Những kế hoạch ứng phó với nợ công của tân chính phủ Hy Lạp không chỉ khiến cả châu Âu sục sôi trong thời gian gần đây, mà nhiều sàn chứng khoán toàn cầu cũng bị nhuộm đỏ. Cả thế giới đang lo lắng theo dõi những diễn biến của đấu trường Hy Lạp.
Phù thủy Fakir
Ngay sau khi lên nắm quyền, tân chính phủ đảng Syriza của Hy Lạp đã lên những kế hoạch để “quyết chiến” với châu Âu về vấn đề nợ công và ngân sách. Tuần trước, GS. Kinh tế Yanis Varoufakis, tân Bộ trưởng Tài chính, đã đi du thuyết các nước châu Âu để thuyết phục họ về những kế hoạch giảm nợ và chống khắc khổ.
Trong giới học giả quốc tế, nhiều người gọi GS. Varoufakis là “phù thủy Fakir”. Thứ nhất, tên của ông có phần gần giống với từ fakir - pháp sư của đạo Hồi. Thứ hai, ông là hiện thân của 2 chủ nghĩa đối lập: cực tả và cực hữu. Ông tự nhận mình là “libertarian-marxist”, tức vừa theo chủ nghĩa tự do tuyệt đối cho công dân và đòi tiết giảm vai trò của nhà nước đến tối đa (libertarian); vừa tin rằng nhà nước cần phải kiểm soát tất cả (marxist).
GS. Faroufakis từng được đào tạo chuyên môn về thống kê, kế toán và kinh tế tại các trường đại học ở Hy Lạp và Anh, từng dạy cho các đại học ở Hy Lạp, Australia và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là GS. Varoufakis chuyên về "thuật đấu trí" trong kinh tế. Vì vậy, chuyến công du châu Âu của ông cũng được xem như một cuộc đấu trí giữa Athens và Brussels.
Hành trình của GS. Varoufakis bắt đầu từ thủ đô các cường quốc châu Âu Anh, Pháp, Italia, sau đó đến Frankfurt (Đức) để thương thuyết với Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi và cuối cùng đến Berlin để gặp vị đồng nhiệm Wolfgang Schaeuble của Đức - nước giữ vị trí quan trọng nhất trong việc giải quyết khủng hoảng nợ Hy Lạp.
Mục đích cuộc du thuyết của ông Varoufakis là kêu gọi sự ủng hộ của các cường quốc châu Âu đối với kế hoạch giảm bớt một phần khoản nợ 315 tỷ EUR cho Hy Lạp. Rõ ràng, đây là vấn đề cam go, vì đồng tiền lúc nào cũng đi liền khúc ruột. Chính phủ các nước giàu ở EU từ lâu đã bị dân nước mình chỉ trích vung tiền để cứu các nước hàng xóm, mà họ gọi là cứu người ăn xài phung phí. Vì vậy, phù thủy Fakir đã mang theo một phép thuật mạnh: dọa sẽ rời bỏ khu vực đồng tiền chung (Eurozone) nếu không được xóa nợ.
Trong cuộc phỏng vấn trên BBC hôm 4-2, một nhà kinh tế người Đức so sánh đòn dọa của Hy Lạp với hành vi của một người dọa nhảy lầu tự tử. Tuy nhiên, chính xác hơn phải nói là dọa ôm bom tự sát. Kịch bản này được gọi là “đồng quy ư tận”, tức cả 2 bên cùng chết. Nếu Hy Lạp rời bỏ đồng tiền chung, đồng EUR nhiều khả năng sẽ sụp đổ, Eurozone có thể tan rã và thậm chí Liên minh châu Âu (EU) cũng có nguy cơ sụp đổ. Đó là một điều ai cũng e ngại.
Không nhượng bộ
GS. Varoufakis đã có một khởi đầu tốt đẹp khi nhận được những lời hứa hẹn từ Rome và Paris. Tuy nhiên, khi đặt chân đến Đức - nước chủ nợ lớn nhất của Athens (17%) và là nơi đặt trụ sở ECB - cơ quan có vai trò quyết định việc giảm nợ - Varoufakis liên tiếp hứng chịu thất bại. Ngày 4-2, không rõ GS. Varoufakis và Thống đốc ECB Mario Draghi đã có cuộc nói chuyện như thế nào tại Frankfurt, nhưng ECB bất ngờ ra tuyên bố từ nay sẽ không cấp thanh khoản trực tiếp cho các ngân hàng Hy Lạp.
