Cuộc 'đua nước rút' cho mục tiêu tăng trưởng 2023

(ĐTTCO) - TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất thuận, thời gian của năm 2023 còn lại không nhiều, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% là điều khó khăn.
Đẩy mạnh xuất khẩu những tháng cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng 2023.
Đẩy mạnh xuất khẩu những tháng cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng 2023.

Vì thế, duy trì mức tăng trưởng hơn 5% có thể xem là thành công. Song để đạt được điều này cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp có tính “nước rút”.

PHÓNG VIÊN: - Ông nhận xét thế nào về triển vọng tăng trưởng kinh tế quý IV và mục tiêu tăng trưởng chung cho cả năm 2023?

TS. NGUYỄN BÍCH LÂM: - Kết quả tăng trưởng 9 tháng năm 2023 đạt 4,24%, nên để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% đã được Quốc hội thông qua đòi hỏi tăng trưởng của quý IV phải đạt 12,4%. Điều này là không thể trong bối cảnh hiện nay của kinh tế thế giới và kinh tế trong nước với chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Mới đây, Bộ KH-ĐT đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng.

Kịch bản 1, nếu GDP cả năm 2023 đạt khoảng 5%, GDP quý IV phải đạt khoảng 7%. Kịch bản 2, nếu GDP cả năm đạt khoảng 5,5%, GDP quý IV phải đạt khoảng 8,8%. Kịch bản 3, nếu GDP cả năm đạt khoảng 6%, GDP quý IV phải đạt khoảng 10,6%.

Trong 3 kịch bản trên, mức tăng trưởng như thế nào là phù hợp cho năm nay? Nhìn vào bên cung của nền kinh tế, với ngành công nghiệp chế biến chế tạo lâu nay là động lực tăng trưởng chính, có sự phục hồi nhưng rất mong manh. Trong 9 tháng chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tồn kho bình quân toàn ngành ở mức 85,3%, cao hơn 8,9% so với cùng kỳ 2022. Điều này thể hiện thị trường đầu ra trong nước hấp thụ kém hàng hóa sản xuất của nền kinh tế.

Trong 9 tháng, chỉ tháng 2 và tháng 8 có chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tương ứng đạt 51,2 và 50,5 điểm, các tháng còn lại đều dưới ngưỡng 50 điểm. Sau 5 tháng chỉ số PMI dưới ngưỡng 50 điểm, đến tháng 8 đạt 50,5 điểm, sang tháng 9 lại giảm xuống 49,7 điểm. Điều này phản ánh sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động mua hàng và việc làm giảm, sự hồi phục rất yếu, không bền vững của ngành chế biến chế tạo.

Về xuất khẩu, trong 3 tháng cuối năm 2023, xuất khẩu chưa có nhiều điểm sáng để cả năm có tổng kim ngạch xuất khẩu bằng tổng kim ngạch xuất khẩu của năm trước, tiêu dùng cuối cùng trong nước chưa có tín hiệu tích cực.

Vì vậy, GDP năm nay đạt 5% hay 5,5% đều có thể xem là thành công. Bởi lẽ nếu năm 2023 kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 5% cũng đã gấp 2,1 lần, nếu đạt khoảng 5,5% sẽ gấp 2,3 lần mức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, cùng với lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu, giữ vững ổn định vĩ mô. Song, với thực tế tình hình kinh tế trong nước và thế giới, để đạt được tăng trưởng 5% của cả năm 2023 không dễ dàng.

Trong những tháng còn lại của năm nay, tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính là kích cầu tiêu dùng nội địa, kích cầu đầu tư và kích cầu xuất khẩu.

- Vậy trong thời gian tới cần làm gì để đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao nhất có thể, thưa ông?

- Thời gian của năm 2023 không còn nhiều, Chính phủ cần khẩn trương thực hiện hiệu quả giải pháp kích cầu, tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào sự phục hồi nhanh và tiềm năng của nền kinh tế.

Theo tôi, trong những tháng còn lại của năm nay, nên tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính là kích cầu tiêu dùng nội địa, kích cầu đầu tư và kích cầu xuất khẩu. Trước mắt, hỗ trợ người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua, tăng cường các đợt khuyến mại, giảm giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Song song đó giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và tăng cho vay tiêu dùng; đồng thời giãn, khoanh nợ và tăng hỗ trợ an sinh xã hội.

Giảm giá hàng tiêu dùng có tác động rất lớn tới tâm lý chi tiêu, thúc đẩy tiêu dùng cuối cùng, tăng tổng cầu tiêu dùng của nền kinh tế. Khu vực dịch vụ đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng có chỉ số giá sản xuất dịch vụ 9 tháng tăng 7,34% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số dịch vụ vận tải tăng 19,34%, đặc biệt chỉ số giá dịch vụ vận tải đường hàng không tăng tới 99,79% so với cùng kỳ năm trước, khiến một bộ phận khách du lịch trong nước chuyển từ du lịch nội địa sang du lịch quốc tế với giá vé máy bay rẻ hơn, làm gia tăng nhập khẩu dịch vụ và giảm tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, chỉ số dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 5,97%. Vì vậy, các doanh nghiệp và đơn vị kinh doanh dịch vụ cần cơ cấu lại chi phí để giảm giá các loại dịch vụ, không tăng giá vào mùa cao điểm. Thực tế cho thấy tiêu dùng nội địa còn yếu, phục hồi chậm do hậu quả của đại dịch Covid-19, nên đòi hỏi có giải pháp, chương trình hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đồng thời thúc đẩy du lịch nội địa để gia tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước.

Cùng với kích cầu tiêu dùng, Chính phủ đẩy mạnh thực hiện giải pháp kích cầu đầu tư nhằm nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trọng tâm là tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, kho cảng, hạ tầng các khu công nghiệp. Chính phủ cần ưu tiên kích cầu đầu tư vào các dự án sắp hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, dự án có triển vọng thị trường.

Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Do đó, người đứng đầu các bộ, ngành phải trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên, xử lý nghiêm các vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công…

Về giải pháp kích cầu xuất khẩu, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm vực lại ngành sản xuất hướng tới xuất khẩu, đảm bảo giữ được những bạn hàng lớn, đồng thời tăng cơ hội tiếp thị các sản phẩm mới; đưa sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản đến với toàn cầu.

Cùng với các giải pháp kích cầu, Chính phủ khẩn trương tháo gỡ khó khăn bên cung của nền kinh tế. Cụ thể, thực thi chính sách tín dụng phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh và nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực; xác định các ngành, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế, doanh nghiệp đã khẳng định thương hiệu, để có gói tín dụng ưu đãi, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác