Gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với quá nửa triệu ca nhiễm, hơn 20.000 người tử vong, cho thấy tốc độ “leo dốc” của đại dịch này không thua gì tốc độ xe đua F1. Dù không có tiếng gầm rú như máy bay phản lực của xe đua F1, nhưng sự lặng lẽ, âm thầm xâm nhập cơ thể con người của con virus này đang khiến cả thế giới bàng hoàng. Minh chứng là những nước có nền kinh tế lớn của thế giới, cũng như có hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại lại đang bị con virus nhỏ bé hành cho tơi tả.
Trong bối cảnh chung của thế giới, cho đến hiện tại kết quả phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta quả là đáng khâm phục và tạo niềm tin rất lớn cho người dân vào hệ thống y tế nước nhà.
Con số hơn 170 ca nhiễm vào cuối tuần qua và chưa có ca tử vong nào so với số liệu tương ứng của nhiều nước, là minh chứng cho thấy chúng ta đang kiểm soát tốt dịch Covid-19. Tuy nhiên, tình hình diễn biến dịch trong thời gian tới sẽ trở nên phức tạp và nguy hiểm, khả năng dịch lây nhiễm rộng ra cộng đồng rất cao. Chúng ta đang bước vào giai đoạn có tính quyết định cho toàn bộ công cuộc chống dịch.
Nhiệm vụ hiện nay là bằng mọi cách phải kiềm chế sự lây lan để không đạt mức 1.000 người mắc Covid-19 trong vòng 10 ngày, kể từ mốc có 100 người mắc - tức vào khoảng ngày 3-4 và tốt nhất là kiểm soát ở mức dưới 500 người mắc. Bởi theo số liệu thống kê từ nhiều nước trên thế giới và khẳng định, tình trạng lây lan Covid-19 là có quy luật.
Thời gian tăng từ 1 người mắc lên thành 100 người mắc vào khoảng 30 ngày. Từ 100 mắc thành 1.000 người chỉ diễn ra trong 10 ngày (mỗi ngày có 90 người mắc). Tuy nhiên, trong 10 ngày tiếp theo con số từ 1.000 người sẽ thành 8.000 người và sẽ tăng lên thành 32.000 người trong 10 ngày tiếp theo nữa. Và quy luật lây lan này đã thể hiện rõ ở các nước châu Âu, Mỹ và Iran.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 26-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chỉ có 2 tuần để hành động, cả nước cùng chung tay chống dịch, chiến đấu với Covid-19”. Bước vào giai đoạn "sống còn" này, Thủ tướng nhắc lại thông điệp “Chống dịch như chống giặc”, nhưng phải bảo đảm sinh kế, việc làm của người dân không bị đại dịch này cuốn theo.
Khi Chính phủ, các ngành, các cấp đều quyết liệt chống Covid-19, ý thức của mỗi người trong cộng đồng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, khi một người bị nhiễm Covid-19 không chỉ bản thân họ phải cách ly điều trị, hậu quả kéo theo đó là nguy cơ lây nhiễm cho những người thân trong gia đình, cộng đồng, xã hội.
Vì thế, cũng phải hiểu “chống dịch như chống giặc” là lối nói ẩn dụ cho tinh thần quyết liệt, triệt để trong việc thực hiện các chiến lược, biện pháp phòng, chống dịch được các cơ quan chức năng đưa ra. Sẽ không đạt được hiệu quả nếu những quyết sách, chiến lược của chính quyền không được người dân ủng hộ, tin tưởng và nghiêm túc thực hiện.
Sự đồng lòng, chung sức, đồng hành của mỗi người dân lúc này là tiếp thêm động lực và cơ sở vật chất kỹ thuật để các cơ quan chức năng tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt hoạt động chống dịch. Thắng lợi của công cuộc chống dịch là bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng cho người dân.
Chính vì vậy người dân là chủ thể, động lực và là đối tượng chủ yếu của cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”. Khi cuộc chiến chống Covid-19 ở nước ta đang vào giai đoạn quyết định, nếu chỉ vì sự thiếu ý thức của một người có thể đẩy cả cộng đồng vào nguy hiểm. Tự bảo vệ mình cũng là bảo vệ gia đình và xã hội.
Sẵn sàng với dịch ở cấp độ cao nhất là cấp độ 5, mỗi người trong chúng ta cần hy sinh, chỉ trong 2 tuần, đơn giản bằng cách vẫy tay thay vì bắt tay, hạn chế ra đường không cần thiết để mua sắm...
Nói giản dị như Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: “Tóc chưa dài lắm khỏi cắt. Giày chưa hư khoan mua. Làm móng tay, mua quần áo, bánh kẹo… nếu chưa thật cần thiết thì hãy hoãn lại”. Sự hy sinh này cũng thể hiện ý thức và trách nhiệm công dân đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19”.