Cụ thể, lũy kế từ khi thành lập đến ngày 17-5-2022, quỹ đã giải ngân cho 5.594 đối tượng có thu nhập thấp vay tiền để tạo lập nhà ở, với tổng số tiền 2.842 tỉ đồng.
Từ khi thành lập đến cuối năm 2021, tổng vốn điều lệ ngân sách cấp là hơn 1.600 tỉ đồng, số vốn điều lệ ngân sách cấp đã được quỹ sử dụng vào các mặt hoạt động là hơn 1.749 tỉ đồng. Như vậy, đến cuối năm 2021, vốn điều lệ ngân sách cấp cho Quỹ phát triển nhà ở TP còn thiếu là hơn 143 tỉ đồng.
Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn, hiện quỹ này có 2 dự án nhà ở xã hội triển khai. Trong đó, dự án nhà ở xã hội tại số 35 Hồ Học Lãm, quận Bình Tân được triển khai năm 2011 gồm 6 block chung cư cao 15 tầng, với 718 căn hộ. Tổng mức đầu tư 608 tỉ đồng. Đến cuối năm 2019 dự án hoàn thành. Tuy nhiên đến nay, những người mua nhà tại dự án vẫn chưa được cấp sổ đỏ, xảy ra tình trạng khiếu nại, kiện cáo gây mất trật tự trên địa bàn.
Ông Phát cho biết, do nguồn quỹ hạn chế, nên cơ quan này chưa kiến nghị với UBND TP chấp thuận tổ chức lại hoạt động cho vay với các dự án nhà ở và các hoạt động khác hỗ trợ người có thu nhập thấp có điều kiện xây dựng, sửa chữa nhà. Bên cạnh đó, cũng chưa thể triển khai dự án nhà ở xã hội trên khu đất hơn 9.800m2 tại phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức.
Tại buổi giám sát, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM Bùi Văn Sổn cho biết, tổng doanh số của chương trình cho vay nhà ở xã hội đạt hơn 146 tỉ đồng, với 305 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó cho vay xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đạt hơn 28 tỉ đồng, với 55 khách hàng; cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội đạt hơn 117 tỉ đồng, với 250 khách hàng.
Theo ông Sổn, hiện nay có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình triển khai cho vay của chương trình nhà ở xã hội tại ngân hàng. Trong đó mức vay lãi để xây mới, sửa chữa nhà ở tối đa 500 triệu đồng gây nhiều khó khăn khi tâm lý người dân thế chấp quyền sử dụng đất để mong muốn vay vốn cao hơn, nên nhiều người thường vay các ngân hàng thương mại.
Về vấn đề này, trưởng đoàn giám sát Văn Thị Bạch Tuyết cũng nêu quan điểm rằng, mức vay 900 triệu đồng của quỹ, cán bộ công chức, viên chức đã thấy khó khăn khi mua nhà, đối tượng người lao động chỉ được vay mức 500 triệu đồng thì càng khó hơn.
"Hiện nay 1 căn nhà ở TP cũng hơn 1 tỉ đồng, với mức vay thấp rất khó để người dân có thể tìm nguồn bù vào khoản đó", bà Tuyết chia sẻ.
Qua báo cáo từ các đơn vị cho thấy nhu cầu được có nhà ở của người có thu nhập thấp, cán bộ công chức rất nhiều, nhưng thực tế đặt ra nguồn cung cho nhóm đối tượng này có nhiều hạn chế. Số lượng nhà ở xã hội được đưa ra thị trường không nhiều so với nhu cầu thực tế.