Điểm danh nhiều địa chỉ cụ thể
Qua kiến nghị của cử tri các quận huyện có thể thấy, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện quy hoạch, tiếp tục là những vấn đề được quan tâm. Cử tri kiến nghị HĐND TP thúc đẩy, giám sát để các vấn đề liên quan đến những dự án, công trình chậm trễ được giải quyết nhanh chóng, rốt ráo hơn.
Cụ thể, cử tri quận 11 yêu cầu công khai quy hoạch khu phức hợp Đầm Sen thuộc phường 3 (khu vòng xoay Đầm Sen - Lạc Long Quân - Hòa Bình) và đặt vấn đề xóa quy hoạch hay lại có sự điều chỉnh?
Cử tri quận 9 kiến nghị TP quan tâm xử lý các công trình trọng điểm kéo dài, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống người dân. Đơn cử, dự án đường vành đai 2 kéo dài từ năm 2015 đến nay chưa thực hiện; dự án cầu Nam Lý chưa kết nối lưu thông ra ngã tư Bình Thái làm ảnh hưởng đến việc lưu thông. “TPHCM cần đăng tải công khai việc xóa quy hoạch sử dụng đất, thu hồi các dự án “treo” để người dân tìm hiểu, phòng tránh rủi ro”, cử tri quận 9 đề nghị.
Tại huyện Nhà Bè, cử tri phàn nàn việc quy hoạch sử dụng đất tại xã Hiệp Phước dành cho đầu tư khu công nghiệp, khu cảng Sài Gòn và khu dân cư đô thị kéo dài suốt nhiều năm qua không thực hiện, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Cử tri kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng cầu trên tuyến đường Lê Văn Lương, xã Phước Kiển và xã Nhơn Đức.
Trong khi đó, cử tri huyện Bình Chánh kiến nghị TP xem xét lại việc quy hoạch đường vào KCN An Hạ cũng như phản ánh giá đền bù ở dự án Khu đô thị Sing - Việt không thỏa đáng. Cử tri Bình Chánh còn bức xúc về dự án quy hoạch hồ sinh thái xã Vĩnh Lộc B kéo dài 20 năm chưa thực hiện, đề nghị thông tin rõ ràng về tiến độ dự án. Đồng thời cử tri đề nghị TP thông tin cụ thể dự án mở đường Võ Văn Vân vào KCN Lê Minh Xuân 3 có thực hiện hay đã xóa quy hoạch?
Khuyến khích lực lượng trẻ công tác ở cấp cơ sở
Cùng với những vấn đề thiết thân đến đời sống, cử tri cũng đặc biệt quan tâm đến hoạt động của HĐND TP và các đơn vị ở cơ sở khi tới đây TPHCM sẽ không tổ chức HĐND quận, phường.
Cử tri quận 11 đặt vấn đề khi không còn HĐND quận, phường thì HĐND TP và các cơ quan chức năng sẽ thực hiện giám sát như thế nào để chính quyền gần dân, nghe dân và có trách nhiệm với dân? Cử tri quận 9 cho rằng, khi không tổ chức HĐND phường thì vai trò của MTTQ, nhất là ở khu phố, sẽ rất nặng nề. Trong khi đó, hiện cán bộ khu phố chủ yếu là người già, về hưu. Từ đó cử tri đề nghị có các chính sách khuyến khích lực lượng trẻ tăng cường công tác ở cấp cơ sở, khu phố. Cử tri quận Tân Bình đề nghị các đại biểu HĐND cần liên tục theo dõi, đeo bám xử lý kịp thời kiến nghị của cử tri, tránh tình trạng cử tri kiến nghị nhưng không giải quyết đến nơi đến chốn.
