Đẩy lùi tín dụng đen: Thủ tục vay tiêu dùng cần nhanh gọn

(ĐTTCO) - Vì lý do không tiếp cận được vốn chính thức, rất nhiều người đã tìm đến tín dụng đen với lãi suất cắt cổ và phải đối mặt với tình trạng thu hồi nợ theo kiểu xã hội đen. Dù quy mô tín dụng đen không quá lớn nhưng lãi suất cao, không hợp đồng, vi phạm pháp luật, đặc biệt hệ lụy về mặt xã hội rất lớn. 
Để đẩy lùi tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao Agribank triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng sáng vay chiều nhận, đồng thời khuyến khích các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng cường cho vay tiêu dùng (CVTD).
Quyết liệt đẩy lùi tín dụng đen
Năm 2018, trong Nghị quyết của phiên họp thường kỳ tháng 9, Chính phủ đã giao trách nhiệm cụ thể cho Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan siết chặt quản lý để chặn đứng vấn nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật… đang diễn biến phức tạp.
 CVTD có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế vì thúc đẩy tăng trưởng GDP, làm giảm tín dụng đen, hỗ trợ vấn đề an sinh xã hội. Đây là hình thức rất tốt tạo luân chuyển hàng tồn kho, hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp bán được nhiều hơn. Với người dân, tiêu chí để chọn CVTD là lãi suất và kinh nghiệm xử lý khoản vay của bên cho vay, xử lý nhanh thủ tục nhanh gọn.
TS. CẤN VĂN LỰC,
chuyên gia tài chính NH
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần cảnh báo, vấn nạn tín dụng đen đã len lỏi, lan rộng trong nền kinh tế, đặc biệt tại khu vực nông thôn gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Tuy nhiên, các bộ ngành kể cả NHNN cũng phủ nhận phạm vi quản lý tín dụng đen, dẫn đến đến hiệu quả kiểm soát ngăn chặn vấn nạn này không cao.
Tín dụng đen đang vào tầm ngắm của Chính phủ bởi nó kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật… diễn ra ngày càng phổ biến. Các đối tượng cho vay đáp ứng nhu cầu tiền mặt từ vài triệu đến vài chục triệu đồng của người dân ngay lập tức chỉ qua thỏa thuận miệng, nhưng thu lãi và vốn hàng ngày với lãi suất 20-40%/tháng. 
Với yêu cầu của Chính phủ, Bộ Công an đã kiến nghị hàng loạt giải pháp, như huy động tiền nhàn rỗi trong dân, tổ chức hệ thống tín dụng linh hoạt, hiệu quả hơn để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được khi cần vốn. Đồng ý với kiến nghị này, Thủ tướng yêu cầu các NHTM mở rộng độ phủ để người vay có thể tiếp cận tín dụng nhanh chóng, dễ dàng thay vì phải tìm tới tín dụng đen.
Theo đó cuối năm 2018, NHNN đã triển khai Nghị định 116/2018 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để hạn chế người dân tìm đến các nguồn vốn không chính thức khác. NHNN cũng yêu cầu các TCTD đẩy mạnh CVTD, đơn giản hóa thủ tục cho người vay.
Đồng thời, Agribank được giao triển khai gói tín dụng cho vay tín chấp khoảng 5.000 tỷ đồng để phục vụ các nhu cầu vốn cấp bách của người dân, hộ gia đình khu vực nông nghiệp, nông thôn. Hạn mức mỗi món vay khoảng 30 triệu đồng, thời gian xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày, với chính sách kiểm soát sau và áp dụng mức lãi suất hợp lý, đủ bù đắp rủi ro cho vay.

