Hướng tới kỷ niệm 220 năm ngày mất của Hoàng đế Quang Trung (1792-2012), thể hiện lòng tôn kính và ghi nhớ công lao to lớn của nghĩa quân Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa, chiến thắng thù trong giặc ngoài, UBND tỉnh Bình Định đã triển khai dự án xây dựng Đàn Tế trời tại núi Ấn, thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn.
Ấn sơn là ngọn núi thấp bao bọc chung quanh bởi các dãy núi cao trùng điệp - chỉ phía Đông là không có núi che chắn, tương truyền là nơi linh khí tụ hội, là vùng đất thiêng.
Trước khi khởi binh, phất cờ khởi nghĩa, 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã lên núi Ấn tế trời đất, xin được trao ấn, kiếm lệnh để dấy binh.
Theo huyền thuyết, trước cảnh nước mất nhà tan và tấm lòng thành của 3 anh em họ Nguyễn đã được đất trời phù độ, trao cho kiếm lệnh và được ban ấn vàng mặt khắc 4 chữ “Sơn - Hà - Xã - Tắc” cho thủ lĩnh Tây Sơn.
Trước lễ giỗ Vua Quang Trung 1 ngày (29-7-2012 theo âm lịch), ngày 13-9-2012, UBND tỉnh Bình Định đã làm lễ dâng hương và chính thức đưa vào hoạt động dự án Đàn Tế trời (giai đoạn 1).
Công trình Đàn Tế trời có diện tích 46ha, gồm các hạng mục khu đàn tế, khu đền ấn, tháp báo thiên, sân luyện võ, hồ bán nguyệt, sân cổng đón khách... với số vốn đầu tư cả trăm tỷ đồng trích từ ngân sách tỉnh và nguồn vốn kêu gọi các doanh nghiệp, nhân dân đóng góp.
Dấu ấn của Đàn Tế trời là điểm đặt đàn tế - trên đỉnh núi Ấn, từ đây khách thập phương có thể nhìn bao quát phong cảnh tứ phương giữa đất trời lồng lộng. Đàn tế có 2 tầng, gồm tầng nền hình vuông bên dưới và hình tròn bên trên, tượng trưng cho trời và đất.
Đàn Tế trời cùng Bảo tàng Quang Trung tại huyện Tây Sơn, Bình Định đã trở thành một quần thể di tích lịch sử - truyền thống dân tộc hoàn chỉnh, tôn vinh tầm vóc “Tây Sơn Tam kiệt” trong lịch sử Việt Nam và Vua Quang Trung - vị hoàng đế bách chiến bách thắng, quét sạch cả thù trong giặc ngoài, cứu dân tộc khỏi họa xâm lăng, thống nhất đất nước.
Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ còn gọi là Bắc Bình Vương, là vị hoàng đế thứ 2 của Nhà Tây Sơn (lên ngôi từ năm 1788-1792 sau Hoàng đế Nguyễn Nhạc), là nhà chính trị tài giỏi, nhà quân sự xuất sắc trong lịch sử Việt Nam với những chiến công dẹp loạn trong nước, chống ngoại xâm chưa thất bại lần nào, được mệnh danh là người “Anh hùng áo vải”.
Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn vào thế kỷ 18 đã chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài giữa 2 tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn, lật đổ nhà hậu Lê. Nguyễn Huệ còn là người đánh bại các cuộc xâm lược của Xiêm La từ phía Nam, của Đại Thanh (Trung Quốc) ở phía Bắc.
Những chiến thắng vang dội của nhà Tây Sơn đều gắn với tên tuổi Nguyễn Huệ, như đánh Gia Định thành bắt 2 Chúa Nguyễn (1777); chiến thắng 5 vạn quân Xiêm ở Rạch Gầm, Xoài Mút (1785); hạ thành Phú Xuân (1786); tiến đánh Thăng Long (1786); thắng 30 vạn quân nhà Thanh trận Ngọc Hồi, Đống Đa (1789).
Gras de Préville, thuyền trưởng tàu Pandour của Pháp ở Gia Định năm 1787, đã viết về Nguyễn Huệ: “Tây Sơn rất mạnh, quân đội Nguyễn Huệ nếu không thiện chiến cũng rất đông. Nguyễn Huệ có voi để kéo pháo, có rất nhiều thuyền chiến, chiến hạm để chở quân đội. Nguyễn Huệ có nghị lực và tài năng...”.
Tài cầm quân Nguyễn Huệ với kế hoạch thần tốc Bắc tiến, đại phá quân Thanh mãi mãi là trang vàng trong lịch sử dân tộc. Ngày 25-11 năm Mậu Thân (22-12-1788) Nguyễn Huệ xuất quân tiến ra Bắc Hà đối đầu với 30 vạn quân Thanh chiếm đóng Thăng Long với danh nghĩa “phù Lê” do Lê Chiêu Thống cầu viện.
Ngày 26 tháng chạp, đại quân Hoàng đế Quang Trung tới Nghệ An củng cố lực lượng, tổ chức lễ duyệt binh, khích lệ tinh thần tướng sĩ quyết thắng trước quân xâm lược Mãn Thanh. Trước khi tiến quân Bắc Hà, Quang Trung đã đọc “Chiếu xuất quân” lưu danh lịch sử, thể hiện khí tiết của một người con nước Việt:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để răng đen
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.
