(ĐTTCO) - Hành trình cuối cùng của đoàn công tác báo SGGP và các doanh nghiệp TPHCM là đến đảo Hòn Đốc, cách bờ biển Hà Tiên 27,5km và đảo Phú Quốc 40km.
Quần đảo Hòn Đốc có 16 đảo nổi, 2 đảo chìm, với tổng diện tích 1.100ha nằm rải rác trên vùng biển dài 5km. Về vị thế địa lý, Hòn Đốc được xem như "cột mốc chủ quyền" quốc gia trên biển Tây, tiếp giáp với Vương quốc Campuchia. Trên đảo còn lưu giữ cột mốc hình tháp, được xây dựng năm 1958, ghi rõ biên giới biển, đảo trực thuộc tỉnh Kiên Giang, Việt Nam.
Quần đảo Hòn Đốc có tên gọi quần đảo Hà Tiên, hay thông dụng hơn là quần đảo Hải Tặc, do quần đảo này từng là căn cứ của cướp biển từ đầu thế kỷ thứ 18. Đây là nơi giáp ranh biên giới, chính quyền khó kiểm soát nên trở thành điểm đồn trú của các nhóm hải tặc ra khơi tấn công, khống chế cướp các tàu buôn lớn quốc tế đi qua vùng biển này. Năm 1983, quần đảo Hải Tặc được thành lập đơn vị hành chính: xã Hòa Đốc, thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Năm 1998, xã đổi tên thành Tiên Hải, thuộc thị xã Hà Tiên.
Đại úy Trần Thanh Sơn, Trạm trưởng Trạm rađa 652, cho biết: Đây là trạm rađa quan trọng kiểm soát vùng biển Đông-Bắc vịnh Thái Lan, phía Nam giáp Campuchia. Chiến sĩ ngày đêm kiểm soát tàu bè qua lại vùng biển này, sẵn sàng ứng phó trước mọi tình huống. Thời gian qua, đơn vị thực hiện nghiêm túc các mệnh lệnh, được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Điểm khó khăn nhất của quân dân trên đảo Hòn Đốc là thiếu nước ngọt vào mùa khô. Đến nơi nào trên đảo cũng thấy các hồ, lu chứa nước mưa nhưng có lúc bà con thiếu nước ngọt trầm trọng, phải mua 170.000 đồng/m3. Chiến sĩ Vùng 5 Hải quân phải đưa tàu ra đảo tiếp nước miễn phí cho dân. "Quân dân ở đây đoàn kết một lòng, cùng giữ gìn an ninh trật tự trên đảo, trên biển; đồng tâm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Vì vậy có lẽ nên đổi tên đảo Hải Tặc thành đảo Yên Bình" - Đại úy Sơn ví von.
Ông Tăng Hồng Phước, Chủ tịch UBND xã Tiên Hải, cho biết đến nay vẫn chỉ có 6 đảo có người sinh sống, chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản với số dân 1.900 người. Với lợi thế tiềm năng thiên nhiên phong phú, phong cảnh hoang sơ, gần đây dịch vụ du lịch phát triển mạnh, giao lưu đất liền cũng thông suốt hơn. Mỗi ngày có 2 chuyến tàu đò ra vào từ đảo đến Hà Tiên. Riêng 2 ngày cuối tuần có tàu cao tốc phục vụ hành khách. Vừa qua, UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái biển Hòn Đốc và Hòn Tre Vinh với quy mô trên 41ha, hứa hẹn đây sẽ là điểm đến mới hấp dẫn của loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và dã ngoại trong tương lai không xa.
Dinh Bà - là nơi ngư dân đến cầu an hành nghề trên biển. |
Xe tải đưa đoàn công tác lên đảo Hải Tặc. |
Một góc quần đảo Hòn Đốc. |
Phút thư giãn người lính đảo. |
Ngư dân nuôi cá lồng bè trên biển. |
Phó Tổng TKTS báo SGGP Nguyễn Khắc Văn trao quà tặng chiến sĩ đồn trú trên đảo. |
Cột mốc chủ quyền đang được tôn tạo. |
Hầm chứa nước ngọt sinh hoạt. |
Chiến sĩ gây tạo lợn rừng nuôi trên đảo. |