Diễn biến cuộc đảo chính
Sự kiện vừa qua đánh dấu lần thứ 2 quân đội Myanmar nắm quyền lãnh đạo đất nước kể từ năm 1988. Phát ngôn viên của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), Myo Nyut cho biết cố vấn nhà nước bà Aung San Suu Kyi và tổng thống Win Myint đều đang bị bắt giữ vào rạng sáng thứ 2.
Theo thông tin từ truyền thông địa phương, các nhà lập pháp của đảng NLD cũng đều bị giam giữ cùng với những nhân vật phản đối quân đội Myanmar trước đây. Hệ thống điện đài, đường dây viễn thông và Internet đều bị gián đoạn, chỉ riêng nhà mạng viễn thông quân đội Mytel được phép hoạt động.
Phó tổng thống Myanmar, tướng Myint Swe đã đại diện chính phủ Myanmar, đã chuyển giao quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp cho Tổng tư lệnh quân đội, thượng tướng Min Aung Hlaing. Sau cuộc đảo chính, quân đội Myanmar tuyên bố họ đang nắm quyền kiểm soát quốc gia theo Mục 417 của Hiến pháp Myanmar, để điều tra các cáo buộc gian lận tại cuộc bầu cử ngày 8/11 của đất nước. Cuộc bầu cử đã chứng kiến một chiến thắng vang dội cho bà Aung San Suu Kyi và NLD, giành được số ghế đáng kinh ngạc trong Quốc hội, lên đến 83%. Trong khi đảng Liên minh và Phát triển (USDP) do quân đội hậu thuẫn chỉ giành được 6,9% số ghế trong Quốc hội.
Quân đội Myanmar (Tatmadaw) và USDP ngay sau đó đã tuyên bố có gian lận trong cuộc bầu cử và đưa ra tuyên bố đã xác định được 8,6 triệu trường hợp gian lận cá nhân, dù cả Tatmadaw và USDP đều không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.
Cuộc đảo chính quân sự này được xem là đỉnh điểm căng thẳng của cuộc đấu tranh âm ỉ giữa phe quân sự và dân sự tại chính trường Myanmar. Chiến thắng lớn vang dội của NLD tại Quốc hội vào tháng 11 vừa qua càng xoáy sâu vào sự chia rẽ giữa 2 phe và cũng như một lời đe dọa đối với lực lượng quân sự Myanmar rằng Hiến pháp năm 2008 do họ soạn thảo, điều mà đảm bảo cho họ kiểm soát ba bộ phận quyền lực nhất trong chính phủ, sẽ không còn khả năng bảo vệ họ. Hơn thế nữa, Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing dự kiến sẽ nghỉ hưu vào tháng 6 và cuộc đảo chính này được xem là những nỗ lực cuối cùng để thực hiện tham vọng chính trị cuối cùng của ông trước khi “gác kiếm”.
Thử thách đầu tiên cho tổng thống Biden
Thượng Nghị sĩ Bob Mendez, Chủ tịch sắp tới của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt đối với Myanmar và các nhân vật quân sự chủ chốt nếu họ không trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và các chính khách quan trọng khác.
Trước khi bắt đầu quá trình chuyển đổi dân chủ cách đây một thập kỷ, Myanmar là một quốc gia chịu nhiều sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Quân đội nắm quyền lãnh đạo Myanmar trong nhiều thập niên đã biến quốc gia này cô lập với thế giới bên ngoài và trở nên kém phát triển. Năm 2015, đảng NLD của bà Suu Kyi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội đã thắp lên hy vọng cho sự chuyển đổi từ chế độ quân sự sang chế độ dân chủ nhưng cho đến nay, điều này vẫn chưa hoàn thiện hoàn toàn.
Khi còn là phó tổng thống dưới thời kỳ của cựu tổng thống Barack Obama, ông Joe Biden là người ủng hộ mạnh mẽ sự phục hưng của nền dân chủ Myanmar. Giờ đây, Myanmar được xem là bài kiểm tra đầy thử thách cho nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Joe Biden.
Ngay sau khi thông tin về cuộc đảo chính lan rộng trên truyền thông quốc tế, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu rằng: “Quân đội Myanmar cần phải thiết lập lại trật tự trước đây và trả tự do cho các chính khách đang bị giam giữ”
Theo giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Viện Lowy của Úc, Ben Bland: “Các quốc gia trong khu vực sẽ theo dõi sát sao những chính sách đối ngoại của ông Joe Biden về cách mà ông chống lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực thông qua vấn đề đảo chính tại Myanmar”. Ông Bland dự đoán rằng Hoa Kỳ sẽ đưa ra các lệnh trừng phạt nhắm vào các nhân vật quân sự chủ chốt hơn là lệnh trừng phạt rộng rãi. Cấm vận hay trừng phạt nặng tay Myanmar có nguy cơ đẩy nước này hoặc thậm chí các quốc gia Đông Nam Á khác ngã về Trung Quốc.