'Cung' vượt 'cầu' khiến cam sành ở Vĩnh Long rớt giá

(ĐTTCO)-Những ngày qua, nông dân trồng cam trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thất thu vì giá cam sành giảm mạnh, chỉ còn dao động từ 3.000 đến 6.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhà vườn trồng cam lỗ nặng.
Lượng cam sành ở Vĩnh Long còn tồn động rất lớn. (Ảnh: BÁ DŨNG)
Lượng cam sành ở Vĩnh Long còn tồn động rất lớn. (Ảnh: BÁ DŨNG)

Thực tế, so quy hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long phê duyệt thì diện tích trồng cam sành trên địa bàn tỉnh đã vượt hơn 30% diện tích. Hiện, những nhà vườn trồng cam ở Vĩnh Long gặp khó trong tiêu thụ chủ yếu là các hộ mới trồng lần đầu, cây khoảng 2 năm tuổi, đang cho lứa trái đầu tiên...

Giá cam sành giảm sâu

Trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, giá cam dao động từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg nhưng nhiều nhà vườn không bán, “neo” lại chờ giá lên cao khiến quả cam quá lứa (vỏ cam vàng, xồ).

Ông Huỳnh Văn Sang được mệnh danh là “tỷ phú cam sành” ở xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, chia sẻ: “Từ cuối tháng 11, đầu tháng Chạp năm ngoái, giá rớt liên tục, từ 17.000 đồng/kg còn dưới 5.000 đồng/kg; thương lái ít mua, mức tiêu thụ chỉ khoảng 1/10 sản lượng, chúng tôi buộc phải “neo” trái qua Tết. Hiện, cam chín vàng cả cây nhưng thương lái cũng chỉ thu mua cầm chừng”.

Ông Sang cho biết thêm, vườn nhà ông còn khoảng 40-50 tấn cam chín vàng, để tiêu thụ, người nhà chở qua Cần Thơ bán lẻ, mỗi ngày được hơn một tấn.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn cho biết, toàn xã có 2.242ha đất trồng cây ăn trái, trong đó cam sành 1.666ha. Từ năm 2010 trở về trước, cam bán được giá, có khi lên đến 32.000 đến 35.000/kg đã “kích thích” nhiều người trồng cam làm cho diện tích cây trồng này cứ tăng liên tục.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) cam sành Phương Thúy, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn Nguyễn Tấn Phương cho biết, HTX có 65ha cam của 12 thành viên, sản lượng mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 3.500 tấn. Cam của HTX mùa nào cũng được tiêu thụ hết. Các năm trước, mỗi ngày HTX đưa đi tiêu thụ khoảng 50 đến 60 tấn. Tuần trước, HTX thu mua đi tiêu thụ mỗi ngày chỉ vài tấn, mấy ngày nay có nhích hơn đôi chút...

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Ôn, toàn huyện hiện có 9.561,8ha cam sành, chiếm 43,7% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện. Qua thống kê, diện tích trồng cam sành trên đất lúa là 7.661,8ha, chiếm 87,8% diện tích cam sành toàn huyện; trong đó, diện tích có hiệu quả kinh tế là 4.828,4ha, diện tích cam tơ 4.050,6ha và diện tích kém hiệu quả 682,8ha.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Ôn, Nguyễn Văn Tám cho biết, từ đầu năm đến nay, giá thu mua cam sành giảm mạnh và dao động từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg, giảm 12.000 đến 13.000 đồng/kg so cùng kỳ năm 2022, trong khi giá thành sản xuất cam sành hiện nay khoảng 5.000 đến 7.000 đồng/kg. Với mức giá hiện tại, người trồng cam không có lợi nhuận.

Toàn huyện hiện có hơn 45 cơ sở, hợp tác xã thu mua cam sành với sản lượng hơn 300 tấn mỗi ngày, chỉ bằng khoảng 30% so thời điểm trước đây. Ước sản lượng cam sành của huyện thu hoạch từ nay đến hết tháng 3/2023 khoảng 60.000 tấn...

