Đối với TPHCM, sự quan tâm hộ nghèo trong lúc này, đặc biệt là người dân các tỉnh đang mưu sinh tại thành phố, còn là đạo lý. “Trong thời gian không có dịch, những công nhân, người lao động ấy đem công sức của mình đóng góp cho thành phố phát triển. Nay, trong bối cảnh dịch bệnh, không có việc làm thì trách nhiệm của chúng ta là chăm lo đầy đủ cho họ”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ. Tại một cuộc họp hôm 16-8, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, cũng đã chỉ rõ, hàng trăm ngàn người muốn rời thành phố vì nhiều lý do, trong đó có sức chịu đựng có hạn, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, không biết tương lai ra sao nên không thể để kéo dài thêm nữa. Điều này cho thấy thành phố thấu cảm hoàn cảnh nhân dân.
Thành phố triển khai liên tục các chương trình hỗ trợ, các tổ chức xã hội từ thiện, nhà hảo tâm, địa phương trong cả nước chung tay chia sẻ. TPHCM đang kích hoạt gói hỗ trợ lần 3 cho người có hoàn cảnh khó khăn, mức dự kiến 50.000 đồng/người/ngày. Trước mắt hỗ trợ cho 2 tuần (từ 15-8 đến 30-8), như vậy mỗi người sẽ được nhận khoảng 700.000 đồng, với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng. Trung tâm An sinh TPHCM đã tạm ứng ngay mỗi quận, huyện 1 tỷ đồng và TP Thủ Đức 3 tỷ đồng để chăm lo kịp thời cho các hộ khó khăn. Nguồn chi này không đòi hỏi bất kỳ giấy tờ gì của nhân dân. Đồng thời Trung tâm An sinh TPHCM hỗ trợ 1 triệu suất ăn cho người dân khó khăn; tổ chức những chuyến xe 0 đồng tới từng khu vực có nhiều người khó khăn, phát 2.500 suất quà/ngày và thực hiện suốt 1 tháng; sẵn sàng chương trình trao 1 triệu túi an sinh xã hội trong đợt giãn cách này, ngày 19-8 sẽ cấp phát tới tận tay người dân...
Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, các chương trình an sinh cho dân được triển khai sâu rộng bằng nhiều phương thức xuống địa bàn dân cư. Khoảng 10 giờ sáng 16-8, cảnh sát khu vực gọi điện thoại cho anh Thái Đức Độ (ngụ tại phường Bến Thành, quận 1, TPHCM), hỏi có phải gia đình anh có 2 sinh viên đang thuê nhà hay không để phường hỗ trợ. Anh Độ phản hồi, người thuê nhà là nhân viên đang đi làm việc, không phải là sinh viên. Họ cho biết tự trang trải được cuộc sống nên phường hãy dành các suất hỗ trợ ấy cho người đang gặp khó khăn. Câu chuyện anh Độ chia sẻ như minh chứng sinh động cho yêu cầu của lãnh đạo TPHCM trong hỗ trợ người dân khó khăn là phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, để không ai bị bỏ lại phía sau”, dẫn đến đói khổ.
Tại khu nhà trọ ở tổ 95, khu phố 4, phường An Lạc, quận Bình Tân, chị Huỳnh Bích Phụng tâm sự: Chồng chị là lao động chính trong gia đình, mỗi tháng thu nhập gần 6 triệu đồng xoay xở vừa đủ tiền nhà trọ, tiền sữa cho 3 đứa con nhỏ (đứa lớn gần 4 tuổi, đứa nhỏ nhất 5 tháng). Những tháng qua mất việc, tiền ăn, tiền nhà dần trở thành gánh nặng, nhưng đến nay gia đình chưa nhận được hỗ trợ nào.
Cũng ở khu phố 4, phường An Lạc, chị công nhân Nguyễn Thị Kim Dung cho biết bị cho nghỉ việc hơn 2 tháng nay, chồng làm phụ hồ cũng ở không. Chủ nhà thương tình giảm 50% tiền trọ mỗi tháng, nhưng số còn lại (1 triệu đồng) gia đình chị cũng không biết lấy đâu chi trả. Trưởng khu phố đã đến ghi tên chị vào danh sách hỗ trợ, nhưng đã hơn 2 tháng vẫn chưa thấy tiền hỗ trợ.
Ngày 17-8, trao đổi với PV Báo SGGP về những trường hợp “lọt sổ nhận hỗ trợ”, một lãnh đạo UBND quận Bình Tân nhìn nhận, có rất nhiều lao động ở quận chưa nằm trong danh sách được hỗ trợ. Cụ thể, ở những lần hỗ trợ trước, quận được duyệt danh sách hỗ trợ hơn 16.100 người gặp hoàn cảnh khó khăn và hơn 19.000 người lao động không có giao kết hợp đồng. “Ngoài danh sách đó, quận rà soát lại và kiến nghị Sở LĐ-TBXH bổ sung 179.790 trường hợp cần được hỗ trợ khẩn cấp”, lãnh đạo UBND quận Bình Tân thông tin.
Lãnh đạo nhiều địa phương khác cũng thẳng thắn nhìn nhận, trong rà soát, lập danh sách có thể sót các trường hợp khó khăn. Tuy nhiên, con số này sẽ không nhiều. Điều quan trọng, theo các gói hỗ trợ lần 1, lần 2 và kể cả lần 3 này vẫn có khả năng nhiều trường hợp không đủ điều kiện được hỗ trợ. “Lãnh đạo TPHCM nhất quán chủ trương những trường hợp gặp khó khăn đều được giải quyết, nhưng khi địa phương gửi danh sách đến Sở LĐTB-XH thì bị “xén bớt”. Số lượng hỗ trợ được “phân bổ” rất thấp so với thực tế, gây rất nhiều khó khăn cho địa phương. Đặc biệt, cô chú tổ dân phố chịu rất nhiều áp lực vì người dân khiếu nại, phản ứng không được đưa vào danh sách”, lãnh đạo một địa phương chia sẻ.
Trong khi đó, Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TPHCM), nhấn mạnh đến yếu tố huy động nguồn lực xã hội tham gia hỗ trợ. Ông cho rằng, ngoài chi phí ăn uống, thì tiền trọ, tiền nước, tiền điện là gánh nặng không thể giải quyết. Chính quyền TPHCM cần hỗ trợ tiền mặt để người dân đáp ứng các chi phí cơ bản nhất, giúp họ yên tâm bám trụ qua đại dịch. Thế nhưng, ngân sách thành phố không thể giải quyết được đầy dủ, trọn vẹn câu chuyện an sinh này. Đây là lúc TPHCM cần kêu gọi các hiệp hội doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng tham gia, đồng hành với thành phố.
Một nhà hảo tâm sinh sống tại quận 3, TPHCM nêu ý kiến, người dân luôn sẵn sàng giúp đỡ và đang giúp nhau rất nhiều trong mùa dịch. Tuy nhiên, vai trò tổ chức, tập hợp lực lượng của các cấp chính quyền, của các đoàn thể cần thể hiện rõ ràng hơn. Theo ông, thành phố cần có kế hoạch lâu dài cho an sinh, an dân, ít nhất là kế hoạch 6 tháng, không thể chỉ cấp tiền tháng 8, tháng 9 và 1 triệu gói an sinh cho ngắn hạn. Trên cơ sở đó sẽ tổ chức thực hiện, huy động đóng góp của người dân một cách có bài bản, rõ mục tiêu, rõ số lượng, không chắp vá, không đuổi theo giải quyết sự cố.