Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent tiến 1% lên 84.86 USD/thùng. Giá dầu Brent đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 ở mức 85.10 USD/thùng, ghi nhận mức tăng 3% trong tuần qua. Đây là tuần tăng thứ 6 liên tiếp.
Hợp đồng dầu WTI cộng 97 xu (tương đương 1.2%) lên 82.28 USD/thùng và vọt 3.5% trong tuần qua, đánh dấu chuỗi leo dốc 8 tuần liên tiếp.
Nhu cầu tăng lên nhờ sự phục hồi sau đại dịch Covid-19, với sự hỗ trợ thêm từ các nhà máy điện, vốn chuyển từ khí đốt và than đá đắt đỏ sang nhiên liệu dầu và diesel.
Nhà Trắng cho biết sẽ dỡ bỏ các lệnh hạn chế đi lại vì dịch Covid-19 đối với công dân nước ngoài được tiêm chủng đầy đủ có hiệu lực từ ngày 08/11, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu máy bay.
Trong khi đó, đà giảm mạnh của dự trữ dầu tại Mỹ và các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) được dự báo là sẽ khiến nguồn cung toàn cầu thắt chặt.
Edward Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định: “Sẽ có 3 sự kiện làm trật nhịp đà tăng này của giá dầu: OPEC+ bất ngờ nâng sản lượng, thời tiết ấm áp ở Bắc Bán cầu, và liệu Chính quyền ông Biden có khai thác nguồn dự trữ xăng dầu chiến lược hay không”.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào ngày 14/10 cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu thêm 500,000 thùng/ngày.
Điều đó sẽ dẫn đến chênh lệch cung cầu khoảng 700,000 thùng/ngày đến cuối năm nay, cho đến khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi là OPEC+, bổ sung thêm nguồn cung như kế hoạch vào tháng 01/2022.