Di cư ồ ạt, cuộc khủng hoảng mới ở Iran

(ĐTTCO) - Áp lực kinh tế và chính trị trong nước, cùng lo ngại về nguy cơ chiến tranh, đã thúc đẩy số người rời bỏ đất nước Iran gia tăng. Theo ước tính của Liên hiệp quốc, trong giai đoạn 2018-2022 đã có khoảng 1,5 triệu người Iran rời bỏ đất nước, tương đương 2% dân số.
Người di cư chờ xe buýt đến miền tây Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi đi bộ 200 km từ biên giới Iran.
Người di cư chờ xe buýt đến miền tây Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi đi bộ 200 km từ biên giới Iran.

Những lý do rời bỏ đất nước

Cặp vợ chồng nhạc sĩ người Iran, Negar và Amir, đang lưỡng lự trước việc ở lại hay rời quê hương khi đã có được thị thực cư trú tại Canada. Negar, 35 tuổi, một nghệ sĩ violin chuyên nghiệp và giáo viên âm nhạc, nói: “Không có hy vọng cho tương lai và không có niềm tin vào chính phủ khi lạm phát phi mã. Học sinh của chúng tôi không đủ khả năng để đi học và chúng tôi không đủ khả năng để thuê không gian biểu diễn”.

Negar và Amir không phải là cá biệt trong việc cân nhắc di cư ra nước ngoài. Cơ quan Giám sát Di cư Iran (IMO) cho biết Iran đang trải qua giai đoạn “di cư hàng loạt không kiểm soát”, với sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng đơn xin tị nạn ở nước ngoài của người dân. Theo dữ liệu của OECD, Iran có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới về tỷ lệ di cư sang các nước OECD giàu có, từ khoảng 48.000người năm 2020 lên 115.000 người năm 2021, tức tăng tới 141%.

Các nhà phân tích cho rằng động lực phía sau làn sóng này có thể được phân thành 3 nhóm chính. Thứ nhất, về chính trị Iran là quốc gia có chính phủ độc tài, với quyền lực tập trung vào tay nhóm nhỏ nhà lãnh đạo tôn giáo. Chính phủ này đã bị chỉ trích nhiều về việc vi phạm nhân quyền, đàn áp tự do ngôn luận và tôn giáo.

Các cuộc biểu tình lớn đã nổ ra ở Iran trong những năm gần đây để phản đối chính phủ. Tehran đã đàn áp các cuộc biểu tình này một cách tàn bạo, khiến nhiều người bị thương và thiệt mạng. Sự bất mãn với chính phủ đã khiến nhiều người Iran tìm cách rời khỏi đất nước để tìm kiếm tự do và an toàn.

Thứ hai, về kinh tế Iran đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm lạm phát cao, thất nghiệp và suy thoái. Tỷ lệ lạm phát của Iran đã ở mức trên 40% trong 4 năm qua, do nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt đối với chương trình hạt nhân của Tehran.

Các lệnh trừng phạt này đã gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế Iran, bao gồm hạn chế khả năng xuất khẩu dầu mỏ và nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu. Chính sách kinh tế của chính phủ Iran cũng không hiệu quả, dẫn đến lạm phát cao và thất nghiệp.

Các khó khăn kinh tế đã khiến nhiều người Iran không thể tìm được việc làm và trang trải cuộc sống. Điều này đã khiến họ buộc phải rời khỏi đất nước để tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Thứ ba, lo ngại Iran có thể bị lôi kéo vào cuộc xung đột rộng lớn hơn nếu chiến tranh ở Dải Gaza leo thang.

