(ĐTTCO) -Đế chế Nga trải qua bước ngoặt quan trọng, khi lần đầu tiên trong lịch sử Nữ hoàng Ekaterina I (còn gọi là Catherine I) lên ngôi cai trị vào năm 1725, khi Pyotr Đại đế băng hà. Bà có sắc đẹp thu hút, là vợ kế của vị vua này, thân thế bí ẩn, xuất thân từ một gia đình nông dân Latvia theo đạo Công giáo La Mã. Khi được truyền ngôi, Nữ hoàng Ekaterina I nhanh chóng củng cố quyền lực, tỏ ra thân thiện và hào phóng, tiếp tục thực hiện các chính sách và chương trình cải tổ đất nước của Pyotr Đại đế. Nhưng do bạo bệnh, bà mất đi chỉ sau 2 năm 3 tháng lên ngôi.
Elizabeth, con gái Nữ hoàng, tiếp tục nối ngôi vào năm 1741. Dưới triều đại Elizabeth, Đế quốc Nga cuốn vào 2 cuộc chiến quan trọng ở châu Âu: Cuộc chiến tranh kế vị Áo và Chiến tranh Bảy năm. 20 năm sau, Nữ hoàng băng hà, khi đó Đế quốc Nga đã củng cố và mở rộng lãnh thổ lên đến 16 triệu km2. Nữ hoàng Elizabeth là một trong những vị hoàng đế điển hình, được nhân dân Nga ngưỡng mộ, vì trị vì đất nước khoan hòa, không cho người ngoại quốc làm quan trong triều, giữ vững bờ cõi, đối đầu mạnh với vương quốc Phổ và các lân bang.
Vị nữ hoàng khác – Ekaterina II hay còn gọi là Catherine Đại đế, tiếp tục nối ngôi năm 1762, có thời gian trị vì lâu dài nhất của Đế quốc Nga (34 năm). Bà có đóng góp to lớn trong việc đưa Đế chế Nga trở thành một cường quốc tại châu Âu vào thế kỷ 18 bằng cả 2 kế sách chinh phạt và ngoại giao; thực hiện hiện đại hóa nước Nga. Giai đoạn trị vì của Nữ hoàng Ekaterina II được xem là thời đại hoàng kim của Đế quốc Nga, tạo dựng chủ nghĩa khai sáng ở Nga, đưa nước Nga phát triển rực rỡ, hùng mạnh.
Nhiều công trình kỳ vĩ ở St. Petersburg được xây dựng trong thời kỳ trị vì các nữ hoàng, nhằm thể hiện quyền lực và tài chính của đế chế. Khẳng định sức mạnh vật chất, lẫn văn hóa-tinh thần. Nữ hoàng Elizabeth đã hỗ trợ nhà khoa học M.V. Lomonosov thành lập Trường Đại học Moskva, I. Shuvalov sáng lập Viện Hàn lâm Mỹ thuật Đế quốc Nga ở kinh đô St. Petersburg, chi khoản tiền lớn để kiến trúc sư bậc thầy Bartolomeo Rastrelli xây dựng những công trình kiến trúc barốc nguy nga, như Peterhof và Hoàng Thôn (còn gọi là Cung điện Ekaterina), Cung điện Mùa Đông, Đại giáo đường Smolny...
Cung điện Ekaterina do Nữ hoàng Ekaterina I xây dựng, sau đó được Nữ hoàng Elizabeth mở rộng. Các hạng mục khác như hoa viên, nhà thờ, ban công... được xây mới hoặc tôn tạo. Mặt tiền cung điện là 8 cây cột lớn và 4 tượng điêu khắc làm nổi bật hoàng cung. Bước vào cung điện, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi sắc vàng rực rỡ của đại sảnh và các căn phòng. Các hoa văn, bức tượng, phù điêu đều được dát vàng lấp lánh chứng tỏ sự hùng mạnh của đế chế. Đến đây, du khách phải chờ đến lượt tham quan Phòng Hổ phách nổi tiếng – phải thấy tận mắt một lần trong đời (cấm quay phim, chụp ảnh). Tương truyền hổ phách được khảm trên các bức tường đều tuyển chọn loại tốt nhất, giá trị nhất. Tổng trọng lượng hổ phách được dùng lên đến 6 tấn.
Mặt tiền Cung điện Ekaterina (Hoàng Thôn). |
Nhà thờ trong cung điện nổi bật trên nền trời xanh. |
Bàn ăn khánh tiết của Nữ hoàng. |
Một bức tường Phòng Hổ phách chạm trổ tinh vi (chụp từ xa). |
Một góc gian Đại sảnh. |
Chân dung Nữ hoàng Ekaterina II. |
Nữ hoàng Ekaterina I. |
Du khách chen chúc tham quan. |
Bức tượng dát vàng và họa tiết trang trí trong cung điện. |