Xu hướng trên toàn cầu
Theo thống kê gần đây của Công ty Square (cung cấp dịch vụ thanh toán trên thế giới), tỷ lệ các người bán hàng không dùng tiền mặt tăng hơn gấp đôi ở Mỹ, Australia, Canada, Vương quốc Anh và gần gấp đôi ở Nhật Bản. Khảo sát của Frost & Sullivan cho thấy, 53% người tiêu dùng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn so với trước Covid-19.
Đặc biệt, 54% người tiêu dùng ở Thái Lan, 57% người tiêu dùng ở Singapore và 68% người tiêu dùng ở Malaysia mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn so với thời kỳ trước Covid-19.
Cùng với sự gia tăng của các nền tảng thương mại điện tử, việc sử dụng các dịch vụ thanh toán số được dự báo sẽ ngày càng tăng. Khảo sát của PWC cho thấy các hình thức thanh toán không tiền mặt như: thanh toán trực tuyến bằng thẻ, ví điện tử, chuyển tiền số, thanh toán qua cổng thanh toán sẽ tăng trưởng mạnh trong tương tai. Còn các hình thức thanh toán tiếp xúc như tại POS hoặc các giao dịch qua ATM giảm mạnh.
Cùng với đó là sự phát triển của các hạ tầng hỗ trợ thanh toán không tiền mặt như UPI, IMPS, BBPS. Ngoài ra, trong lĩnh vực thanh toán cũng đã xuất hiện loại hình thanh toán mới như dịch vụ “mua ngay, trả sau” (BNPL). BNPL thường được quảng cáo là "không lãi suất", các dịch vụ BNPL cho phép người dùng thực hiện thanh toán theo các đợt định kỳ theo lịch trình. Tại Singapore, khoảng 1,1 triệu người, tương đương 38% tổng dân số, đã sử dụng dịch vụ BNPL.
Cùng với sự phát triển của TTKDTM trong hoạt động thương mại, chính phủ các nước cũng đã thúc đẩy sử dụng hoạt động thanh toán không tiền mặt trong việc giải ngân hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp qua các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán số.
Chẳng hạn Chính phủ Malaysia hỗ trợ người dân qua ứng dụng MySejahtera (ứng dụng di động của chính phủ) và các nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử chính của Malaysia, Boost, GrabPay và Touch ‘N Go. Indonesia chi trả hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử của Bank Negara Indonesia (BNI) (thí dụ: GoPay, OVO và LinkAja).
Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ trong xu hướng trên. Khảo sát của Visa vào tháng 4-2021, cho thấy các hình thức thanh toán không tiền mặt như QR code tăng 56%, ví điện tử tăng 51%, thanh toán thẻ trực tuyến tăng 45%, thanh toán không tiếp xúc bằng thẻ tăng 48% và thanh toán không tiếp xúc bằng di động tăng 50%. Ngoài ra, hình thức thanh toán mới là BNPL cũng đã xuất hiện tại Việt Nam trong 2 năm trở lại đây.
Nhu cầu thời hậu Covid
Có thể thấy đại dịch Covid đã thúc đẩy nhu cầu số hóa hoạt động thanh toán, phát triển thanh toán số cũng để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số trong tương lai. Trong thời kỳ hậu Covid, các hình thức thanh toán như tiền số và ví điện tử, thanh toán qua các thiết bị đeo tay, không tiếp xúc và quét mã QR tiếp tục là các công nghệ thanh toán mới nổi vì người tiêu dùng đã cảm thấy thoải mái và có nhiều hiểu biết về các công nghệ thanh toán này.
Trong tương lai, các stablecoin (nhất là các stablecoin có giá trị và có mức độ biến động giá rất thấp) trở thành một phương tiện thanh toán sẽ gia tăng, đặc biệt là các stablecoin có tiềm năng được chấp nhận rộng rãi trên phạm vi toàn cầu và trở thành phương tiện thanh toán thuận tiện cho thương mại điện tử (đặc biệt là khi được tích hợp vào các nền tảng trực tuyến) và thanh toán ngang hàng và thanh toán vi mô (micropayment).
