Cung-cầu và bài toán tăng trưởng bền vững

Cung – cầu là quan hệ cân đối cơ bản, tổng quát, tác động đến tăng trưởng, lạm phát, nhập siêu, nợ công và cũng là căn cứ quan trọng cho xác định mục tiêu, cũng như liều lượng các giải pháp quản lý, điều hành.

Cung – cầu là quan hệ cân đối cơ bản, tổng quát, tác động đến tăng trưởng, lạm phát, nhập siêu, nợ công và cũng là căn cứ quan trọng cho xác định mục tiêu, cũng như liều lượng các giải pháp quản lý, điều hành.

“Bệnh” mất cân đối


Phân tích số liệu của Tổng cục Thống kê về tỷ lệ tích luỹ, tiêu dùng, nhập siêu so với GDP trong thời kỳ 2006- 2011, có thể nhận diện diễn biến quan hệ cung - cầu của Việt Nam có một số điểm đáng chú ý.

Tổng tích luỹ và tiêu dùng cuối cùng của Việt Nam liên tục cao hơn GDP, có nghĩa, sản xuất vẫn chưa đáp ứng được tổng tích luỹ và tiêu dùng cuối cùng.

Tỷ lệ tổng tích luỹ và tiêu dùng cuối cùng/GDP, nếu trước năm 2007 còn ở mức dưới 110%, đến giai đoạn 2007 - 2010 đã vượt mốc 110% và năm 2011 tuy đã giảm nhưng vẫn trên 103%. Khả năng năm 2012 có thể thấp hơn và năm 2013 có thể cao hơn một chút.

Tổng tích luỹ/GDP của Việt Nam cao hàng thứ 4- 5 thế giới. Trước năm 2007, tỷ lệ này còn dưới 37%, sang giai đoạn 2007 - 2010 vượt mức 38% (riêng năm 2007 trên 43%). Năm 2011 đột ngột giảm xuống, thấp hơn cả năm 2006 với 32,6%.

Phân tích sâu thêm, trong tổng tích luỹ, tích luỹ tài sản cố định là chủ yếu, còn tích luỹ do thay đổi tồn kho (tức là tồn kho cuối năm trừ đi tồn kho đầu năm) tương đối nhỏ. Tuy nhiên, điểm lưu ý là tỷ lệ thay đổi tồn kho tuy thấp nhưng vẫn liên tục tăng lên.

Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP liên tục cao hơn so với tích luỹ trong nước. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP từ năm 2007 đến nay liên tục ở mức trên 40%, trong khi tỷ lệ tiết kiệm trong nước/GDP chỉ trên dưới 30%, làm chênh lệch giữa vốn đầu tư và tiết kiệm trong nước luôn ở mức cao trên 10%/năm. Trong đó, năm 2009 là 14,4%, năm 2011 giảm xuống 9,5% nhưng vẫn mức cao.

Tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng/GDP của Việt Nam đứng thứ 124/157 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, thứ 5 trong khu vực, thứ 21/41 nước và vùng lãnh thổ ở Châu Á. Từ năm 2004 trở về trước, tỷ lệ này đều trên 70% do GDP khi đó còn nhỏ. Đến năm 2005 và 2006, tỷ lệ này xuống dưới 70% nhưng từ 2007 đến nay quay trở lại mức trên 70%, cao hơn trong 3 năm (2008 – 2010).

Năm 2011 có xuống thấp nhưng vẫn trên 70%. Tuy nhiên, tiêu dùng cá nhân bình quân đầu người ở Việt Nam rất thấp, năm 2011 đạt 18,6 triệu đồng/người/năm, tương đương 842 USD/người/năm).

Do sản xuất chưa đủ cho tích luỹ và tiêu dùng cuối cùng và vốn đầu tư/GDP cao hơn tích lũy trong nước/GDP nên nhập siêu là khó tránh khỏi. Tỷ lệ nhập siêu/GDP, từ năm 2006 về trước chỉ ở mức một chữ số, nhưng từ 2007 đến 2010 tăng lên mức hai chữ số. Năm 2011 xuống một chữ số nhưng không phải nhờ tiết kiệm trong nước tăng (thậm chí giảm đi), mà do đầu tư, sản xuất và tiêu dùng co lại.

