'Điểm nghẽn' phức tạp trong cải tạo chung cư nguy hiểm

(ĐTTCO)-Nhằm cải thiện chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, gắn với tái thiết đô thị, thành phố Hà Nội đã ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, với các kế hoạch cụ thể.
Chung cư G6A, tập thể Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội).
Chung cư G6A, tập thể Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội).

Trong đó đợt 1 sẽ ưu tiên cải tạo trước các chung cư nguy hiểm. Tuy nhiên, một số người dân bất chấp nguy hiểm, vẫn bám trụ sinh sống trong các tòa nhà đã bị nghiêng, lún. Điều này tạo ra "điểm nghẽn" trong triển khai công tác cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội.

Chung cư số 148-150 phố Sơn Tây, phường Kim Mã, quận Ba Đình là nhà hai tầng, kết cấu tường chịu lực, lợp ngói, được xây dựng từ những năm 40 thế kỷ trước. Trải qua quá trình sử dụng, công trình xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2009 tòa nhà đã bị sập một phần mái ngói tầng hai, người dân buộc phải di dời khẩn cấp trong đêm đến nơi tạm cư sinh sống để cải tạo, xây dựng lại. Tuy nhiên đến nay vẫn còn ba hộ dân (trên tổng số 19 hộ) chưa chịu di dời, kiên trì bám trụ, bất chấp nguy hiểm luôn rình rập.

Tại phường Thành Công, quận Ba Đình, cảnh tượng tại nhà G6A Thành Công khiến mọi người phải giật mình. Nhà G6A gồm hai đơn nguyên, cao năm tầng đã xuống cấp nghiêm trọng. Giữa hai đơn nguyên xuất hiện một khe lớn hình chữ V rộng hơn một mét. Cầu thang, trần nhà đều xuất hiện những vết nứt ngang, dọc lớn, nhỏ; tường, trần nhà bong tróc, người dân vá víu tạm khắp nơi.

Trong quá trình sử dụng, nhiều hộ dân tự ý đục tường, đua dầm thép, dựng "chuồng cọp", cơi nới diện tích, chất tải thêm cho công trình. Điều này dẫn đến tình trạng lún nghiêng vẫn tiếp tục diễn ra. Năm 2016, cơ quan kiểm định chất lượng đã công bố tòa nhà ở mức nguy hiểm cấp độ D - cấp độ buộc phải phá dỡ, xây dựng lại.

Tuy nhiên, bảy năm qua, không ít người dân sinh sống tại đây vẫn không đồng tình với kết quả kiểm định chất lượng tòa nhà. Họ thừa nhận nhà có nghiêng, nhưng "nghiêng bền vững", vẫn "bảo đảm an toàn". Thậm chí, có cư dân còn khẳng định, sẵn sàng viết cam kết tự chịu trách nhiệm nếu chẳng may chung cư có sự cố. Thành phố Hà Nội cùng Ủy ban nhân dân quận Ba Đình đã lên phương án di dời người dân. Song nhiều hộ gia đình không chịu di dời.

Trên địa bàn Hà Nội có gần 1.800 tòa chung cư cũ. Nhiều chung cư có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, nằm chủ yếu ở các quận nội thành cũ như: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng... Riêng trên địa bàn quận Ba Đình có 217 nhà chung cư cũ, trong đó có năm nhà chung cư đã có kết quả kiểm định mức độ nguy hiểm cấp D, gồm nhà A Ngọc Khánh, nhà C8 Giảng Võ, nhà G6A Thành Công, Tập thể Bộ Tư pháp và nhà số 148-150 phố Sơn Tây. Đây là địa bàn có nhiều chung cư cũ nguy hiểm nhất Hà Nội.

Việc cải tạo thành công những chung cư này sẽ tạo tiền đề, bài học kinh nghiệm cho những quận khác. Tuy nhiên, việc di dời người dân vẫn là "điểm nghẽn" phức tạp. Đến nay, quận đã hoàn thành di dời toàn bộ 106 hộ dân tại ba chung cư nguy hiểm, còn 23 hộ dân tại hai đơn nguyên nhà G6A Thành Công và ba hộ dân tại nhà số 148-150 phố Sơn Tây chưa chịu di dời. Lý do các hộ dân đưa ra là chưa đồng thuận với kết quả kiểm định chất lượng công trình và chưa đồng ý đến nơi tạm cư do chất lượng nhà tạm cư kém, vị trí quá xa với nơi ở cũ, ảnh hưởng tới sinh hoạt, làm việc, học tập.

