Đang thừa tiền, vì sao nhà băng vẫn muốn hút vốn?

(ĐTTCO) - Gần 2 tháng qua, thị trường tài chính có một hiện tượng lạ. Đó là các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động, một biểu hiện của nền kinh tế được vực dậy khi có người vay vốn dù là sản xuất hay đầu tư, tức đầu ra của dòng tiền đã có.

dfaa
dfaa

Nhưng thực tế dòng vốn ra nền kinh tế vẫn “rất yếu”. Vậy NH tăng lãi suất huy động vốn để làm gì? Thực tế “lạ nhưng không lạ” nằm ở bên trong các NH thuộc diện kiểm soát đặc biệt (KSĐB).

Hiện nay Việt Nam có 5 NH thuộc diện KSĐB gồm: NH Đại Dương, NH Xây dựng, NH Dầu Khí, NH Đông Á và mới nhất vào tháng 10-2022 là SCB. Và nguyên tắc khi NH bị đưa vào diện này, tức làm ăn thua lỗ, mất khả năng chi trả, vốn điều lệ âm, buộc NHNN phải cứu trợ thông qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp để không phá sản.

Trực tiếp là cho NH thuộc diện này vay vốn để tạm thời hoạt động và thanh toán tiền gửi cho người gửi tiền; gián tiếp là cho vay thông qua 4 NH có vốn nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV) để điều hành hoạt động các NH thuộc diện KSĐB.

Với 4 NH “đời cũ” dư nợ trực tiếp hoặc gián tiếp khoảng vài chục ngàn tỷ đồng, nhưng với SCB mới là vấn đề. Tại thời điểm SCB bị đưa vào diện KSĐB, báo cáo tài chính có tổng tài sản hơn 760.000 tỷ đồng, trong đó tiền gửi gần 600.000 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa thông qua hình thức nào đi chăng nữa, NHNN phải bơm ra ngần ấy số tiền để tạm thời cứu trợ SCB trong khoảng thời gian nhất định.

Bởi lẽ khi một NH gặp sự cố, đương nhiên người gửi sẽ tranh thủ rút tiền, cho dù NHNN có bảo lãnh không mất đi chăng nữa. Và thời đại công nghệ 4.0, đa phần người gửi không phải xếp hàng “rồng rắn” chờ rút tiền, họ có thể rút và chuyển sang NH khác gửi lại bằng chuyển khoản. Số khác có thể thấy lãi suất tiền gửi thấp tranh thủ rút ra đầu cơ vàng, ngoại tệ, bất động sản…

Đây là một trong những nguyên nhân đầu tiên làm cho lượng tiền đang thừa càng thừa thêm (và đây cũng là lý do một tờ báo nước ngoài cho rằng NHNN Việt Nam đã bơm ra một lượng tiền tương đương 24 tỷ USD). Về phía NHTM, khi nhận thấy thời điểm giá vàng và tỷ giá đang nóng, cũng tranh thủ tăng lãi suất tiền gửi để hút vốn, một mặt giữ thanh khoản khi cần, mặt khác có nguồn vốn đầu cơ vàng và ngoại tệ. Và đây cũng có thể lý giải cho thời gian vừa qua nhiều NHTM tăng lãi suất huy động dù không cho vay được.

Có lẽ NHNN cũng nhìn thấy tiền gửi của các NHTM tăng lên, và đầu ra thường là tín dụng không tăng trưởng, dễ dẫn đến đầu cơ tỷ giá. Thí dụ thay vì giữ VNĐ, NH mua USD để nắm giữ khi USD nhích lên bán ra kiếm được chênh lệch ngay. Trước áp lực đó NHNN làm 2 việc.

Thứ nhất, khi nhận thấy lượng tiền trong hệ thống dư thừa, buộc NHNN phát hành tín phiếu với lãi suất hơn tiền gửi để hút về. Nhưng tín phiếu cũng chỉ có 28 ngày phải nhả ra, có nghĩa không thể hút triệt để lượng tiền này trong các NH, khi không triệt để thì tỷ giá vẫn gây áp lực (tính từ đầu năm 2024 đến nay tỷ giá tăng 5%). Thứ hai, NHNN xuất dự trữ ngoại hối bán ra USD để hút VNĐ về.

Nhưng để giữ dự trữ ngoại hối không mất nhiều, hiện nay việc bán USD nhỏ giọt. Tới đây, NHNN dùng thêm nhiều công cụ khác nữa chứ không chỉ có tín phiếu hoặc xuất dự trữ ngoại hối, có thể là tiền gửi NHNN có lãi suất cao hơn… Nói nôm na “giảm lãi suất sẽ bung tỷ giá”, tăng lãi suất để các NHTM giảm đầu cơ tỷ giá, và cả người dân không găm giữ ngoại tệ mà gửi tiết kiệm.

Bài toán để bình ổn thị trường tài chính, thời gian tới cần giải quyết lượng tiền dư thừa trong dân một cách căn bản, đó là khơi thông dòng vốn tín dụng và dứt điểm tái cấu trúc các NH trong diện KSĐB để NHNN rút tiền cho vay trực tiếp hoặc gián tiếp về.

Có thể thấy, biến động thị trường tài chính thời gian qua, trước tiên phải nhìn nhận sự không may khi gặp “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Đầu tiên từ ngoại lai do Fed không giảm lãi suất như dự kiến hồi năm 2023, rồi giá vàng bùng phát do địa chính trị. Kế đến từ nội tại do SCB gặp sự cố, kéo theo tỷ giá biến động, rồi giá vàng cũng được các doanh nghiệp thao túng gây biến động khôn lường.

Các tin khác