Băn khoăn thủ tục vay
Ở các nước, chi tiêu trước trả tiền sau thông qua thẻ tín dụng là điều bình thường. Tuy nhiên, ở Việt Nam, thẻ tín dụng mới đáp ứng cho người có thu nhập tốt. Tại thời điểm cuối quý II-2018, tổng số lượng thẻ đã phát hành lũy kế đạt 141,59 triệu thẻ, trong số đó hơn 90% là thẻ ghi nợ, các loại thẻ khác như thẻ tín dụng chỉ chiếm phần rất nhỏ.
 Hiện nay nhiều người dân phải vay trên thị trường không chính thống, có thể do các đối tượng hoạt động tín dụng đen điều hành. Trong trường hợp này, khách hàng không được bảo vệ, bị áp lãi suất cao và các biện pháp thu hồi nợ trái pháp luật. Đây là vấn đề nghiêm trọng và là lý do Việt Nam ủng hộ hoạt động CVTD hợp pháp qua CTTC.
Ông BRANISLAV VARGIC, 
Giám đốc Vận hành Home Credit Việt Nam
 
Vài năm gần đây, tín dụng tiêu dùng cũng trở thành cánh cửa tăng trưởng của các NHTM, thể hiện qua sự dịch chuyển mạnh từ cho vay doanh nghiệp sang cho vay cá nhân, hộ gia đình. Trong tổng tín dụng tiêu dùng, NHTM chiếm khoảng 88%, còn lại 12% là các công ty tài chính (CTTC) và các tổ chức tài chính vi mô khác. Nhưng NHTM chiếm thị phần lớn chủ yếu do chưa bóc tách rõ tín dụng bất động sản (chiếm đến 40-50% tổng tín dụng tiêu dùng) ra khỏi tín dụng tiêu dùng.
Đơn cử tại TPHCM, 10 tháng của năm 2018, tín dụng tiêu dùng đã chiếm đến 19,4% tổng dư nợ, trong đó khoảng 40% cho vay bất động sản (116.000-180.000 tỷ đồng). Còn xét về nhu cầu vay, dân số Việt Nam trong độ tuổi lao động chiếm đến 70% trong gần 100 triệu dân.
Trong khi đó, số lượng dân cư có giao dịch tín dụng được ghi nhận chính thống qua NH và CTTC chỉ khoảng 33,5 triệu người. Điều này cho thấy kênh vốn đáp ứng nhu cầu chi tiêu cá nhân của TCTD vẫn còn hạn chế.
Với nhiệm vụ được giao triển khai gói 5.000 tỷ đồng, ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank, cho biết NH đang thí điểm CVTD cho mục đích hiếu hỉ, ốm đau bệnh tật, đóng học phí… tại điểm nóng về tín dụng đen là địa bàn tỉnh Gia Lai. Theo đó, Agribank phối hợp với chính quyền các xã, phường, hội đoàn thể trong tỉnh Gia Lai để cho vay, lãi suất thỏa thuận đảm bảo bù đắp chi phí.
Tuy nhiên, trước nay, dòng vốn tín dụng tiêu dùng từ hệ thống NH hướng tới các khoản cho vay lớn, như mua bán và sửa chữa nhà ở và phương tiện giao thông, tức chủ yếu cho vay có tài sản thế chấp và chứng minh rõ nguồn thu nhập trả nợ, vẫn là điểm gây băn khoăn.
Đẩy lùi tín dụng đen: Thủ tục vay tiêu dùng cần nhanh gọn ảnh 1 Siết chặt quản lý để chặn đứng vấn nạn cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật... của tín dụng đen.
Lãnh đạo Agribank cho biết sẽ đẩy mạnh cho vay, nhưng vẫn yêu cầu khách hàng phải chứng minh thu nhập và có khả năng trả nợ. Nếu hồ sơ đầy đủ ngay lần cung cấp đầu tiên, khách hàng sẽ được giải ngân trong ngày. Do đó, đáp ứng được hồ sơ vay vẫn là một thủ tục phải vượt qua khi tiếp cận gói tín dụng này.
Trong khi đó, với CTTC người dân muốn vay tín chấp hoặc mở thẻ tín dụng chỉ cần đặt yêu cầu với nhân viên tín dụng, điền thông tin vào hồ sơ. Hồ sơ này được gửi trực tuyến về công ty, tổng đài gọi điện cho người thân xác nhận thông tin khách hàng đăng ký vay và đưa ra quyết định cho vay.
Thủ tục vay kể trên chỉ mất khoảng 30 phút nhưng để bù đắp rủi ro trong cho vay cá nhân, CTTC áp dụng lãi vay đến 20-30%/năm. Như vậy, NH nếu cho vay lãi suất khoảng 12-14%/năm, chắc chắn khâu xét duyệt hồ sơ sẽ gắt gao hơn so với các CTTC.