Theo sử sách, đêm 30 tháng chạp quân Tây Sơn đánh diệt đồn Gián Khẩu của các tướng Lê Chiêu Thống, sau đó diệt các đồn Nguyệt Quyết, Nhật Tảo, dụ hàng đồn Hạ Hồi. Quân Thanh lo sợ, lâm vào thế bị động.
Sau đó cánh quân của Đô đốc Long bất ngờ tập kích đồn Khương Thượng khiến quân Thanh không kịp trở tay, hàng vạn binh sĩ bỏ mạng. Chủ tướng Sầm Nghi Đống tự vẫn, xác quân Thanh chết được xếp thành 13 gò đống lớn, nay là di tích gò Đống Đa.
Sáng mồng 5 Tết, Quang Trung mới tấn công vào đồn Ngọc Hồi, quân Thanh bị động thua chết hàng vạn, phần lớn các tướng bị giết. Tôn Sĩ Nghị nghe tin Nguyễn Huệ tiến đánh vào Thăng Long, đã cuống cuồng sợ hãi bỏ chạy trước.
Trên đường tháo chạy, Tôn Sĩ Nghị bị 2 cánh quân của Tây Sơn chặn đánh tơi tả. Lê Chiêu Thống tất tả chạy theo Sĩ Nghị thoát sang bên kia biên giới, quân Tây Sơn vẫn đuổi theo và rao báo sẽ đuổi bắt cho bằng được Nghị và Thống mới thôi.
Vì thế dân Trung Quốc vùng biên cũng dắt nhau tháo chạy, làm cho suốt chặng đường vài chục dặm phía Trung Quốc không còn bóng người. Kết cuộc, sớm hơn dự kiến 1 ngày, chỉ trong 6 ngày quân Tây Sơn đã đánh tan quân Thanh, trưa mồng 5 Tết Quang Trung đã tiến vào thành Thăng Long. Nhà thơ đương thời Ngô Ngọc Du đã ghi lại hào khí tưng bừng ngày chiến thắng:
Một trận rồng lửa giặc tan tành
Bỏ thành cướp đó trốn cho nhanh
Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến
Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh
Mây tạnh mù tan trời lại sáng
Đầy thành già trẻ mặt như hoa
Chen vai khoác cánh cùng nhau nói:
“Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta”.
Không chỉ là một viên tướng thiện chiến, Quang Trung còn là một nhà cai trị tài ba, xuất sắc. Legrand de la Liraye trong “Bút ký về lịch sử dân tộc An Nam” đã viết: “Ông không chỉ cầm quân mà còn là nhà cai trị rất giỏi. Đồn binh vững vàng khắp đường sông, cửa biển; kỷ luật nghiêm minh, lại rất nhân từ với nhân dân...”.
Khí tiết Nguyễn Huệ không chỉ thể hiện trong thời chiến, mà còn trong thời bình, trong công cuộc xây dựng đất nước. “Chiếu cầu hiền” của Quang Trung đến nay vẫn còn lay động lòng người, còn mãi giá trị vượt thời gian: “Trẫm thức ngủ mong mỏi mà người tài cao học rộng chưa từng thấy đến.
Hay trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng? Hay đang thời đổ nát chưa thể ra phụng sự?... Trẫm nơm nớp lo nghĩ, một ngày hai ngày cũng có hàng vạn sự việc nảy sinh. Ngẫm cho kỹ: Cái nhà to lớn - sức một cây không dễ gì chống đỡ. Sự nghiệp thái bình - sức một người không thể đảm đương”.
Sau 20 năm chinh chiến và trị quốc, Nguyễn Huệ lâm bệnh và đột ngột qua đời ở tuổi 40. Sau đó nhà Tây Sơn suy yếu nhanh chóng, những người kế thừa Nguyễn Huệ rơi vào mâu thuẫn nội bộ, triều chính xào xáo, không còn thế vững vàng cai trị đất nước.
Nguyễn Ánh nhân thời cơ đó kéo quân đánh bại, lật đổ nhà Tây Sơn. Và chỉ 10 năm sau Quang Trung qua đời, nhà Tây Sơn sụp đổ hoàn toàn.
Nhà Nguyễn lên ngôi, dù tìm mọi cách để bôi nhọ, xóa bỏ các chứng tích oanh liệt liên quan đến Nguyễn Huệ nhưng ông vẫn được muôn dân tôn vinh là người anh hùng dân tộc.
Là một nhà chiến lược quân sự tài ba, Nguyễn Huệ có cách đánh sáng tạo, đã phát huy tinh thần quật khởi, thế mạnh lòng dân, yếu không sợ mạnh, ít địch nhiều, đã đánh bại đội hùng binh nước lớn, thống nhất giang sơn; là một trong những vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử nước nhà.
Cuộc đời và đức độ Nguyễn Huệ vẫn luôn tỏa sáng, cho ta thêm niềm tin về sự trường tồn của dân tộc trong bất cứ hoàn cảnh khắc nghiệt nào, về truyền thống oanh liệt chống ngoại xâm, một nhân cách lớn cần suy ngẫm...
Đường lên Đàn Tế trời trên đỉnh núi Ấn. |
Tượng Hoàng đế Nguyễn Huệ tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định). |
Cây me cổ thụ 300 năm của gia đình anh em nhà Tây Sơn. |
Đàn tế trên đỉnh núi Ấn. |
Tháp Bảo Thiên - một hạng mục công trình của Đàn Tế trời. |
Binh khí Nghĩa quân tại Bảo tàng Tây Sơn. |
Khách thập phương múc nước giếng gia đình nhà Tây Sơn. |
Điện thờ 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. |