Trong một thông cáo, ECB cho biết từ ngày 11-2 sẽ ngưng lấy trái phiếu chính phủ Hy Lạp làm tài sản đảm bảo cho vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Quyết định này sẽ khiến các ngân hàng của Hy Lạp đối mặt với lãi suất vay vốn cao hơn. ECB cho biết nguyên nhân dẫn đến quyết định này do họ không chắc chắn có thể đi đến một thỏa thuận với Hy Lạp về khoản cứu trợ 240 tỷ EUR dành cho nước này. Ngay lập tức, các chỉ số chứng khoán chính của Athens lao dốc 9% trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ tăng mạnh, cho thấy các nhà đầu tư quan ngại cao về nguy cơ vỡ nợ.
Động thái này thực sự là gáo nước lạnh của ECB dành cho GS. Varoufakis. Không chỉ vậy, GS. Varoufakis còn hứng chịu thất bại vào ngày kế tiếp trong cuộc gặp gỡ với người đồng nhiệm Schäuble, khi ông này từ chối đề nghị của Athens, vì cho rằng nguyên nhân gây ra tình trạng của Hy Lạp do chính Hy Lạp, không phải lỗi của châu Âu, nên việc cần có cuộc đại tu lớn là không tránh khỏi. Theo BBC, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã loại trừ khả năng xóa nợ. Bà nói rằng từ trước đến nay các chủ nợ đã nhượng bộ Hy Lạp quá nhiều.
Tìm tiếng nói chung
Những diễn biến vừa qua cho thấy tình hình ở Hy Lạp đang đi dần tới thế bế tắc. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Athens và Berlin vẫn có thể tìm được tiếng nói chung. Theo đó, điều dân Đức đòi hỏi cao nhất ở chính phủ họ là không được xóa nợ cho Hy Lạp. Trong khi đó, người dân Hy Lạp không mấy quan tâm đến núi nợ khổng lồ, mà chỉ mong có đời sống dễ thở hơn. Trong thực tế, đảng Syriza nhận được sự ủng hộ cao bất thường cũng vì cam kết sẽ bỏ các chế độ khắc khổ.
Nếu 2 bên dung hòa được những ưu tiên chính-phụ trong cuộc đàm phán, có thể sẽ đạt được giải pháp dung hòa. Đó là nhượng bộ về chuyện phụ để đạt thỏa thuận về chuyện chính. Với Hy Lạp, chuyện phụ là biện pháp giảm nợ và chuyện chính là chấm dứt các chính sách khắc khổ. Với Đức, chuyện phụ là các chính sách khắc khổ của Hy Lạp và chuyện chính là hạn chế việc giảm nợ.
Ý tưởng trái phiếu tăng trưởng của Hy Lạp được báo Economist ca ngợi. |
GS. Varoufakis hôm 2-2 phát biểu trên Financial Times rằng đã rút lại ý tưởng xin giảm nợ. Financial Times cho biết ông Varoufakis coi kế hoạch mới là "thực đơn hoán đổi nợ", tức Athens không đề nghị xóa một phần trong gánh nặng nợ công của nước này, thay vào đó muốn khẳng định với các đối tác trong Eurozone rằng Hy Lạp đang nỗ lực đạt thặng dư ngân sách song song với cải cách.
Để thực hiện điều đó, ông đề xuất đổi nợ lấy trái phiếu và số trái phiếu này chỉ được thanh toán khi nào kinh tế Hy Lạp tăng trưởng. Thật ra ý tưởng này không mới. Từ nhiều năm qua, các nhà kinh tế đã đề xuất loại trái phiếu gắn với tăng trưởng này. Về lý thuyết, các nước nặng nợ sẽ càng khốn đốn hơn nếu kinh tế đi xuống. Nhưng khi một nền kinh tế phục hồi, nó sẽ trở nên hấp dẫn. Vì vậy, nhiều nhà kinh tế cho rằng giải pháp là gắn lợi suất trái phiếu với một chỉ số kinh tế, như xuất khẩu hay tăng trưởng GDP.
Thí dụ, một nước có GDP tăng 3% có thể phát hành trái phiếu có lợi suất 9% nếu GDP tăng 5%/năm, nhưng chỉ cần trả 1% nếu GDP chỉ tăng 1%/năm. Ưu điểm của trái phiếu tăng trưởng này là khi nước vay nợ khó khăn, họ sẽ phải trả lợi suất thấp; khi kinh tế tăng trở lại, các chủ nợ có thể hưởng lợi suất cao hơn để bù đắp.