Cử tri quận 9 phản ánh, từ khi có chủ trương thành lập TP Thủ Đức, dân số cơ học trên địa bàn tiếp tục tăng cao. Dự báo năm học tới sĩ số học sinh lớp 1 sẽ tăng, dẫn đến không đảm bảo sĩ số chuẩn theo đúng Luật Giáo dục. Cử tri mong muốn TPHCM mở rộng các trường học tại khu vực này. Cử tri cũng đề nghị TPHCM bố trí trụ sở trung tâm TP Thủ Đức đảm bảo thuận tiện cho người dân đi lại; quan tâm làm tốt công tác cán bộ để phục vụ người dân được trôi chảy, thuận lợi.
Cử tri quận 12 đề nghị HĐND TP tổ chức đánh giá cụ thể về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội. Cử tri nêu rõ cần tập trung đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ, công chức; cơ chế đặc thù có tiếp tục thực hiện hay không. Cử tri quận 11 cho rằng, để tránh những vi phạm của đội ngũ cán bộ như thời gian qua, TPHCM cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và giám sát cán bộ thực hiện chức trách một cách cụ thể.
Cử tri quận 8 và huyện Nhà Bè kiến nghị TPHCM có chính sách hỗ trợ học phí cho những học sinh cấp 2 - 3 là con em những hộ gia đình bị thất nghiệp do ảnh hưởng của Covid-19. Đồng thời, xem xét lại việc tăng học phí ở một số môn học không cần thiết, chưa phù hợp trong bối cảnh Covid-19 hiện nay. Cử tri quận 9 phản ánh một số ngành nghề bị ảnh hưởng dịch nhưng chưa được hỗ trợ như thợ cắt tóc, thợ uốn tóc, thợ hồ. Cử tri quận Tân Phú đề nghị TPHCM kiến nghị Chính phủ công khai thông tin trên báo đài để người dân được biết gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 đã chi hết chưa; trong thời gian tới Chính phủ và TPHCM có hỗ trợ thêm nữa hay không?
Gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án ngành văn hóa - thể thao Ngày 6-12, HĐND TPHCM phối hợp Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chương trình Lắng nghe và trao đổi tháng 12-2020 với chủ đề “Thiết chế văn hóa trên địa bàn TPHCM - Thực trạng và giải pháp”. Tham dự chương trình có đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM. Khái quát thực trạng về các thiết chế văn hóa, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP Mai Bá Hùng cho biết, cơ sở vật chất mà ngành VH-TT đang quản lý chủ yếu là những công trình được xây dựng từ lâu, đang dần xuống cấp, chưa đủ sức hội nhập quốc tế. Số lượng các công trình thể dục thể thao (TDTT) tính trên đầu người là mức thấp nhất trong các thành phố trực thuộc Trung ương (15 công trình thi đấu đạt chuẩn quốc tế, khoảng 1,5 công trình/vạn dân). Các dự án trọng điểm trong Khu Liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc như: nhà thi đấu TDTT tổng hợp và thi đấu futsal, sân vận động 50.000 chỗ, học viện bóng đá, sân đua xe đạp lòng chảo… vẫn trong giai đoạn quy hoạch. Nhiều dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chậm thực hiện như dự án Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch, Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng… Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Nguyễn Văn Đạt nhận xét, TPHCM là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, tuy nhiên mức đầu tư vào các công trình văn hóa và thể thao còn rất hạn chế. Thậm chí, TP hiện chưa có trung tâm văn hóa, khu liên hợp TDTT đạt tiêu chuẩn để tổ chức phục vụ các chương trình quốc tế có quy mô lớn. Trước các ý kiến tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức yêu cầu Sở VH-TT và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp thu, tham mưu nhằm cụ thể hóa những chính sách, quy định để phát triển thiết chế văn hóa. Đồng thời cần tổ chức chu đáo các ngày lễ lớn trong năm, triển khai đồng bộ các sự kiện văn hóa thường niên; tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa. Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tháo gỡ các vướng mắc của các dự án công trình trọng điểm của ngành VH-TT; kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng các công trình, đáp ứng nhu cầu phát triển VH-TT, phục vụ người dân TP. |