Mới đây, sau trận động đất gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, vấn đề an toàn cho người dân sinh sống trong các chung cư nguy hiểm càng trở nên cấp thiết đối với cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Nội. Ủy ban nhân dân quận Ba Đình đã tổ chức cuộc đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân sinh sống tại các chung cư nguy hiểm.

Tại buổi đối thoại, đại diện các hộ dân cho biết, họ ủng hộ chủ trương cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và sẵn sàng di chuyển để cơ quan chức năng phá đi xây lại nếu những băn khoăn được giải quyết. Ông Nguyễn Trọng Hùng, người dân sinh sống tại nhà G6A Thành Công cho biết: "Ngoài kết quả kiểm định công trình, chúng tôi băn khoăn vì sợ "ra đi không biết ngày trở về".

Thực tế hiện nay, có rất nhiều hộ dân ở các chung cư khác di dời đến nơi tạm cư để xây dựng lại tòa nhà, nhưng sau nhiều năm dự án vẫn chưa hoàn thành. Chúng tôi mong muốn chính quyền chấp nhận nhà đầu tư đã được ban đại diện nhà chung cư lựa chọn hoặc giới thiệu doanh nghiệp có cam kết lộ trình cải tạo xây dựng lại tòa nhà rõ ràng".

Đại diện Ủy ban nhân dân quận Ba Đình cho biết, chính quyền có trách nhiệm bảo đảm an toàn về tính mạng cũng như tài sản của nhân dân, cho nên không thể đem sự an toàn tính mạng, tài sản của người dân ra đánh cược. Chính quyền làm trung gian giữa cư dân và chủ đầu tư để bảo đảm hài hòa lợi ích các bên.

Theo quy định, nếu doanh nghiệp thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư, người dân có thể nhận được hệ số bồi thường tối đa gấp hai lần. Những hộ dân có căn hộ 30m2, sau cải tạo có thể được bố trí căn hộ mới rộng 60m2. Còn nếu người dân và nhà đầu tư không tìm được tiếng nói chung, Nhà nước phải đứng ra thực hiện thì hệ số bồi thường bằng 1, nghĩa là sau khi thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư, hộ dân có căn hộ 30m2 chỉ được bồi thường đúng diện tích 30m2.

Về lộ trình thực hiện dự án, đại diện chính quyền Ba Đình cho biết, các đơn vị chức năng đang đo đạc, khảo sát, xác định chỉ giới đường đỏ; lập quy hoạch tổng mặt bằng toàn bộ khu tập thể Thành Công và dự kiến trong tháng 2/2023 trình Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội báo cáo thành phố. Nếu tháng 3/2023 thành phố phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, khoảng tháng 4/2023 sẽ ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư; công khai các tiêu chí và tổ chức hội nghị nhà chung cư để người dân lựa chọn nhà đầu tư.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư hiện nay xác định công tác quy hoạch phải đi trước. Để cải tạo, xây dựng lại nhà G6A phải thực hiện theo quy hoạch tổng thể cả khu Thành Công. Nếu làm như vậy thời gian sẽ kéo dài, cho nên quận đề xuất thành phố cho phép triển khai cùng lúc quy hoạch tổng mặt bằng khu Thành Công; đồng thời tách riêng nhà G6A và G6B để thực hiện trước.

Nếu được chấp thuận, dự kiến tháng 5/2023 có thể chọn được nhà đầu tư, tháng 7 phê duyệt chủ trương, tháng 9 phê duyệt dự án và cuối năm 2024 có thể hoàn thành xây dựng.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội sẽ cải tạo 10 khu chung cư cũ, bao gồm bốn khu chung cư có nhà nguy hiểm cấp độ D gồm: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, tập thể của Bộ Tư pháp và sáu khu có tính khả thi cao là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân.

Để làm được điều này, Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ thành phố đã yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân và Cầu Giấy khẩn trương thực hiện di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D, hoàn thành chậm nhất trong quý I/2023; khảo sát hiện trạng, kiểm định, lập quy hoạch, hoàn thành chậm nhất trong quý II/2023 và tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án trong quý III/2023.

Hy vọng, với sự vào cuộc tích cực này, tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nhất là các chung cư nguy hiểm trên địa bàn thành phố Hà Nội sớm được triển khai theo kế hoạch.

Các tin khác