Cuộc chiến tranh dầu mỏ được khởi động từ năm 2014 là một phần trong sự phức tạp của cuộc chiến tranh tiền tệ lần thứ 3 (diễn ra từ năm 2010 đến nay). Đây là một cuộc chiến giữa các quốc gia dầu mỏ có đồng nội tệ mạnh nhằm âm mưu lật đổ lẫn nhau, không đơn thuần chỉ phá giá tiền tệ để tạo lợi thế xuất khẩu dầu mỏ.
17 tháng trôi qua kể từ khi cuộc chiến dầu mỏ bùng nổ vào tháng 6-2014, giá dầu giảm hơn 60%, đã khiến các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ điêu đứng. Từ Nga, Hoa Kỳ đến khối OPEC đều bị thiệt hại lớn. Không chỉ vậy, những nước nhập khẩu dầu cũng không tránh khỏi vòng xoáy suy thoái vì giá dầu giảm. Hệ quả này dự báo sẽ còn gây tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới trong năm 2016.
Các ông lớn dầu mỏ dính đòn
Nga, quốc gia có gần 50% nguồn thu ngân sách, 30% GDP và 60% kim ngạch xuất khẩu từ dầu mỏ và khí đốt, đã điêu đứng vì giá dầu thấp. Đồng rúp của Nga đã sụt giảm hơn 50% trong suốt gần 2 năm qua, lạm phát tăng cao buộc Nga phải tăng lãi suất lên 17%/năm vào cuối năm 2014 (và giảm còn 11% ở thời điểm hiện tại), dẫn đến suy thoái kinh tế. Theo Morgan Stanley, GDP của Nga ước tính giảm 4,2% trong năm 2015. Thâm hụt ngân sách của Nga trong năm 2015 ước khoảng 3% GDP, là mức thấp, nhưng thực ra do quốc gia này đang dùng quỹ dự trữ quốc gia để đối phó với việc sụt giảm nguồn thu từ dầu. Vào tháng 10 vừa qua, Bộ Tài chính Nga đã chi 40 tỷ USD trong quỹ này để bù nguồn thu từ dầu sụt giảm. Dự báo nếu năm 2016, giá dầu ở mức thấp dưới 50USD/thùng và tỷ giá không thay đổi, toàn bộ quỹ dự trữ của Nga sẽ hết sạch. Tương tự, một quốc gia có nền kinh tế dựa vào dầu mỏ khác là Venezuela rơi vào siêu lạm phát hơn 700% khi đồng nội tệ mất giá hơn 7 lần.
Trong khi đó, việc giá dầu sụt giảm lại mang đến cho Hoa Kỳ một số lợi ích trước mắt. Sự thua thiệt trong ngành dầu ảnh hưởng không lớn đến tăng trưởng của Hoa Kỳ khi nó chỉ đóng góp 6-7% trong GDP. Nhưng giá dầu thấp mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, vốn đóng góp tới 68% GDP. Thực tế, GDP dự báo năm 2015 cho Hoa Kỳ khoảng 2,5%, cao hơn so với 2,4% trong năm 2014. Bởi lẽ, thâm hụt thương mại bởi dầu chiếm khoảng 40-45% trong tổng thâm hụt thương mại Hoa Kỳ, nên giá dầu hạ đã làm giảm thâm hụt thương mại. Đây là khoản lợi lớn đối với Hoa Kỳ. Tính ròng, thâm hụt thương mại bình quân của Hoa Kỳ năm 2015 khoảng dưới 50 tỷ USD/tháng, thấp hơn so với mức bình quân hơn 60 tỷ USD/tháng trong năm 2014. Xu hướng thâm hụt thương mại đang có chiều hướng giảm dần. Theo đó, thâm hụt thương mại tháng 9 là 40,8 tỷ USD (công bố đầu tháng 11), thấp nhất 7 tháng do sụt giảm của giá dầu. Khi thâm hụt thương mại giảm sẽ giảm sức ép lên thâm hụt ngân sách và nợ công của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, do đồng USD tăng giá, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc tính đến tháng 9-2015 lại tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Giá dầu giảm khiến các quốc gia trong khối OPEC mất hơn 370 tỷ USD doanh thu dầu mỏ tính tới thời điểm cuối tháng 10-2015. Trong đó, Saudi Arabia, một quốc gia được cho cùng với Hoa Kỳ khởi động cuộc chiến dầu mỏ, mất gần 100 tỷ USD. Dự báo mức thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia trong năm nay sẽ lên tới 20% GDP, tức tăng trưởng của Saudi Arabia năm 2015 sẽ giảm khoảng 3,5%.
