Đào tạo nghề lao động nông thôn thời 4.0

(ĐTTCO) - UBND TPHCM vừa đặt ra mục tiêu đào tạo nghề cho hơn 6.400 lao động nông thôn trên địa bàn TPHCM năm 2020, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt trên 85%. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các địa phương đang được lãnh đạo TPHCM quan tâm.
Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ
Trên địa bàn huyện Cần Giờ (TPHCM), huyện đã vận động lao động nông thôn tham gia học nghề, tập trung vào các ngành nghề phục vụ du lịch và ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp như: nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, nuôi cá dứa thương phẩm, kỹ thuật nuôi cua bằng con giống nhân tạo…
Ông Phạm Quang Chiến, Phó Trưởng phòng LĐTB-XH huyện Cần Giờ, cho biết, mô hình nuôi tôm công nghệ cao được huyện chú trọng. Huyện đã liên kết với các cơ sở đào tạo mở nhiều lớp dạy nghề, tập trung đổi mới kỹ thuật nuôi tôm bằng cách trải bạt đáy ao; che lưới bên trên làm giảm nhiệt độ và hạn chế chim, cò lây lan mầm bệnh ao nuôi; nâng cấp hệ thống tạo oxy, sử dụng máy cung cấp thức ăn tự động, xi phông bùn hữu cơ để làm sạch đáy ao…
Đào tạo nghề lao động nông thôn thời 4.0 ảnh 1 Nuôi tôm ở huyện Cần Giờ (TPHCM)
Ảnh: THANH HẢI
Nhờ áp dụng công nghệ, nông dân Cần Giờ đã có thể nâng cao mật độ nuôi tôm lên trên 100 con/m2, kéo dài thời gian nuôi hơn 4 tháng, giúp kích cỡ tôm thu hoạch lớn hơn, năng suất trên 20 tấn/ha (gấp đôi năng suất so với các hộ không áp dụng công nghệ mới). Hiệu quả kinh tế mang lại ước tính lợi nhuận bình quân đạt gần 1,5 tỷ đồng/ha/vụ, tỷ suất lợi nhuận gần 90%.
Trên toàn địa bàn TPHCM, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho hay, 10 năm qua, TPHCM đã có hơn 717.000 lao động nông thôn đã qua đào tạo, trong tổng số hơn 847.700 lao động nông thôn đang làm việc (tỷ lệ gần 85%). Trước sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang đòi hỏi phải có chuyển biến mạnh về mô hình, chương trình, phương thức đào tạo để giúp lao động nông thôn ở TPHCM có thể tiếp cận khoa học kỹ thuật, vận dụng vào sản xuất kinh doanh.
Tuy vậy, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, dẫn tới phát triển manh mún, thiếu bền vững. Nhiều thanh niên nông thôn không thích làm nông nghiệp mà chuyển sang làm công nhân tại các khu công nghiệp, hoặc xuất khẩu lao động. Không ít lao động vì mưu sinh, chưa quan tâm đến học nghề. Do đó, nhu cầu học nghề nông nghiệp của lao động nông thôn ngày càng ít.
Gắn với giải quyết việc làm
Trong dạy nghề cho lao động nông thôn, bà Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan, Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp TPHCM, xác định đội ngũ dạy nghề có vai trò đặc biệt quan trọng. Không phải cứ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thì dạy nghề cho lao động nông thôn thành công. Theo bà Hồng Loan, người dạy nghề phải được nông dân quý mến, nể phục bằng cả vốn lý thuyết và kinh nghiệm thực tế dày dạn thì mới đào tạo nghề thành công. 
TS Từ Minh Thiện, Phó Trưởng ban Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, nhận xét, tuổi bình quân của lao động nông thôn là 42, có quá trình lao động cả 20 năm với nhiều thói quen cố hữu, thậm chí là bảo thủ. Vì thế, khi hướng dẫn nghề cho người lớn tuổi, người dạy phải có kinh nghiệm thực tế, phương pháp truyền đạt sinh động, không cần người học phải thuộc bài làu làu mà chỉ cần nhớ 2-3 điểm chính trong bài học là được.
Đặc biệt, theo TS Từ Minh Thiện, cơ quan quản lý nhà nước phải nắm bắt nhu cầu thị trường đang cần gì, để cung cấp thông tin cho nông dân có cái nhìn toàn diện. Dựa trên cơ sở đó, nông dân sẽ tự quyết định nên sản xuất hoặc làm nghề phù hợp. “Họ phải có kỹ năng, chứ không chỉ lao đầu vào sản xuất. Khi nông dân đã có kỹ năng, nắm bắt, tìm hiểu được nhu cầu của thị trường thì họ sẽ có cách cung cấp dịch vụ, sản phẩm phù hợp, hạn chế được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa”, TS Từ Minh Thiện chia sẻ.
TS. Đinh Công Tiến, Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp, cũng cho rằng khi ứng dụng công nghệ 4.0 trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cần gắn với thực tiễn và bắt đầu bằng nghiên cứu nhu cầu của nông dân. Từ nhu cầu nghề tương lai - hoặc họ tiếp tục là nông dân, hoặc họ trở thành người phục vụ cho công nghiệp nông nghiệp - mà cá biệt hóa chương trình đào tạo cho từng người, tăng cường đào tạo online. 
“Nếu cứ dạy phổ quát nuôi gà, trồng mai cho cả ấp, cả xã, thì bán cho ai? Chúng ta nhiều khi cứ nghĩ đã làm việc tốt, nhưng việc tốt đó chưa chắc đúng. Không cẩn thận sẽ rơi vào tình trạng dạy cho họ có nghề, nhưng sau này lại chưa chắc tạo được việc làm và thu nhập; trong khi mục tiêu là có việc làm, có thu nhập ổn định. Vì thế, đào tạo cần cụ thể, thực tiễn, gắn với việc làm”, TS Đinh Công Tiến lưu ý.

Các tin khác