Đầu ra khó khăn, nhà băng huy động vốn lãi suất cao làm gì?

(ĐTTCO) - Huy động là để cho vay, nhưng có một nghịch lý là trong khi đầu ra tín dụng rất khó khăn thì ở đầu vào các ngân hàng vẫn hút vốn bằng cách giữ lãi suất ở mức cao.
Ảnh minh họa: Viết Chung
Ảnh minh họa: Viết Chung

Để hạ nhiệt, NHNN đã 3 lần hạ lãi suất điều hành, nhưng lãi suất huy động tại nhiều NH dường như vẫn không giảm. Khi nền kinh tế không hấp thụ được vốn, vậy các NH đang toan tính gì ở “sân sau”?

Đầu vào dồi dào, đầu ra qua cánh cửa hẹp

Thống kê tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thời điểm cuối năm 2022, tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,86 triệu tỷ đồng, tương ứng mức tăng 10,66% trong cả năm; tiền gửi các tổ chức kinh tế hơn 5,95 triệu tỷ đồng, tăng 5,46%.

Tại thời điểm tháng 2-2023, tiền gửi của các tổ chức kinh tế sụt giảm 5,68% còn 5,61 triệu tỷ đồng; nhưng tiền gửi của khu vực dân cư đã bứt phá đạt gần 6,18 triệu tỷ đồng (tăng 5,36%). Lãi suất huy động của các NH liên tục duy trì ở mức cao 9-11%/năm, là nguyên nhân khiến kênh tiền gửi trở thành điểm đến của dòng tiền trên thị trường.

Đầu vào dồi dào nhưng đầu ra lại qua cánh “cửa hẹp”. Bởi hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều kêu khó tiếp cận vốn vì điều kiện nhiêu khê, nếu vay được thì lãi suất cũng quá cao. Ngày 24-5 Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp với các bộ ngành và một số NHTM có vốn nhà nước, về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn và giảm lãi suất.

Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Trần Quốc Phương nêu thực trạng DN không dám vay vì sợ kinh doanh thua lỗ, không có đơn hàng, không sản xuất nên không có nhu cầu vay vốn, không thể vay vốn do thiếu điều kiện vay và lãi suất cao… Số liệu của NHNN cũng cho thấy rõ khó khăn trong tiếp cận tín dụng. Dư nợ toàn nền kinh tế tại ngày 16-5 đạt trên 12,25 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,72% so với cuối năm 2022. Điều này đồng nghĩa tín dụng có xu hướng bị thu hẹp.

Trước thực trạng đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu NHNN phân tích các yếu tố liên quan đến cung cấp tín dụng cho DN, nhất là DNNVV; đánh giá kỹ lưỡng khả năng hấp thụ vốn của các nhóm DN; rà soát cơ chế chính sách để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét quyết định…

Vốn huy động chảy đi đâu?

Trong tháng 4 và 5, dù NHNN đã 3 lần hạ lãi suất điều hành, nhưng nhiều nhà băng vẫn áp dụng lãi suất 10-11%/năm. Vì sao lại có tình trạng này? Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, hệ quả nợ xấu và các khoản đầu tư rủi ro khiến dòng tiền không trở lại NH. Thế nên, các NH phải kiểm soát rủi ro chặt chẽ trong việc cấp tín dụng đầu ra, nhưng vẫn phải đẩy mạnh huy động để sử dụng cho mục đích đảm bảo thanh khoản.

Số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính của 29 NHTM quý I, cho thấy nợ xấu đang tăng nhanh, quỹ dự phòng nợ xấu của toàn hệ thống đang mỏng dần. Bên cạnh nợ xấu đã được phân loại, nợ xấu tiềm ẩn từ lượng TPDN đang lưu hành rất lớn, nhóm nợ này hiện chưa được nhận diện và phân loại nợ đúng chuẩn.

Hiện tại, các NHTM đang nắm giữ khoảng 37% lượng TPDN đang lưu hành (khoảng 232.500 tỷ đồng, chưa bao gồm TP do các TCTD phát hành). Có NH quy mô danh mục TPDN khá lớn so với tổng tài sản, thậm chí vượt vốn chủ sở hữu. Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) gần như “đứng hình”, nên rủi ro DN mất khả năng thanh toán hoặc chậm thanh toán gốc và lãi rất cao. Và các NH buộc phải tăng lãi suất huy động để đẩy mạnh bù đắp các phần rủi ro này.

Song nhìn ở góc khác lại thấy NH huy động cao vì vẫn đang bơm tín dụng. Trong quý I, có một NHTMCP đã tăng tín dụng 13,4% khi hạn mức được cấp cho cả năm 14,5%. Một nhà băng khác cũng ghi nhận tăng trưởng tín dụng 10,68% và có đến 5 nhà băng tăng tín dụng đến 7%... Số liệu khác của NHNN cũng cho biết, mức tăng trưởng tín dụng BĐS trong 4 tháng đầu năm đạt 3,51%, trong khi mức tăng trưởng chung toàn hệ thống chỉ đạt 2,75%.

Điều này có thể hình dung, hệ thống các NH vẫn cho vay nhưng phân chia đối tượng và mục tiêu vay. Phải chăng “đối tượng và mục tiêu” này là các “ông chủ” nhà băng hoặc “sân sau” của nhà băng vay để giải cứu các BĐS của chính mình?

Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh bóng dáng các nhóm cổ đông lớn đến từ các DN lớn xuất hiện ngày càng nhiều tại các NH. Ở một vài NH, ghế Chủ tịch HĐQT đã đổi chủ và người thay thế chủ yếu là nhân sự đến từ DN BĐS. Nhiều chuyên gia đang đặt vấn đề về câu chuyện “sân trước, sân sau” trong cấp tín dụng vẫn đang tồn tại. Vì NH sẽ không có lý gì huy động rất cao và để vốn nằm yên một chỗ.

Và có lẽ NHNN đã nhìn thấy nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này. Đó là một số cá nhân đã thành lập công ty, hoặc sử dụng quan hệ thành viên gia đình để gián tiếp gia tăng sở hữu cổ phần ở NHTMCP mà không vi phạm các quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần.

Vì vậy, khi đưa ra dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), NHNN đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông tại TCTD xuống 3% với cổ đông là cá nhân; 10% với cổ đông là tổ chức; 15% với cổ đông và người có liên quan.

Đồng thời, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng giảm từ 15% xuống 10% và đối với một khách hàng và người có liên quan giảm từ 25% xuống 15% vốn tự có của NH. Quy định giảm tỷ lệ tín dụng được xem là hợp lý để giảm thiểu rủi ro cho các NH, nhưng vẫn còn chờ thời gian để Quốc hội thông qua.

Lãi suất cao đương nhiên DN sẽ không vay, và hệ quả là triệt tiêu động lực phát triển của nền kinh tế. Trước mắt, mọi thành phần trong nền kinh tế vẫn trông chờ vào điều hành của NHNN để kéo lãi suất xuống.

Các NH vẫn cho vay nhưng với những đối tượng mục tiêu, có thể là dùng tiền huy động mua lại TP từ các DN BĐS, hoặc cấp tín dụng hạn mức lớn cho DN sân sau.

Các tin khác