"Ăn theo" các dự án trên giấy
Trong 2 năm qua, Quảng Trị có một vài lần sốt đất nhẹ, ăn theo thông tin về các dự án như sân bay Quảng Trị (xã Gio Quang, H.Gio Linh), một bệnh viện quân đội ở H.Cam Lộ, khu đô thị (KĐT) phía đông TP.Đông Hà, KĐT TM-DV nam Đông Hà, khu dịch vụ của một hãng xe trong nước. Đáng nói là đến nay, các dự án này vẫn đang nằm trên giấy.
Sau một thời gian đìu hiu vì dịch bệnh Covid-19, cơn sốt đất ở Quảng Trị đã bất ngờ quay lại ở P.Đông Lương (TP.Đông Hà). “Ăn theo” dự án, giá đất ở quanh khu vực này tăng phi mã, nhất là các tuyến đường Đại Cồ Việt, Trương Công Kỉnh. Đơn cử, có mảnh đất diện tích 160 m2 trên đường Đại Cồ Việt được chào bán ở mức xấp xỉ 10 tỉ đồng, dù trước đó vài tuần chỉ được rao bán với giá phân nửa. Mảnh đất rộng 140 m2 trên đường Trương Công Kỉnh được rao “rẻ sập sàn” là... gần 7 tỉ đồng.
Một lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị cho biết, trước khi có cơn sốt khởi phát ở giữa tháng 11 vừa qua, giá đất ở một số KĐT mới ở Đông Hà chỉ dao động khoảng 13 - 15 triệu đồng/m2. Nay tăng lên 40 - 70 triệu đồng/m2 và trở thành cú sốc với rất nhiều người, kể cả người dân và giới đầu tư.
Thị trường rơi vào tay cò đất
Không “hot” bằng khu vực quanh KĐT TM-DV nam Đông Hà, nhưng giá đất ở các KĐT khác như bắc sông Hiếu, nam Đông Hà, khu đường Trần Bình Trọng… cũng đang leo thang và chưa có dấu hiệu dừng. Cơn sốt đất còn lan sang cả khu vực đất thổ cư, đất ở các phường ven TP.Đông Hà, thậm chí là ở các huyện ở giáp TP.Đông Hà như Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong.
Trong vai 1 người đi mua đất, PV đã có những trải nghiệm khó tin. Cụ thể, ngày 24.11, PV hỏi giá mảnh đất ở trên khu vực đường Trần Bình Trọng ở P.3, TP.Đông Hà (diện tích 167 m2), ban đầu chính chủ báo 2,4 tỉ đồng, 3 ngày sau hỏi lại thì giá đã báo nhích lên 2,9 tỉ đồng. Tương tự, mảnh đất trên đường Lương Văn Can cũng thuộc P.3 (diện tích 121 m2), ban đầu hô 1,59 tỉ đồng nhưng chỉ 1 giờ sau để người mua "tính toán" thì phía môi giới cho biết đã bán, giá 1,6 tỉ đồng. Đến sáng hôm sau, phía môi giới gọi điện báo “tin bất ngờ” rằng mảnh đất đó vẫn còn, nhưng giá đã là 1,62 tỉ đồng. Cũng kịch bản này, một mảnh khác ở hẻm Quốc lộ 9 (diện tích 180 m2), được báo giá 1,64 tỉ đồng cũng "tuột khỏi tay" chúng tôi, chỉ sau chưa đến 1 giờ đồng hồ đến xem đất.
Một động thái khá lạ là trước đây, các mảnh đất cần bán đều được chính chủ cắm bảng và ghi rõ số điện thoại của mình để khách liên hệ. Còn bây giờ, các bảng hiệu "biến mất", người mua không thể biết mảnh đất đó đang cần bán hay không, nếu bán thì liên hệ ai... “Có bàn tay của giới đầu tư, môi giới cả đấy. Rất nhiều chiêu bài nên người mua không dễ đâu. Giờ anh muốn mua đất phải qua môi giới hết”, anh L.H, một người rành rẽ về bất động sản ở TP.Đông Hà nói.
Người mua gặp khó khăn, nhưng đâu đó trên mạng xã hội vẫn thấy giới kinh doanh bất động sản cọc tiền, chốt đất liên tục với các nhà đầu tư ngoại tỉnh đã đến Quảng Trị. Cùng với đó là một lượng lớn người dân (từ lao động tự do, doanh nghiệp, cán bộ, công chức) cũng tham gia làm môi giới hoặc cũng “ôm đất lướt" (mua đi rồi bán lại rất nhanh, kiếm tiền chênh lệch - PV). Những ngày qua, ở nhiều khu vực “hot” ở TP.Đông Hà nườm nượp người xe đến xem đất, giao dịch. Làm ngày không đủ, họ còn làm đêm.
