Tình hình vẫn nhiều khó khăn
Những năm trước, cứ sau Tết Nguyên đán, các DN dệt may, da giày lại tăng tốc tuyển dụng nhân sự, đào tạo để kịp hoàn thành các đơn hàng cho khách. Lý do, đơn hàng nhiều nhưng công nhân chưa quay lại nhà máy, chưa kể không ít công nhân nhảy việc sau Tết. Nhưng năm nay mọi chuyện lại khác hoàn toàn.
Chia sẻ cùng ĐTTC, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết năm nay NLĐ quay lại rất sớm và ổn định với khoảng 90% lao động đã quay lại nhà máy, nhưng DN vẫn đang chật vật vì thiếu đơn hàng.
Theo ông Hồng, hiện lượng đơn hàng các DN có chỉ bằng 60-70% so với năm trước, thậm chí ít hơn và một số DN không có đơn hàng. Để giữ chân NLĐ, DN phải sắp xếp làm việc luân phiên, giảm giờ làm để ai cũng có thu nhập.
“Với DN trong các ngành sử dụng nhiều lao động, NLĐ chính là tài sản quý nên họ đang nỗ lực duy trì việc làm, thu nhập cho cán bộ, công nhân và chờ đợi tín hiệu khởi sắc của thị trường” - ông Hồng nói.
Tương tự, việc giảm giờ làm và làm việc luân phiên cũng đang diễn ra tại không ít DN trong ngành da giày do thiếu đơn hàng. Tại hội nghị tổng kết công tác chăm lo Tết Quý Mão, Sở LĐ-TB-XH TPHCM đã có báo cáo tình hình lao động sau Tết.
Một thống kê mới nhất về tình hình lao động và đơn hàng của các DN trên cả nước đang đưa ra nhiều con số đáng lo ngại. Theo đó, tính đến hết tháng 1 có 528 DN bị cắt giảm đơn hàng, trong đó tập trung ở DN dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí công nghiệp phụ trợ.
Theo tính toán ngành dệt may, da giày sụt giảm 20-30% đơn hàng, chế biến gỗ 70% và công nghiệp phụ trợ 50%. Có khoảng 640.000 lao động bị ảnh hưởng, trong đó chủ yếu là giảm giờ làm. Thống kê cho thấy số giờ làm việc bình thường giảm từ 8 giờ/ngày xuống còn hơn 7 giờ.
Kỳ vọng khởi sắc từ quý II
Trước bối cảnh đơn hàng vẫn thiếu hụt trầm trọng như hiện nay, câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm là khi nào tình hình sẽ sáng trở lại. Ông Phạm Xuân Hồng cho rằng đơn hàng của các DN cải thiện sớm hay muộn phụ thuộc vào tình hình của cuộc xung đột Nga - Ukraine, cũng như vấn đề lạm phát tại các nước nhập khẩu lớn của Việt Nam là Mỹ và châu Âu. Thế nhưng các DN vẫn kỳ vọng mọi thứ sẽ sớm khởi sắc trở lại từ quý II.
“Sau thời gian dài từ quý IV năm trước cắt giảm chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu do lo ngại lạm phát, hy vọng từ quý II tới nhu cầu của người tiêu dùng tại các quốc gia sẽ dần phục hồi và đơn hàng theo đó cũng trở lại với các DN” - ông Hồng nói.
Ngành gỗ cũng đang có nhiều hy vọng trong năm nay sẽ bớt khó khăn hơn. Tại hội nghị tổng kết năm diễn ra hồi giữa tháng 1 vừa qua, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhìn nhận 2022 được xem là năm khó khăn nhất từ trước đến nay với ngành gỗ. Các DN phải đối diện với thách thức thiếu vốn, thiếu nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ sản phẩm sụt giảm mạnh.
Quý I-2023 ngành gỗ vẫn chịu nhiều sức ép, nhưng qua quý II kỳ vọng lượng đơn hàng cơ bản khôi phục 82-85%. Toàn ngành vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 7-9% tương đương kim ngạch 18 tỷ USD trở lên trong năm 2023. Bởi theo đánh giá, sau khi giảm lượng đặt hàng trong thời gian dài, sản phẩm gỗ tồn kho tại một số thị trường lớn như Mỹ bắt đầu cạn kiệt. Ngoài ra những tháng đầu năm sẽ có nhiều hội chợ sản phẩm gỗ lớn. Đây sẽ là cơ hội cho các DN ngành gỗ trong việc tìm kiếm đơn hàng năm nay.
Không chỉ nỗ lực tìm kiếm đơn hàng từ thị trường cũ, khai thác thị trường mới, nhiều ngành như dệt may còn đang rất chú trọng đến bài toán sản xuất xanh để có thể đi đường dài và cạnh tranh với các đối thủ khác, bởi người tiêu dùng của các quốc gia nhập khẩu lớn hiện đang đặt yêu cầu xanh cho sản phẩm rất cao.
Năm 2022 trong khi nhiều nước sản xuất dệt may bị suy giảm xuất khẩu, Bangladesh vẫn khá ung dung tăng trưởng. Một trong những lý do để Bangladesh xuất khẩu ổn định là nhờ chiến lược xanh hóa ngành may. Hiện 9 trong số 10 nhà máy may mặc xanh hàng đầu thế giới nằm ở Bangladesh.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, đánh giá: “Hiện nay các lợi thế của dệt may Việt Nam so với các quốc gia khác không còn nhiều, thậm chí nếu so sánh với Bangladesh về tiếp cận công nghệ và sản xuất xanh, chúng ta không còn lợi thế nào”.
Vì thế, nếu Việt Nam muốn duy trì vị trí thứ 3 về xuất khẩu may mặc trên thế giới phải bứt tốc trong 2023, 2024 và 2025. Một điều không hề dễ dàng. Bởi chỉ nói riêng câu chuyện xanh hóa, ngành dệt may Việt Nam đã triển khai chương trình này từ năm 2018, nhưng với 80% DNNVV, các nguồn lực để xanh hóa vẫn còn thiếu và yếu.
Việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến Covid-19 ở Trung Quốc, cộng với những dấu hiệu cho thấy suy thoái ở châu Âu và Mỹ có thể ít nghiêm trọng hơn dự kiến, đã mang lại niềm lạc quan về khả năng tăng trưởng ở Việt Nam.