Đặc điểm này khiến DN khó tiếp cận tín dụng ngân hàng và các tổ chức bảo lãnh tín dụng (BLTD).
Một bất cập khác là do nguồn vốn của quỹ BLTD được cấp từ ngân sách địa phương, nên khi xảy ra rủi ro quỹ phải trả nợ thay cho DN. Để thực hiện việc này, quỹ phải xin ý kiến của UBND tỉnh. Sau đó, UBND tỉnh lại ra văn bản xin ý kiến các cơ quan liên quan.
Như vậy, về quy chế và thẩm quyền, quỹ BLTD được phép xử lý tài sản thế chấp của khách hàng theo cam kết khi vay vốn, nhưng trên thực tế thủ tục này rất phức tạp và rắc rối, đã dẫn đến việc ngân hàng cảm thấy rủi ro lớn khi cho vay khách hàng được bảo lãnh thông qua quỹ BLTD DNNVV. Thậm chí, khi xảy ra sự cố hay nợ xấu, DN không có tài sản bảo đảm, những người làm ở quỹ phải chịu trách nhiệm, bị quy trách nhiệm hình sự.
Những vướng mắc phát sinh trong thực tế khiến mục tiêu hoạt động của các quỹ BLTD không đạt được và đòi hỏi phải thay đổi. Hiện nay, quỹ BLTD hoạt động với mục tiêu phi lợi nhuận nên khó kêu gọi sự đóng góp từ các tổ chức tín dụng khác hay DN. Theo NCIF, mô hình BLTD Việt Nam có thể học hỏi là Chính phủ tạo ra cơ chế bảo lãnh tương trợ, có thể hoạt động dưới hình thức hiệp hội.
Mô hình này giải quyết được những bất đồng giữa ngân hàng và DN trong đánh giá rủi ro khách hàng vay. Cơ chế bảo lãnh tương trợ này được thiết lập còn khắc phục được khó khăn trong công tác thẩm định của các quỹ BLTD khi cán bộ không đủ năng lực.
Về điều kiện BLTD và quản lý rủi ro, các chuyên gia cho rằng cần nới quy định về biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn. Theo đó, DN đã có quan hệ tín dụng với ngân hàng, có phương án sản xuất, kinh doanh đã được ngân hàng thẩm định, nhưng do thiếu tài sản thế chấp, được ngân hàng giới thiệu đến quỹ bảo lãnh cho phần tài sản thế chấp còn thiếu, không nhất thiết phải có tài sản bảo đảm bảo lãnh tại bên bảo lãnh.
Bên cạnh đó, bổ sung biện pháp bảo đảm vay vốn, áp dụng mức trần bảo lãnh khác nhau đối với các DN có hay không có tài sản bảo đảm bảo lãnh. Để giảm rủi ro trong trường hợp DN không có tài sản bảo đảm bảo lãnh, phạm vi bảo lãnh có thể được điều chỉnh thành bảo lãnh tối đa 80% khoản vay của DNNVV tại tổ chức tín dụng. Đối với quy định về tài sản thế chấp, có thể xem xét chấp thuận tài sản thế chấp là hợp đồng sản xuất hay hợp đồng bán hàng hóa của DN.