“Khi giới bất động sản bán qua bán lại với nhau, giá đất bị đẩy lên "kịch kim", người “ôm" cuối cùng sẽ không còn biết... bán cho ai. Nhưng khổ nhất vẫn là người có nhu cầu thực sự, hoặc không thể mua hoặc nếu mua thì chấp nhận giá cao vô lý”, anh H. nhận định.
Thi nhau...bẻ cọc
Việc giá đất tăng một cách chóng mặt cũng khiến tình trạng “bẻ cọc” tăng theo. Kể với PV Thanh Niên, anh L.Q.H (một doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng) cho biết giữa tháng 11, anh đã mua khu đất 687 m2 trên QL9D (xã Cam Hiếu, H.Cam Lộ) để làm kho bãi, đặt cọc trước 350 triệu đồng. Tuy nhiên, hôm 29.11, chủ đất đã “bẻ cọc”. Vì không muốn ồn ào, anh H. chỉ lấy lại đúng số tiền cọc, sau khi "mắng vốn" chủ đất.
Việc mua bán đất đai nóng bỏng ở TP.Đông Hà đang tạo ra những hệ lụy |
Trong khi đó, bà N.T.T (trú KP.Tân Vĩnh, P.Đông Lương, TP.Đông Hà) đã khởi kiện bà B.T.T.N (trú KP.4, P.3, TX.Quảng Trị) về việc “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc”, được TAND TX.Quảng Trị thụ lý hôm 29.11. Theo bà T., bà đã đặt cọc 1 tỉ đồng để mua lô đất 168m2 ở KĐT tái định cư nam Đông Hà giai đoạn 1 (giá bán là 6,2 tỉ đồng). Tuy nhiên, hôm 25.11, bà N. (chủ lô đất) đã “bẻ cọc” để bán mảnh đất này cho người khác. “Tôi đề nghị tòa án buộc bà N. phải trả cho tôi 3 tỉ đồng, trong đó có 1 tỉ đồng tiền đặt cọc và 2 tỉ đồng tiền phạt cọc”, bà T. nói.
Tương tự, ngày 30.11, TAND TP.Đông Hà cũng đã nhận đơn khởi kiện của ông T.H.L (trú KP.10, P.5, TP.Đông Hà), yêu cầu buộc bà Đ.T.B (trú xã Hải Định, H.Hải Lăng, Quảng Trị) trả cho ông 1,5 tỉ đồng gồm 500 triệu đồng tiền đặt cọc và 1 tỉ đồng tiền phạt cọc. Lý do, theo ông L., dù đã nhận tiền đặt cọc của ông để bán 1 lô đất ở KĐT nam Đông Hà, nhưng sau đó bà B. đã “bẻ cọc”.
Thẩm phán Lê Thiết Hùng, Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Quảng Trị, cho biết tình huống pháp lý “bẻ cọc” trong giao dịch bất động sản đang xảy ra phổ biến ở TP.Đông Hà mấy ngày nay do giá đất tăng đột biến. “Nếu bên bị bẻ cọc khởi kiện tranh chấp hợp đồng đặt cọc ra toà án và có thông báo thụ lý của tòa án, thì ít nhất giao dịch đó phải chờ kết quả giải quyết của toà án. Đồng nghĩa với cơ hội bán đất của bên nhận cọc (sau đó bẻ cọc) với người sau cũng mất đi. Mọi người nên cân nhắc khi có ý định bẻ cọc”, thẩm phán Hùng nói.
Khuyến cáo cẩn thận với cơn “sốt đất” ảo ở Đông Hà
Ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết sốt đất tại địa phương gần đây bắt nguồn từ thời điểm một nhà đầu tư lớn trúng KĐT TM-MT nam Đông Hà. Cơn sốt này chưa đúng với thị trường, chạy theo dự án trên giấy. Một mặt chúng tôi đã đề nghị các cơ quan chuyên môn rà soát lại, mặt khác chúng tôi khuyến cáo người dân không nghe theo những lời quảng cáo, đồn đại không căn cứ mà phải bám theo quy hoạch của tỉnh, tránh gây thiệt hại cho bản thân trong đầu tư bất động sản.