Tháng 10-2011, trong bối cảnh nhiều nước châu Âu khốn đốn vì nợ công, báo chí Đức gây chú ý khi kêu gọi Hy Lạp “bán các hòn đảo để trả nợ”. Liệu một nước bị vỡ nợ có thể lâm vào tình cảnh bị xiết nợ tương tự cá nhân hoặc doanh nghiệp bị vỡ nợ?
Trong lịch sử, các nước giàu có như Anh, Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây từng phát động các cuộc chiến tranh chống lại những nước khác với lý do đòi nợ.
Cuộc chiến Anh-Ai Cập (1882)
Ngày 11-7-1882, tàu chiến của Anh nã đại bác vào Alexandria của Ai Cập, mở màn một cuộc chiến mà nhiều nhà sử học cho rằng là cuộc chiến đòi nợ. Theo nhà nghiên cứu A.G. Hopkins, Anh phát động cuộc chiến này với Ai Cập vì khi đó Chính phủ của Thủ tướng William Ewart Gladstone muốn bảo vệ quyền lợi của các trái chủ người Anh đã đầu tư vào Ai Cập và lôi kéo sự ủng hộ của cử tri trong nước.
Hopkins nói đầu tư của Anh vào Ai Cập tăng rất mạnh do chính quyền Ai Cập đang cần tiền xây dựng kênh đào Suez.
Hai nhà nghiên cứu John Galbraith và Afaf Lutfi al-Sayyid-Marsot cũng có nhận định tương tự về nguyên nhân của cuộc chiến, nhưng chú trọng hơn đến vai trò của các cá nhân trong việc vận động để đưa phương án gây chiến tranh lên bàn nghị sự của Chính phủ Anh.
Theo sau cuộc chiến này, Anh đã cai trị Ai Cập suốt 40 năm, cho đến khi đạt được Hiệp ước Anh-Ai Cập năm 1922. Hopkins cho rằng Anh tiếp tục chiếm giữ Ai Cập sau năm 1882 là để bảo vệ các khoản đầu tư của người Anh tại đó.
“Anh có những quyền lợi quan trọng phải bảo vệ ở Ai Cập và chỉ rút lui khi các điều kiện bảo đảm cho các quyền lợi đó được đáp ứng” - Hopkins nói. Trong thời gian Anh chiếm giữ Ai Cập, đầu tư tại đó tăng mạnh, giá trái phiếu cũng tăng.
Chiến tranh Mexico (1861)
Ngày 17-7-1861, Tổng thống Mexico Benito Juarez quyết định ngưng trả lãi suất đối với các khoản vay nước ngoài. Động thái này ngay lập tức “chọc giận” các nước chủ nợ chính như Tây Ban Nha, Pháp và Anh. Vua Pháp Napoleon III kêu gọi các nước chủ nợ khác phải can thiệp để “lấy lại công bằng”.
Ông thiết lập một liên minh với Tây Ban Nha và Anh. 3 nước ký Hiệp ước London vào ngày 31-10-1861, theo đó các bên tham gia sẽ tiến hành “mọi biện pháp cần thiết” để buộc Mexico phải trả nợ. Ngày 8-12 năm đó, các tàu chiến và binh lính Tây Ban Nha từ Cuba (lúc đó dưới sự kiểm soát của Tây Ban Nha) xâm nhập Veracruz, cảng chính của Mexico.
Liên minh Anh, Pháp, Tây Ban Nha cùng đóng quân ở cảng Veracruz trong thời gian vài tháng để gây sức ép buộc Mexico phải trả nợ. Tuy nhiên, khi Anh và Tây Ban Nha phát hiện Pháp không chỉ muốn đòi nợ, mà định xâm lăng Mexico, họ đã rút lui. Cuộc xâm lăng của người Pháp đã dẫn đến việc ra đời Đế chế Mexico thứ 2.