Tốc độ song hành chất lượng

Phân tích quan hệ cung – cầu trong thời gian qua có thể đánh giá và đưa ra giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Để bảo đảm quan hệ giữa sản xuất với tích luỹ và tiêu dùng cuối cùng, về dài hạn, Việt Nam phải tăng tổng cung, hay tăng qui mô của GDP. Chỉ khi GDP lớn hơn, việc phân chia cho tích luỹ và tiêu dùng cuối cùng mới lớn hơn về giá trị tuyệt đối (kể cả khi tỷ lệ so với GDP có thể giảm).

Do đó, Việt Nam vẫn phải quan tâm đến tốc độ tăng tăng trưởng kinh tế, bởi không chỉ để tránh tụt hậu xa hơn và để chuyển lên nhóm nước có thu nhập cao hơn, mà còn là tạo tiền đề để có tích luỹ và tiêu dùng cuối cùng cao hơn.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế không phải chỉ có tốc độ cao, mà quan trọng hơn là phải gắn với hiệu quả, có nghĩa là dẫn đến tiết kiệm trong nước cao hơn. Tích luỹ trong nước ngang bằng với tổng vốn đầu tư là điều kiện cho chuyển từ nhập siêu sang cân bằng xuất nhập khẩu và xuất siêu, từ đó có thể giảm nợ nước ngoài và kiềm chế lạm phát một cách bền vững.

Tăng trưởng cũng phải gắn với tích luỹ/đầu tư và tiêu dùng cuối cùng. Tỷ lệ tổng tích luỹ và tiêu dùng cuối cùng/GDP cao trong thời kỳ 2007- 2010 đã góp phần làm tăng nhập siêu, nợ nước ngoài, lạm phát cao. Riêng lạm phát cao, do độ trễ của đầu tư và tiêu dùng, còn kéo sang năm 2011.

Tuy nhiên, do tỷ lệ tích luỹ/GDP và tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng/GDP đột ngột giảm nhanh trong năm 2011 và 2012 đã làm tăng trưởng GDP giảm từ 6,78% trong năm 2010 xuống 5,89% trong năm 2011 và dự báo còn 5,2% trong năm 2012. Chính vì vậy, có thể nói mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2013, cao hơn năm 2012 là hợp lý.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng cao hơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tính toán tăng tỷ lệ tích luỹ/tổng tích luỹ và tiêu dùng từ 31,3% lên 31,6%; đồng thời giảm tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng/tổng tích lũy và tiêu dùng từ 68,7% xuống 68,4%; tỷ lệ vốn đầu tư/GDP cao hơn, từ 29,5% lên 30%.

Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giảm 7,6% so với 2012. Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ tiết kiệm trong nước/GDP năm 2013 giảm xuống 29,7% so với 32,5% của năm 2012.

Do quan hệ giữa GDP với tổng tích luỹ và tiêu dùng cuối cùng vẫn còn mất cân đối, có nghĩa vẫn còn nguyên nhân cơ bản làm tăng nhập siêu, nợ nước ngoài và lạm phát nên vẫn phải kiên định, nhất quán với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong năm 2013.

Về lâu dài, giảm tổng cầu là cần thiết nhưng nếu “hãm phanh” đột ngột sẽ gây hiệu ứng phụ là làm suy giảm tăng trưởng kinh tế, tác động xấu đến mục tiêu an sinh xã hội. Tăng trưởng kinh tế không cao lên, GDP không tăng qui mô sẽ lại làm giảm tổng cầu, khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng vừa đình trệ, vừa lạm phát.

Bên cạnh đó, quan hệ tiền – hàng cần được xem xét cẩn trọng. Tổng dư nợ tín dụng hiện cao hơn GDP và tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán hiện đã ở mức 2 chữ số, đồng thời tốc độ tăng dư nợ tín dụng cũng là vấn đề cần quan tâm.

Các tin khác