô điểm bởi sắc hoa vàng, chúng tôi ghé vườn bưởi khoảng 2ha (lớn nhất làng bưởi Tân Triều) đang trồng bưởi đường lá cam, bưởi da xanh của gia đình ông Ngô Văn Sơn (53 tuổi, ở ấp Vĩnh Hiệp). Khác với người dân trong vùng, ông Sơn chú tâm trồng bưởi cảnh, bonsai, bưởi hồ lô, bưởi tạo hình độc đáo với các chữ Tài - Lộc - Phú - Quý, hay hình bản đồ Việt Nam được nhiều người ưa thích. Vào dịp tết, ông tạo hình cho khoảng 1.000 trái bưởi, thường đạt yêu cầu khoảng 700 trái, giá bán gấp 10 lần bưởi thường, thu về vài trăm triệu đồng. Ông Sơn quả quyết: “Những trái bưởi tạo hình đẹp mắt, giá cao sẽ mở ra lối đi mới cho người trồng bưởi, đoạn tuyệt câu chuyện sụt sùi theo từng cơn nóng lạnh của thời tiết và cả sự o ép của thương lái”.

Du khách tham quan Làng du lịch sinh thái Tân Triều

Rời vườn ông Sơn, chúng tôi đến Khu du lịch sinh thái Làng bưởi Năm Huệ, rộng 2ha, trồng 500 gốc bưởi đường lá cam của ông Huỳnh Đức Huệ. Gia đình ông đã 6 đời trồng bưởi ở cù lao Tân Triều nhưng do mỗi lần chở bưởi đi bán bị thương lái ép giá nên ông mua lại vườn liền kề hình thành khu du lịch sinh thái để “dụ” khách vào vườn mua bưởi. Đến đây, du khách được đi thuyền dạo quanh cù lao Tân Triều, trải nghiệm hái bưởi trong vườn, thưởng thức các món lạ như trà bưởi, rượu bưởi, gỏi bưởi, gà hấp bưởi... Hiện khu du lịch đang thu hút hàng trăm lượt khách từ TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, các tỉnh miền Tây Nam bộ tìm về tham quan, nghỉ dưỡng vào dịp cuối tuần.

Chị Nguyễn Thu Hà (ngụ ở quận Bình Thạnh, TPHCM) tranh thủ ngày chủ nhật cùng gia đình đến tham quan tại làng bưởi, cho hay: “Cuộc sống ở đô thị ngột ngạt, khói bụi nên gia đình tôi về làng bưởi chơi và hít thở bầu không khí trong lành. Hương bưởi ngào ngạt bay theo gió hòa quyện cái se lạnh của đất trời đang vào xuân, tạo cảm giác mát lạnh, xua tan mệt nhọc sau những ngày làm việc căng thẳng”.

Để xây dựng thương hiệu cho bưởi, HTX Nông nghiệp - dịch vụ Tân Triều ra đời nhằm giúp bà con trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, cung cấp sản lượng ổn định, đảm bảo chất lượng. Đáng mừng là năm 2011, bưởi Tân Triều được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu an toàn và chỉ một năm sau được cấp chỉ dẫn địa lý, giúp bưởi nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường trong, ngoài nước.

Chiều xuống dần trên dòng sông Đồng Nai, chúng tôi tìm gặp được anh Phạm Lê Nhân, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Bình, được anh thông tin, bưởi là cây trồng chủ lực của người dân trong xã với hơn 400ha, phần lớn là bưởi đường lá cam được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận OCOP (mỗi xã/phường một sản phẩm) 3 sao. Nhiều năm trở lại đây, bưởi được mùa, giá cả ổn định, đời sống người dân nâng cao, thu nhập bình quân đầu người gần 75 triệu đồng/năm, xã không còn hộ nghèo và bà con yên tâm gắn bó nghề trồng bưởi kết hợp phát triển du lịch sinh thái để đưa thương hiệu bưởi Tân Triều ngày càng vươn xa.

Ông Lê Văn Thanh, Phó Trưởng phòng NN- PTNT kiêm Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới huyện Vĩnh Cửu, cho biết: Lãnh đạo địa phương rất quan tâm đến việc phát triển, giữ gìn bản sắc cho làng bưởi Tân Triều. Huyện ủy Vĩnh Cửu ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường đến năm 2025 và việc bưởi Tân Triều được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân, tạo môi trường sinh thái xanh - sạch - đẹp.

Các tin khác