Khủng hoảng Venezuela (1902)
Theo sau việc Tổng thống Venezuela Cipriano Castro từ chối trả nợ nước ngoài và các tổn thất của người châu Âu trong cuộc nội chiến của nước này, liên minh Anh, Đức, Italia dùng tàu chiến phong tỏa các cảng biển của Venezuela trong thời gian từ tháng 12-1902 đến tháng 2-1903.
Lực lượng hải quân yếu ớt của Venezuela lúc đó nhanh chóng bị vô hiệu hóa, nhiều tàu chiến Venezuela bị liên quân bắt giữ. Tuy nhiên, Tổng thống Castro vẫn không chấp nhận các điều kiện trả nợ và bồi thường do các nước châu Âu đưa ra. Thay vào đó, ông đòi phải có một trọng tài quốc tế để phân xử.
Lực lượng liên quân phản ứng mạnh trước thái độ của Castro, bằng việc bắn chìm 2 tàu Venezuela và dội bom vào bờ biển. Trước những diễn biến này, Hoa Kỳ bắt đầu can thiệp, gây sức ép để liên minh Anh, Đức, Italia phải ngồi vào bàn đàm phán.
Đến ngày 13-2-1903, các bên đạt được thỏa thuận, theo đó Anh, Đức, Italia dỡ bỏ phong tỏa các vùng biển của Venezuela. Đổi lại, Venezuela phải dỡ bỏ 30% thuế hải quan đối với các hàng hóa của liên quân.
Thỏa thuận này khiến Hoa Kỳ lo ngại sẽ có những hành vi can thiệp tương tự từ châu Âu, nên Tổng thống Theodore Roosevelt đã lên tiếng khẳng định quyền can thiệp của Hoa Kỳ để “ổn định” tình hình kinh tế của các nước nhỏ ở Caribebean và Trung Mỹ nếu các nước này không thể trả các khoản nợ quốc tế.
Hoa Kỳ xâm chiếm Haiti (1915)
Cuộc xâm lăng của Hoa Kỳ vào Haiti năm 1915 là điển hình đòi nợ bằng chiến tranh. |
Năm 1915 Hoa Kỳ phát động chiến tranh để đòi nợ Haiti. Trong nhiều thập niên trước đó, Chính phủ Haiti vay nợ rất nhiều từ các ngân hàng Hoa Kỳ và Pháp, nhưng khả năng trả nợ của họ ngày càng xa vời.
Trong khi đó, từ năm 1911-1915, một loạt vụ ám sát và lưu đày khiến Haiti thay tổng thống tới 6 lần. Hàng loạt cuộc đảo chính diễn ra, mà lực lượng chủ yếu là các tay cướp đến từ những ngọn núi ở phía Bắc, dọc theo biên giới với Dominica. Những cuộc đảo chính liên tục tại Haiti dẫn đến việc gia tăng quyền lực cho Rosalvo Bobo, một nhân vật chống đối Hoa Kỳ.
Nhà Trắng lo ngại dưới sự lãnh đạo của Rosalvo Bobo, Haiti sẽ không trả nợ cho Hoa Kỳ và việc mở cửa cho đầu tư Hoa Kỳ là điều hầu như không thể. Trước tính hình đó, được sự ủng hộ của liên minh các nhà đầu tư, Chính phủ Hoa Kỳ quyết định tấn công Haiti.
Ngày 28-7-1915, Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson phái 330 tàu chiến đến xâm nhập cảng Port-au-Prince, với mệnh lệnh “bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ và người ngoại quốc”. Trong vòng 6 tuần, Hoa Kỳ chiếm quyền kiểm soát các cơ quan thuế, các định chế quan trọng như ngân hàng và ngân khố quốc gia.
Dưới sự thao túng của Hoa Kỳ, 40% thu nhập quốc gia của Haiti lúc đó bị dùng để “trả nợ” cho các ngân hàng Hoa Kỳ và Pháp. Trong 19 năm sau đó, các cơ quan chính phủ của Haiti vẫn bị kiểm soát bởi người Hoa Kỳ, dưới mác “cố vấn”.
-----------
Kỳ 2: Vụ xiết nợ kinh điển thời hiện đại