Cần khuyến khích CTTC tham gia
Thời gian gần đây, trong xu thế bão hòa việc vay mua trả góp, HDSaison giảm bớt tỷ trọng trong lĩnh vực này, tập trung khai thác các sản phẩm cho vay mới về giáo dục, du lịch, vé máy bay… Trong khi đó, Home Credit, FE Credit và các CTTC mới như Easy, VietCredit, Lotte Card, đang tăng cường cho vay tiền mặt, cho vay qua thẻ. Cuộc cạnh tranh mạng lưới cũng rất khốc liệt, bên cạnh việc đã phủ rộng ở thành thị, các CTTC đang tiến về thị trường nông thôn.
Theo tổng giám đốc một CTTC, CVTD của các định chế này tập trung phân khúc khách hàng khác biệt so với NH, là lực lượng lao động có ít hoặc chưa có lịch sử giao dịch với NH, hoặc không thể vay được tại NH. Nghĩa là những đối tượng dưới chuẩn cấp tín dụng của NH, như người có thu nhập trung bình hoặc thấp, không có tài sản thế chấp, không chứng minh được thu nhập; chưa có lịch sử tín dụng hoặc điểm tín dụng thấp vẫn có thể được vay từ CTTC.
Khách hàng chỉ cần những giấy tờ đơn giản có sẵn trong ví như chứng minh nhân dân và giấy phép lái xe (hoặc sổ hộ khẩu) là đủ hồ sơ cần thiết để đăng ký khoản vay và tiếp cận nguồn vốn chính thống. Thống kê từ Home Credit đưa ra từ năm 2018 cũng cho biết, đã có hơn 4 triệu người chưa từng tiếp cận vốn vay NH được vay tại các CTTC nhờ thủ tục đơn giản.
Những điều nói trên cho thấy, đẩy lùi tín dụng đen ngoài khuyến khích các NHTM thực hiện CVTD, cần có chính sách thúc đẩy các CTTC nhập cuộc. CTTC cũng là những đơn vị được cấp giấy phép kinh doanh chính thức, hoạt động dựa trên những quy định nghiêm ngặt của Chính phủ, được quản lý, giám sát bởi các cơ quan chức năng.
Các đơn vị này cũng đã đầu tư lớn vào công nghệ để đơn giản hóa thủ tục và quy trình cho vay, giúp người dân tiếp cận vốn trong thời gian rất ngắn. Đây là những lợi thế cần khai thác. Bởi  hạn chế tín dụng đen là vấn đề rất phức tạp và đòi hỏi nhiều giải pháp từ nhiều phía.
Nhưng với đặc thù sẵn có trong cho vay cá nhân, các CTTC sẽ giải quyết tốt hơn nhu cầu về vốn an toàn cho người dân, giảm bớt đất sống của tín dụng đen, tránh được nhiều bất ổn trong xã hội. Thông qua gói vay nhỏ với CTTC, người dân được cải thiện điểm tín dụng trên hệ thống Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), từ đó họ tự tin và dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ NH sau này.
 Tín dụng đen là một phần của tín dụng phi chính thức và cũng là nhu cầu của xã hội. Tín dụng phi chính thức chiếm khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó, 60-65% được vay từ bạn bè, người thân và khoảng 30-35% là tín dụng đen (tương ứng 400.000-500.000 tỷ đồng). 

Các tin khác