
Hàng rào bảo hộ thương mại
Thuế đối ứng (reciprocal tariff) có thể hiểu là một loại thuế nhập khẩu do một quốc gia áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ một quốc gia khác để đáp trả hoặc cân bằng lại chính sách thuế, trợ cấp hoặc các biện pháp thương mại không công bằng từ một quốc gia khác.
Về bản chất, đây là một biện pháp phòng vệ thương mại do chính phủ hoặc cơ quan có thẩm quyền áp dụng để bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ bên ngoài. Biện pháp này nhằm điều chỉnh cán cân thương mại, đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp trong nước và duy trì sự ổn định của nền kinh tế.
Thuế đối ứng, suy cho cùng chính là một “hàng rào” bảo hộ thương mại. Thủ tướng Australia Anthony Albanese, đã giải thích rõ về điều này chỉ bằng một câu đơn giản theo quy luật trong kinh tế: “Tổng thống Trump nhắc đến thuế đối ứng. Nếu thực sự có đi có lại thì mức thuế đúng phải là 0%, chứ không phải 10%”.
Ông cũng cho biết, Mỹ và Australia có hiệp định tự do thương mại, Mỹ đang xuất siêu sang Australia tỷ lệ 2:1. Do vậy, ông gọi quyết định của Mỹ là “hoàn toàn vô lý” và khẳng định Australia “sẽ không tham gia vào cuộc đua xuống đáy dẫn đến giá cả tăng cao và tăng trưởng chậm lại”.
Trở lại câu chuyện Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Theo cách diễn giải của Tổng thống Mỹ Donald Trump thì việc Mỹ áp thuế 46% là do Việt Nam đã “tính thuế” lên đến 90% đối với hàng hóa Mỹ. Nhưng thực chất, đây là mức chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu.
Theo cách diễn giải này của Mỹ thì đơn cử mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ và thu về 100 tỷ USD, nhưng chỉ nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ về Việt Nam với trị giá 10 tỷ USD, thì con số chênh lệch 90 tỷ USD bị coi là “không công bằng”.
Cân bằng thương mại bằng cách nào?
Thực tế, không có chuyện Việt Nam áp thuế 90% đối với hàng hóa Mỹ. Bởi theo các hiệp định thương mại đã ký kết, mức thuế suất mà Việt Nam áp với hàng hóa
Mỹ rất thấp. Đơn cử, đối với nhóm nông sản, 30% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ và mức thuế Việt Nam đang áp dụng rất thấp, như: bông (0%), đậu nành (2%), thịt gà (10%), táo (5%), cherry (5%). Đối với nhóm hàng hóa công nghiệp và nhiên liệu thì khí hóa lỏng (5%); ethane, chip bán dẫn, máy móc công nghiệp (0-5%); ô tô (32%), xe máy (10%).
Rõ ràng, con số 90% mà Trump đưa ra không phải là thuế suất mà Việt Nam áp lên hàng Mỹ, mà là một cách diễn giải khác.
Sau khi Mỹ chính thức công bố áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường nước này, một số ý kiến đã đề cập đến giải pháp Việt Nam cần cân bằng thương mại với Mỹ bằng cách tăng mua hàng hóa Mỹ. Thoạt đầu, giải pháp này dường như hợp lý, song trên thực tế, đây lại là giải pháp khó khả thi nhất.
Bởi Việt Nam không thể cân bằng thương mại với Mỹ theo nguyên tắc “đối ứng”. Thực tế, xét về bản chất, về quy mô, về cấu trúc của hai nền kinh tế là khác nhau. Quy mô của nền kinh tế và thị trường Mỹ lớn gấp nhiều lần quy mô kinh tế và thị trường Việt Nam.
Thêm vào đó, cấu trúc và thiết chế vận hành cũng khác, khi kinh tế Mỹ chủ yếu dựa chủ yếu vào tiêu dùng nội địa và vay nợ, còn kinh tế Việt Nam dựa vào xuất khẩu, sản xuất nhiều hơn tiêu dùng.
Đơn cử, năm 2024, tổng giá trị thương mại song phương Việt Nam - Mỹ đạt khoảng 136,6 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất siêu hơn 100 tỷ USD, và để cân bằng thương mại theo nguyên tắc “đối ứng công bằng” như Tổng thống Donald Trump nói, thì mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ với giá trị tương ứng là hơn 100 tỷ USD.
Nhìn vào quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện tại, ai cũng hiểu rằng dù Việt Nam có giảm thuế xuống 0% cho hàng hóa Mỹ, thì cán cân thương mại song phương Việt - Mỹ vẫn không thể cân bằng, Mỹ vẫn phải nhập siêu từ Việt Nam.
Thỏa thuận hai bên cùng có lợi
Không lâu sau khi Mỹ công bố áp thuế đối ứng lên hàng hóa Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) đã đưa ra thông báo về quan điểm của mình cũng như những tác động đa chiều ảnh hưởng tới tổng thể quan hệ thương mại giữa hai nước.
AmCham cho rằng Việt Nam không nên lựa chọn giải pháp “trả đũa” thương mại, thay vào đó là nên chọn giải pháp tối ưu hơn. AmCham cho biết quan điểm của mình là cần thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam trên cơ sở chính sách kinh tế và thương mại tự do, công bằng, nhằm đảm bảo tính ổn định và dự đoán trước trong môi trường kinh doanh.
Do đó, Amcham đề xuất Hoa Kỳ hoãn áp thuế đối ứng với Việt Nam, để hai bên có cơ hội đàm phán, thỏa thuận.
Trong cuộc họp báo thường kỳ quý I-2025, đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng Việt Nam cần nghiên cứu kỹ xem “dụng ý” đằng sau của việc Mỹ áp thuế cao đối với Việt Nam là gì, bởi ở đây không chỉ đơn thuần là câu chuyện về thuế.
Về phía Chính phủ, cũng dường như ngay lập tức sau khi Mỹ công bố về chính sách thuế, Chính phủ đã tổ chức họp khẩn, bàn bạc và đề nghị Hoa Kỳ tạm hoãn áp thuế để đàm phán, đồng thời cử đại diện Chính phủ sang Mỹ để thực hiện quá trình đàm phán.
Đặc biệt, tối 4-4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm trực tiếp với Tổng thống Donald Trump về quan hệ Việt - Mỹ. Tại cuộc điện đàm, Tổng Bí thư khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ.
Đồng thời, đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam; tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Mỹ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Mỹ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.
Đáp lại, Tổng thống Donald Trump cũng nhất trí với những đề xuất trên của lãnh đạo Việt Nam.
Khi Tổng thống Donald Trump nói “cân bằng thương mại”, nhưng đó lại hàm ý những diễn giải khác. Đó có thể là Mỹ đang dần nhận ra rằng họ không thể vận hành nền kinh tế dựa quá nhiều vào tiêu dùng. Do đó, chính sách thuế sẽ là công cụ để Mỹ thay đổi thói quen tiêu dùng nội địa, xa hơn là tái cấu trúc nền kinh tế.