Đòn phản kích của Nga-Trung
Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, Hoa Kỳ không phải là kẻ thắng cuộc trong cuộc chiến dầu mỏ-tiền tệ. Theo Reuters, 10 công ty sản xuất gas và dầu thô độc lập lớn nhất Hoa Kỳ đã công bố lỗ tổng cộng 15 tỷ USD trong quý II-2015, so với mức lợi nhuận gần 3,5 tỷ USD trong năm trước. Số lượng các giàn khoan khai thác dầu đã sụt giảm từ mức đỉnh 1.600 giàn xuống còn 775 giàn vào tháng 10-2015. Điều đáng nói, chi tiêu vốn của các công ty dầu Hoa Kỳ đang sụt giảm nên tổng ngân sách cho ngành dầu khí đã sụt giảm mạnh, từ mức 194 tỷ USD năm 2014 xuống còn 125 tỷ USD năm 2015. Dự báo năm 2016 sẽ cắt giảm tiếp 15% xuống còn khoảng 106 tỷ USD. Điều này chắc hẳn sẽ ảnh hưởng đến việc gia tăng sản lượng khai thác dầu, đặc biệt dầu đá phiến của Hoa Kỳ trong dài hạn.
Điều đáng nói, Hoa Kỳ đang chật vật trước đòn phản kích của Nga và Trung Quốc. Theo đó, 2 nước này đã bán tháo trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ nhằm đáp trả cuộc chiến dầu mỏ (với Nga) và tiền tệ (với Trung Quốc). Cùng với Brazil và Đài Loan, trong tháng 7-2015 Nga và Trung Quốc đã bán tháo trái phiếu Hoa Kỳ, khiến doanh số mua trái phiếu ròng của nước ngoài đối với trái phiếu Hoa Kỳ âm 123 tỷ USD, mức sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1978. Việc Nga và Trung Quốc bán tháo trái phiếu Hoa Kỳ không phải là hành động mang tính phòng vệ mà là chiến lược lâu dài trong việc hạ bệ sự thống trị của đồng USD, nâng cao vị thế đồng rúp và NDT. Ước tính, Trung Quốc đã giảm hơn 400 tỷ USD trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ trong năm nay. Chính điều này khiến quỹ dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sụt giảm từ mức 4.000 tỷ USD vào giữa năm 2014 xuống dưới 3.600 tỷ USD ở thời điểm hiện tại. Đồng thời Trung Quốc tăng cường nắm giữ các tài sản bằng đồng EUR, thậm chí bằng đô la Australia. Trong khi Nga hỗ trợ đồng rúp khỏi bị mất giá sâu hơn bằng cách bán trái phiếu Hoa Kỳ để đổi sang rúp. Ước tính Nga đã giảm hơn 40% lượng trái phiếu Hoa Kỳ từ tháng 6-2014 đến tháng 6-2015 xuống còn 66 tỷ USD.
Giá dầu giảm hơn 60% đã khiến các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ điêu đứng. |
Nga và Trung Quốc còn tăng cường giao dịch thương mại bằng đồng NDT và rúp. Đặc biệt, trong bối cảnh Nga bị cấm vận bởi phương Tây và quay sang bán dầu cho Trung Quốc. Thị phần dầu mỏ của Nga tại Trung Quốc đang tăng lên trong khi thị phần của Saudi Arabia sụt giảm, vì vậy Trung Quốc đang đàm phán với Nga về việc bán dầu bằng đồng rúp. Trước mắt Nga-Trung thiết lập các hoán đổi tiền tệ trị giá 25 tỷ USD vào tháng 10, đồng thời đầu năm 2016 đưa ra hợp đồng tương lai giữa NDT và rúp. Điểm đáng sợ nhất là Nga và Trung Quốc bán tháo trái phiếu Hoa Kỳ đã châm ngòi cho việc thanh khoản ngày càng yếu đi trên thị trường trái phiếu Hoa Kỳ. Ông vua trái phiếu Bill Gross, đã cảnh báo thanh khoản thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới đang sụt giảm sau khi nước ngoài bán ròng. Sự khó khăn về thanh khoản trên thị trường trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ đã kéo theo sụt giảm thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp nước này. Theo khảo sát của Goldman Sachs, lần đầu tiên tồn kho trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 10 năm nay của các ngân hàng đầu tư lớn (nhà tạo lập thị trường) đã giảm xuống dưới 0, là dấu hiệu cho thấy các nhà kinh doanh trái phiếu đang giảm bớt sự tham gia vào thị trường.
-------------------------
Kỳ 2: Đua giành thị phần