Dặm trường nông sản Việt vào châu Âu

(ĐTTCO) - Trung tuần tháng 7, 24 tấn gạo ST25 của Việt Nam lần đầu cập cảng Antwerpen (Bỉ). Đã có khách hàng ở Bỉ, Đức, Pháp muốn chia sẻ những tấn gạo đầu tiên do Công ty Vinamex nhập, nhen nhóm hy vọng cho kiều bào nông sản quê nhà có mặt trong siêu thị châu Âu.

Trước đây, khi vào mùa vụ muốn ăn thanh long, vải thiều, nhãn, mít, chanh dây... người Việt ở Bỉ thường phải sang Czech, Ba Lan hoặc Đức, Pháp săn lùng. Tháng 5-2019 tôi còn lặn lội đến chợ Sapa ở Czech xách tay mấy cân vải thiều (10EUR/kg) thuộc hàng quý hiếm mang về Bỉ làm quà. Ăn phải đếm từng quả vì đắt, hiếm.
Đôi khi thèm quá phải ăn tạm vải, chanh dây, thanh long, mít của nước khác. Cảm giác đắt đỏ và không thể ngon bằng hoa trái xứ mình. Rồi bỗng có ngày được tham gia giải cứu nông sản Việt ngay tại Bỉ.
Ấy là khi Covid-19 ập đến. Không du lịch được, cũng không về thăm thân được, nhu cầu gửi hàng hóa quà cáp đặc sản qua lại càng cao. Giao thương đình trệ nhưng khi nhu cầu tăng đến mức cần thiết, ắt có cung. Trên Facebook cá nhân và các mạng xã hội của cộng đồng người Việt ở Bỉ bắt đầu xuất hiện cụm từ “giải cứu nông sản Việt, mời đặt mua trái cây”.
Dặm trường nông sản Việt vào châu Âu ảnh 1 Minh Liên và những tấn vải thiều đầu tiên nhập vào Bỉ.
Quá trình vải thiều Việt được hái từ vườn chuẩn Global Gap (đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc) đến các cửa hàng, siêu thị ở Bỉ mất khoảng 5 ngày, bảo quản nhiệt độ 2-8°C ở tất cả công đoạn từ lưu kho cho đến vận chuyển. Mừng là kiều bào lẫn người bản xứ hưởng ứng nhiệt tình. Được ăn trái vải mọng ngọt nước cũng tạm thỏa nỗi nhớ quê, dù giá còn hơi cao 15-16EUR/kg.
Minh Liên, lập Công ty Vinamex từ năm 2012 nhưng phải đến 2021 mới lần đầu nhập trái cây vào Bỉ, chia sẻ: “Tôi nghĩ thông điệp giải cứu nông sản Việt chỉ là tạm thời, chứ nông sản của nước mình, đặc biệt vải thiều và nhãn rất chất lượng. Chỉ cần chúng ta làm các quy trình chuẩn hóa hơn, theo quy chuẩn châu Âu, về lâu dài chất lượng sẽ giúp các nông sản này vươn xa không cần giải cứu. Sau khi nhập hơn 2 tấn vải thiều, tôi thấy nhu cầu vẫn còn lớn. Nhưng mùa vụ đã hết và chúng ta chưa có kỹ thuật bảo quản lâu hơn nên tạm dừng để thu thập tiếp kinh nghiệm cho năm sau”. 
Dặm trường nông sản Việt vào châu Âu ảnh 2 Khách hàng Việt ở Brussels đến mua nông sản Việt.
Xuất thân từ gia đình làm nghề xuất khẩu nông sản lâu năm, thời còn ở trong nước, Minh Liên đã xuất khẩu khoai mì (sắn lát), đậu xanh và hạt điều nhân, nên rất tâm huyết và nhiều kinh nghiệm. Nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Đầu tiên, phải tìm hiểu thói quen người tiêu dùng, rồi các chuẩn của châu Âu cũng như cách vận hành hệ thống kế toán, hành chính của Bỉ.
Các hệ thống siêu thị ở Bỉ  thường không muốn ký hợp đồng trực tiếp với nhà sản xuất hay nhà xuất khẩu ở Việt Nam, chỉ muốn lấy hàng nông sản thông qua kênh phân phối ở nước sở tại. Vinamex hướng tới sẽ là nhà phân phối chính thức các loại nông sản, trái cây của Việt Nam cho siêu thị Bỉ và các thị trường lân cận.
Hiện nông sản của ta chất lượng tốt nhưng khả năng bảo quản còn yếu kém, chi phí vận chuyển cao khiến giá thành đội lên, mất tính cạnh tranh. Đây là điều cần phải đầu tư thêm nhằm tối ưu hóa các khâu để sản phẩm có chi phí thấp nhất.
Lâu nay, Việt Nam vẫn là một trong những nước đứng đầu về xuất khẩu gạo, nhưng người Việt ở Bỉ và nhiều nước châu Âu thường lựa chọn gạo Thái, Ấn Độ hoặc Campuchia. Rất hiếm gạo Việt, nếu có cũng hay bị phàn nàn về chất lượng không ổn định, giá thành khá cao so với gạo Campuchia, Thái Lan. Trái cây Việt đã tìm được đường vào, cũng đến lúc gạo cập cảng. Bên cạnh tin vui container gạo Việt đầu tiên sắp vào Bỉ, Minh Liên vẫn phải thận trọng từng bước.
“Trước đây, gạo Campuchia được miễn thuế nhập khẩu vào Bỉ, còn gạo Việt vẫn chịu mức thuế 174EUR/tấn nên bị mất tính cạnh tranh. Ngay việc đóng gói bao bì 10kg và 18kg, tôi thấy cũng chưa phù hợp để giới thiệu vào siêu thị. Chắc phải đợi container đợt sau, các bao chỉ 3-5kg sẽ dễ tiêu thụ hơn. Hơn nữa, để đưa ra thị trường bán lẻ ở Bỉ, bao bì cần ít nhất 2 ngôn ngữ tiếng Pháp và Hà Lan, đầy đủ hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng và số lô để truy xuất nguồn gốc” - Minh Liên góp ý. 

Các tin khác