Cùng doanh nghiệp bàn giải pháp đổi mới sáng tạo trong sản xuất

(ĐTTCO) - Chiều ngày 20-9, tại TPHCM diễn đàn "Cách tân công nghiệp 2022" với chủ đề sản xuất thông minh đã được diễn ra lần đâu tiên với sự góp mặt của hơn 200 doanh nhân, doanh nghiệp, hiệp hội và các chuyên gia để cùng bàn về đổi mới sáng tạo trong sản xuất. 
Cùng doanh nghiệp bàn giải pháp đổi mới sáng tạo trong sản xuất
PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban quản lý khu công nghệ cao TPHCM khẳng định diễn đàn cách tân công nghiệp hướng tới việc xây dựng một sự kiện thường niên, một cuộc gặp gỡ và trao đổi chuyên nghiệp dành cho các nhà hoạt động công nghệ, các công ty công nghệ, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước để bàn về những xu hướng, những giải pháp thúc đẩy cách tân công nghiệp tại Việt Nam. 
Ông Thi cho biết nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ để một nền kinh tế tự chủ, tỉ lệ đóng góp của khu vực công nghiệp phải đạt tối thiểu 30% GDP. Tại Việt Nam, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu phấn đấu nâng tỉ trọng đóng góp của công nghiệp trong GDP vào năm 2030 đạt trên 40%; tỉ trọng lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng lên khoảng 30%. 
Cũng theo ông Thi không chỉ riêng Việt Nam, việc đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ vào sản xuất vẫn là thử thách lớn các doanh nghiệp trên thế giới. 
Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư U&I, cũng cho rằng muốn đưa doanh nghiệp vào mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu cần phải sản xuất thông minh, cách tân công nghiệp. “Chuyển đổi số hay hay xây dựng năng lực số không phải là trào lưu nữa mà là điều buộc phải làm đối với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sản xuất thông minh”, ông Tín chia sẻ.
Thực tế tại Việt Nam cũng đã có những doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất. Công ty CP tập đoàn Trường Hải là một ví dụ. 
Trường Hải đã sớm đầu tư một số nhà máy thông minh ở Thaco Chu Lai (Quảng Nam) mang lại hiệu suất cao. Riêng nhà máy nhíp ô tô (thuộc Thaco Industries) thực hiện đổi mới công nghệ, ứng dụng tự động hóa vào sản xuất, tiến tới xây dựng mô hình nhà máy thông minh đã mang về nhiều kết quả đáng khích lệ như năng suất tại nhà máy này tăng 25-85%, giá thành giảm khoảng 20%. 
Tuy nhiên khi nhìn về số đông các doanh nghiệp trong hành trình ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số thì nhiều diễn giả đồng tình vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó khó khăn về tài chính và yếu về nhân sự là hai yếu tố đang được quan tâm nhất hiện nay. 
Cũng nhìn vào bức tranh chung, bà Trương Lý Hoàng Phi, Chủ tịch và CEO Công ty Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (IBP), việc sử dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất đã được rất nhiều doanh nghiệp áp dụng trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, chỉ một số ít các doanh nghiệp tiên phong biết cách tận dụng lợi thế của nền sản xuất tiên tiến để thúc đẩy hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra nhiều giá trị, mang lại lợi ích thiết thực, bền vững cho khách hàng, người lao động, xã hội và môi trường.

Các tin khác