Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, tiến trình CPH các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang rất chậm và không đạt được mục tiêu đề ra. Trong năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ thu từ CPH 40.000 tỷ đồng, nhưng kết quả chỉ thu được chưa đầy 2.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân của việc chậm trễ nói trên liên quan đến khâu xác định giá trị doanh nghiệp, trong đó nổi cộm lên vấn đề định giá và chuyển đổi tài sản đất đai của các DNNN. Điều này cho thấy xác định giá trị doanh nghiệp chưa chính xác mà rủi ro lớn nhất là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất. Việc tính giá trị một lần không sát giá thị trường, ngoài ra dù có sát thị trường song sau 10 năm, 20 năm thì giá trị của doanh nghiệp lại khác đã tạo ra lỗ hổng thất thoát tài sản Nhà nước.
Các chuyên gia đề xuất Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện khung pháp lý về việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, đồng thời xem xét việc tách bạch triệt để chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước.
Thêm vào đó, với việc nộp tiền thuê đất một lần, DNNN CPH có thể chuyển quyền sử dụng đất để làm nhà đô thị, hay công trình khác… Nhưng chuyển mục đích sử dụng đất cũng dẫn đến xác định giá trị sử dụng đất không chính xác, sau khi kiểm toán thì giá trị của doanh nghiệp lại tăng lên rất nhiều so với trước đó, với mức bình quân là tăng 2,8 lần.
Ngoài “điểm nghẽn” định giá đất đai, trong CPH DNNN hiện nay cũng còn tồn tại vướng mắc về quy định chính sách đối với chuyển đổi đất. Cụ thể, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 60/2018/QH14 nghiêm cấm việc chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc từ Nhà nước sang mục đích khác.
Nhưng sang đến năm 2020, Nghị định 140/NĐ-CP ra đời đã bãi bỏ Nghị quyết số 60, song Nghị định này không quy định rõ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất có được hay không. Điều này làm cho địa phương lúng túng khi triển khai.
Thêm vào đó, việc sắp xếp nhà đất cũng chưa có quy định rõ ràng như xác định lợi thế thương mại, liên danh liên kết, vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước chưa thấy được quyết tâm cao, vì vậy tiến độ CPH không đạt yêu cầu đặt ra.
Tại hội thảo, các chuyên gia đề xuất Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện khung pháp lý về việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, đồng thời xem xét việc tách bạch triệt để chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước (cả về thể chế và tổ chức, bộ máy).
Để tiến trình CPH đạt hiệu quả đề ra, các hình thức giảm vốn Nhà nước cần được đa dạng hóa, như kết hợp giữa việc bán phần vốn nhà nước với việc tăng quy mô vốn điều lệ của DNNN. Cách thức này vừa giúp DNNN tăng cường năng lực tài chính phục vụ nhu cầu tăng trưởng mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo tiến độ giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các ý kiến đóng góp cũng cho rằng việc CPH, thoái vốn Nhà nước cũng không nên thực hiện bằng mọi giá mà cần theo nguyên tắc và tín hiệu thị trường, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả và thu hồi tối đa vốn cho Nhà nước.