Tuy nhiên, sự phát triển của các hình thức thanh toán số cũng đặt ra các thách thức. Nếu tiền mặt không được chấp nhận làm phương tiện thanh toán, điều này có thể tạo ra "khoảng cách thanh toán" giữa những người có thể tiếp cận dịch vụ thanh toán số và những người không thể tiếp cận được. Như vậy có thể tác động tiêu cực đến người tiêu dùng lớn tuổi và không có tài khoản ngân hàng.
Chẳng hạn, một báo cáo của BIS vào năm 2020, cho thấy tại London đã ghi nhận những khó khăn trong việc thanh toán bằng tiền mặt và điều này gây khó khăn cho 1,3 triệu người tiêu dùng không tiếp cận dịch vụ ngân hàng ở Vương quốc Anh. Trong khi đó, ở nhiều thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, các chính phủ có khuynh hướng khuyến khích sử dụng hình thức thanh toán số.
Vì thế, đây là điểm cần lưu ý trong quá trình phát triển thanh toán số ở các quốc gia và tiền mặt có thể vẫn đóng một vai trò quan trọng nhất định.
Cùng với sự đa dạng các hình thức thanh toán số, là sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán phi ngân hàng (NBPSP), đặc biệt là các công ty công nghệ tài chính và các big tech. Sự tham gia của các tổ chức này ngoài việc thúc đẩy tài chính toàn diện, còn gia tăng cạnh tranh và hiệu quả trên thị trường thanh toán.
Tuy nhiên, điều này đi kèm với những rủi ro tiềm ẩn về bảo vệ người tiêu dùng, khả năng phục hồi hoạt động và hạ tầng mạng, bảo vệ nguồn tiền của khách hàng khi sử dụng dịch vụ thanh toán, bảo vệ dữ liệu, vấn đề về tiếp cận dịch vụ của người dùng (loại trừ kỹ thuật số) và mức độ tập trung thị trường.
Đối với các big tech, hiện tại các doanh nghiệp này đã chiếm được một thị phần đáng kể trong thanh toán số ở một số quốc gia. Các big tech hiện đang phải tuân thủ các yêu cầu tương tự như các yêu cầu của các bên tham gia thị trường khác khi cung cấp các dịch vụ tài chính (bao gồm cả thanh toán).
Tuy nhiên, khi các big tech tham gia vào các thỏa thuận stablecoin toàn cầu thì các quốc gia sẽ cần xem xét các tác động tiềm ẩn này theo như khuyến cáo của BIS.
Ngoài sự phát triển của các loại hình thanh toán số do khu vực tư nhân cung cấp, các quốc gia cũng sẽ thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi tiền giấy của mình sang các loại tiền số. Theo một báo cáo do Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) công bố vào tháng 1-2021, khảo sát được thực hiện với các ngân hàng trung ương của 65 quốc gia và khu vực trên thế giới, cho thấy 86% ngân hàng trung ương đang tích cực tìm hiểu về tiền số của ngân hàng trung ương (CBDC).
6 trong số 10 ngân hàng trung ương đang thực hiện thử nghiệm, trong khi 14% đang trong quá trình phát triển và sắp xếp thực hiện thí điểm. Trong đó, Trung Quốc hiện đang là quốc gia dẫn đầu trong việc phát triển CBDC.
Như vậy dự báo trong tương lai, thanh toán bán lẻ sẽ lần đầu tiên chuyển sang sử dụng tiền số (hiện tại chỉ sử dụng cho các khoản chuyển khoản giá trị cao). Nếu điều này trở thành hiện thực, các ngân hàng sẽ cần phải xem xét lại cơ sở hạ tầng thanh toán hiện tại của mình để đảm bảo rằng họ có đủ năng lực cần thiết để triển khai các phương thức thanh toán CBDC.