Chảy máu chất xám

Người di cư Iran thường hướng tới Mỹ, Australia, Canada và châu Âu. Tuy nhiên, theo IMO, các quốc gia Ả Rập như UAE, Qatar và Oman trở nên hấp dẫn đối với những người đang tìm kiếm việc làm, và Thổ Nhĩ Kỳ cũng trở thành điểm đến được ưa chuộng trong những năm gần đây. Những người rời Iran bao gồm vận động viên chuyên nghiệp, nghệ sĩ, công nhân lành nghề và kỹ thuật viên thuộc tầng lớp thượng lưu giàu có…

Tuy nhiên, những năm gần đây sự di cư của nhân viên y tế đã gây ra mối lo ngại đặc biệt. Mohammad Sharifi-Moqaddam, Tổng Thư ký Tổ chức phi chính phủ Nurses House có trụ sở tại Tehran, cho biết số y tá rời khỏi đất nước mỗi năm đã lên tới 3.000, trong khi lĩnh vực này hiện thiếu 100.000 người. “Họ đang chuyển đến Đức, nơi họ có thể dễ dàng kiếm được 2.500EUR/tháng thay vì 200EUR ở đây” - Mohammad nói.

Theo Hossein-Ali Shahriari, người đứng đầu Ủy ban Y tế của Quốc hội Iran, trong 2 năm qua gần 10.000 bác sĩ đã nộp đơn xin chứng chỉ tốt mà các quốc gia điểm đến yêu cầu. Mahsa, 52 tuổi, một nha sĩ có 20 năm kinh nghiệm, đã cố gắng chuyển đến Australia, Canada, Pháp hoặc Thổ Nhĩ Kỳ để mang lại cho con gái bà một tương lai hứa hẹn hơn. Con gái bà cũng là bác sĩ.

“Ở tuổi của tôi, có thể tôi không thể hành nghề nha khoa ở nước khác, nhưng tôi biết cô con gái 26 tuổi sẽ không có thu nhập đáng kể và tương lai sẽ không có nhiều cơ hội để hành nghề ở đây. Tôi cũng lo lắng về khả năng xảy ra chiến tranh. Chúng tôi đã trải qua chiến tranh và biết nó khủng khiếp như thế nào” - bà nói

Ngành công nghệ cũng đang trải qua cuộc di cư. Một cố vấn của Bộ trưởng Kinh tế cho biết vào tháng 9 năm ngoái 50% công ty khởi nghiệp công nghệ của Iran đã nộp đơn xin thành lập ở nước ngoài. Giám đốc IMO Bahram Salavati cho biết 2.000 thị thực khởi nghiệp đã được cấp cho các doanh nhân Iran ở Canada và Anh trong giai đoạn 2019-2022.

Nima Namdari, nhà phân tích kinh tế kỹ thuật số, nói: “Một số chuyên gia trong ngành công nghệ tin rằng Iran là môi trường có rủi ro cao đối với các công ty khởi nghiệp vì triển vọng kinh tế không ổn định. Những người khác muốn tiếp tục cập nhật kiến thức tiên tiến, nhưng bị cản trở bởi sự kém phát triển về công nghệ và các biện pháp trừng phạt ở đây. Kết quả họ đều rời đi, làm cạn kiệt hệ sinh thái khởi nghiệp của Iran”.

Các quan chức đã hạ thấp mối lo ngại. Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề khoa học của Iran, Rouhollah Dehghani Firouzabadi, cho biết trong tháng này rằng dữ liệu nhập cư “không đáng báo động”. Tổng thống Ebrahim Raisi gần đây lập luận làn sóng di cư của các bác sĩ là xu hướng “có thể đảo ngược” vì “công việc tử tế” đang chờ đợi những người trở về.

Tuy nhiên, IMO cho biết trong báo cáo năm 2021 về triển vọng di cư của Iran, các chính sách của nhà nước nhằm quản lý việc di cư và khuyến khích người Iran ở nước ngoài hồi hương đã không hiệu quả. Negar cho biết kể từ các cuộc biểu tình năm ngoái, nhiều người trong cộng đồng nghệ thuật đã tránh xa các sự kiện văn hóa hàng đầu do nhà nước tổ chức, chẳng hạn như lễ hội âm nhạc Fajr hàng năm, để biểu diễn ở nước ngoài.

Cô nói: “Là những nhạc sĩ độc lập, điều đó khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đóng gói hành lý của mình”.

Sự bất ổn về chính trị, kinh tế và tâm lý lo sợ chiến tranh xảy ra, đang khiến ngày càng nhiều dân Iran di cư ra nước ngoài, đặc biệt là nhân lực các ngành trọng yếu của Iran.

Các tin khác