Nông dân thu hoạch cam đã chín mọng. (Ảnh: BÁ DŨNG)

“Cung” vượt “cầu”

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Ôn Nguyễn Văn Tám cho biết thêm, diện tích cam sành của huyện Trà Ôn tăng nhanh trong giai đoạn 2018-2022 do người dân tự phát chuyển đổi trồng trên đất lúa.

Trong 5 năm, diện tích cam sành tăng hơn 5.659ha, từ 3.902,5ha ở năm 2018 lên 9.561,8ha ở năm 2022. Các xã có diện tích trồng cam nhiều của huyện, gồm: Thuận Thới, Hựu Thành, Thới Hòa, Trà Côn, Hòa Bình, Nhơn Bình... Với năng suất bình quân khoảng 70 tấn/ha/năm, sản lượng cam sành năm 2022 của huyện ước đạt 340.000 tấn, giá trị sản xuất (tính theo giá cố định năm 2010) hơn 5.392 tỷ đồng, chiếm 70% giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của địa phương.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, cây cam sành là một trong những loại cây ăn trái có tốc độ phát triển nhiều nhất trong thời gian qua do liên tục trong nhiều năm giá cam sành trên thị trường ổn định ở mức khá cao (trung bình hơn 10.000 đồng/kg). Cùng với đó, nhà vườn áp dụng kỹ thuật canh tác mới có thể nâng năng suất cam sành lên từ 70 đến 100 tấn/ha (7 đến 10 tấn/công).

Với năng suất cao cộng với giá bán tốt nên người trồng cam sành thu lợi nhuận cao, bình quân 300 đến 500 triệu đồng/ha/năm. Đó chính là nguyên nhân làm cho nhiều người đổ xô trồng cam và thuê thêm đất, kể cả đất trồng lúa, để trồng cam sành, đẩy giá thuê đất tăng lên từ 7 đến 9 triệu đồng/công/năm.

Hiện, toàn tỉnh Vĩnh Long có hơn 17.000ha cam sành, tăng gần 3.000ha so năm 2020. Cam sành được trồng nhiều nhất tại huyện Trà Ôn (gần 10.000ha), huyện Tam Bình (hơn 3.300ha), huyện Vũng Liêm (hơn 2.800ha).

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm cho biết, trong sản xuất nông nghiệp nói chung và đối với cây cam sành nói riêng, ngành nông nghiệp luôn quan tâm tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, khuyến cáo đầy đủ hằng năm cho nông dân thông qua các cuộc tập huấn, hội thảo, thông báo giá cả hàng hóa nông sản... Nhưng, có lẽ do lợi nhuận trước mắt thu được từ việc trồng cam sành trong thời gian qua là khá cao nên nhiều bà con đã “chạy theo” cây trồng này.

Thực tế, để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân luôn chọn cây có hiệu quả kinh tế cao trong thời điểm trước mắt. Cam sành là loại cây dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất nên được nông dân trồng nhiều.

Mặt khác, cam sành là loại quả chỉ tiêu thụ nội địa và còn phải cạnh tranh với nhiều loại cam nhập khẩu từ các nước. Cam sành hiện chỉ phù hợp để dùng tươi, khó đưa vào chế biến công nghiệp nên cũng hạn chế về tiêu thụ. Với việc nông dân chuyển đổi ồ ạt một cách tự phát như thời gian qua khiến sản lượng cam sành dư thừa, hệ lụy là bị rớt giá gây thua lỗ cho người sản xuất.

“Thời gian qua, cây cam sành giúp tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác và phần lớn diện tích chuyển đổi thực hiện đúng theo mục tiêu chuyển đổi tạm thời (không chuyển đổi mục đích sử dụng). Tuy nhiên, so quy hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long phê duyệt thì đã vượt hơn 30% diện tích. Một số vùng không thích nghi với cam sành như: Long Hồ, Mang Thít, Bình Minh hiện vẫn có nông dân thuê đất để trồng cam làm cho quan hệ cung-cầu cam sành càng chênh lệch lớn hơn...”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm cho biết thêm.

Thực tế, đòi hỏi chính quyền các cấp và ngành chức năng ở Vĩnh Long cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trước mắt là đối với cây cam sành...

Các tin khác