Cùng với đó, nhiều ý kiến cho rằng cần có biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc giám sát các tổ chức tín dụng để hạn chế tình trạng sở hữu chéo, thao túng, sân sau các tổ chức tín dụng.
Tổ Đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận góp ý dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng chiều 5-6. Ảnh: QUANG PHÚC |
Đại biểu Dương Ngọc Hải (TPHCM) đồng tình, việc sửa đổi luật lần này góp phần đưa các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, lành mạnh, đảm bảo cung cấp nguồn vốn cho thị trường; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, cũng như trong quản lý, điều hành.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm một số hành vi nghiêm cấm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng như môi giới trái phiếu doanh nghiệp không đúng quy định pháp luật; hành vi lôi kéo, ép buộc khách hàng phải mua sản phẩm bảo hiểm khi được vay vốn…
Đại biểu Nguyễn Minh Đức góp ý tại tổ. Ảnh: QUANG PHÚC |
Đề cập đến lãi suất cho vay của ngân hàng còn rất cao, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói rằng việc này khiến các doanh nghiệp rất bức xúc. Đại biểu đồng tình với việc phải có quy định cụ thể các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng liên quan đến quản trị, điều hành hệ thống nhằm hạn chế tình trạng thao túng các tổ chức tín dụng, sở hữu chéo...
Cùng với đó, đại biểu đề cập đến việc cần quy định can thiệp sớm của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng yếu kém.
Đại biểu Dương Ngọc Hải đề nghị bổ sung thêm một số hành vi nghiêm cấm. Ảnh: QUANG PHÚC |
Theo đại biểu Dương Ngọc Hải, hiện dự thảo chỉ mới đề cập đến các biện pháp từ bên ngoài như hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, còn biện pháp nội tại từ bên trong các tổ chức tín dụng chưa được đề cập đến. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các giải pháp, biện pháp đối với các tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt. Trong đó có biện pháp xử lý các tổ chức tín dụng để xảy ra tình trạng bị rút tiền hàng loạt...
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Lê Minh Trí cho rằng, cần chú trọng đến các biện pháp phòng ngừa sai phạm xảy ra tại các tổ chức tín dụng.
Cùng với đó, đại biểu nhìn nhận sự bùng nổ các ngân hàng thương mại cổ phần, tình trạng sở hữu chéo diễn ra phức tạp dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh. Vì vậy yêu cầu đặt ra trong quản lý, kiểm soát thế nào để các tổ chức tín dụng ổn định, cạnh tranh lành mạnh, phục vụ cho sự phát triển kinh tế.
Đại biểu Lê Minh Trí nhấn mạnh đến các giải pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa. Ảnh: QUANG PHÚC |
Đồng tình với việc thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với những ngân hàng cho vay nội bộ, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh cần có quy định gắn trách nhiệm đối với đội ngũ thực hiện công việc thanh tra, kiểm tra; tăng cường giám sát từ xa bằng các số liệu chuẩn hóa, tỷ lệ thanh toán, dòng tiền, nợ xấu…
Theo đại biểu, không thể để xảy ra tình trạng khi đến thanh tra, kiểm tra kết luận ngân hàng hoạt động ổn, tốt hết nhưng sau đó ngân hàng rơi vào tình trạng yếu kém, thậm chí là "chết" luôn.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị trong việc mở tài khoản ngân hàng cần phải làm chặt chẽ hơn. Ảnh: QUANG PHÚC |
Trước ý kiến này, đại biểu Lê Minh Trí cho rằng, thời gian tới cần tính đến lộ trình giảm số lượng ngân hàng thương mại cổ phần nếu số lượng ngân hàng nhiều mà không đóng góp nhiều cho sự phát triển của kinh tế.
Hiện nay, ngân hàng huy động vốn, tiền của người dân nhưng lại lấy tiền đó cho doanh nghiệp trong hệ sinh thái của mình vay. Theo đại biểu, khi thanh tra, kiểm tra phát hiện ra việc sở hữu chéo, cho vay phục vụ trong hệ sinh thái là những doanh nghiệp thuộc ngân hàng mình hoặc phục vụ cho vay đối với doanh nghiệp của ông chủ ngân hàng đó.
Việc làm này là trái với việc đảm bảo tính đại chúng của các tổ chức tín dụng, không phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy đại biểu đề nghị phải rà soát, bổ sung sửa đổi các quy định để ngăn ngừa sở hữu chéo, thao túng các tổ chức tín dụng...
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa góp ý tại tổ thảo luận. Ảnh: QUANG PHÚC |
Đối với quy định bán nợ xấu, đại biểu Dương Ngọc Hải cho rằng quy định giá bán nợ xấu phù hợp với giá thị trường là rất khó áp dụng trong thực tế bởi giá thị trường khó xác định và chưa phổ biến, trong khi trên thực tế có nhiều trường hợp vi phạm liên quan đến định giá theo thị trường.
Về quy định thẩm quyền điều tra của Ngân hàng Nhà nước đối với các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, đại biểu Dương Ngọc Hải không đồng tình với quy định này.
Đại biểu cho rằng trước nay thẩm quyền điều tra các vi phạm, vụ án liên quan đến lĩnh vực này đã có quy định trong các luật khác và đây điều là những cơ quan điều tra có chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn. Trong khi, các vụ án xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng rất phức tạp do vậy giao cho Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền điều tra là không ổn.
Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến đề nghị bổ sung quy định để tổ chức tài chính vi mô được mở tài khoản thanh toán cho khách hàng. Ảnh: QUANG PHÚC |
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết lưu ý thêm, cần rà soát với các luật khác để dự thảo luật lần này được thông qua, ban hành đảm bảo mức độ tương thích, đồng bộ với các luật khác.
Đại biểu Trần Kim Yến cho rằng cần thiết bổ sung thêm quy định để tổ chức tài chính vi mô được mở tài khoản thanh toán cho khách hàng nếu đáp ứng đủ điều kiện của ngân hàng Nhà nước. Đồng thời đề nghị bổ sung thêm, tổ chức tài chính vi mô được cung ứng các dịch vụ phục vụ cộng đồng nhằm cải thiện điều kiện an sinh xã hội cho người dân, khách hàng.